Tình sử Bùi Giáng - Kim Cương-Chuyên đề BÙI GIÁNG

Cõi đời một kiếp yêu em
Dẫu là bỏ cuộc , mộng tìm dáng xưa  (BG)
Tình sử Bùi Giáng - Kim Cương: Duyên nợ

 Nghệ sĩ Kim Cương và Bùi Giáng

Kỳ nữ Kim Cương chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc đời, trong tâm hồn và trong sáng tác của Bùi Giáng. Trong tâm hồn ông, Kim Cương là "đệ nhất mỹ nhân" trong thiên hạ. Ông yêu Kim Cương bằng một tình yêu lạ lùng nhất thế gian. Chỉ có thể nói đó là một tình yêu bất tử. Đã có rất nhiều giai thoại xung quanh mối tình kỳ bí này.
Đối với Kim Cương, tuy là mối tình đơn phương từ phía Bùi Giáng, nhưng nữ nghệ sĩ đã rất trân trọng tình yêu của ông, một sự trân trọng vô cùng cảm động và hiếm thấy. Nhiều năm qua, nghệ sĩ Kim Cương có những lý do riêng nên đã không lên tiếng một cách chính thức. Lần đầu tiên, bà tiết lộ với Báo Thanh Niên một số sự thật về thiên tình sử này, vì đã đến lúc bà không còn lý do để tiếp tục im lặng... Chúng tôi tạm gác những phần cuối của loạt bài Bùi Giáng - thi sĩ kỳ dị để giới thiệu riêng cùng bạn đọc những tiết lộ của Kim Cương. Chúng tôi xin tỏ lòng biết ơn nghệ sĩ Kim Cương. Những tiết lộ này sẽ giúp cho công chúng hiểu rõ hơn con người và sự nghiệp của một thi sĩ độc đáo vào bậc nhất của đất nước.
Có lẽ trong cuộc đời của thi sĩ Bùi Giáng, ngoài chuyện văn chương ra thì chuyện tình đơn phương của ông với NSƯT Kim Cương là nổi bật nhất, kỳ lạ nhất, và cũng cảm động nhất. Kim Cương còn giữ rất nhiều bài thơ của ông viết tặng riêng bà, cả hình ảnh nữa, nhưng từ lâu bà từ chối mọi lời yêu cầu của các tờ báo, nhà xuất bản xin được phát hành, đặc biệt sau khi Bùi Giáng vừa qua đời nhiều đơn vị còn đặt vấn đề "mua" những tấm ảnh, tập thơ đó. Bà nói: "Tôi không muốn đem tình cảm của Bùi Giáng ra đánh bóng tên tuổi của mình hoặc làm gì đó có dấu ấn kinh doanh. Dù tôi không yêu ông, nhưng tôi trân trọng tình yêu của ông. Tuy nhiên, bây giờ sau loạt bài của Báo Thanh Niên, tôi thấy đây không còn là chuyện riêng tư nữa, mà Bùi Giáng là một sự kiện văn học chung của đất nước, cần có thêm nhiều thông tin về ông. Và vì không lên tiếng nên có những thêu dệt không đẹp cho Bùi Giáng, vì vậy tôi chỉ muốn nói rõ một vài sự thật để người ta hiểu đúng ông hơn".
Kim Cương biết Bùi Giáng lúc bà khoảng 19 tuổi, còn theo đoàn cải lương của má Bảy Nam nhưng đã được mệnh danh là "kỳ nữ". Thật ra, ông chú ý đến bà trong một đám cưới của đôi bạn Hạnh - Thùy. Sau đám cưới, một hôm Thùy bảo Kim Cương: "Có một ông giáo sư Đại học Văn khoa, đi học ở Đức về, ái mộ chị lắm, muốn đến nhà thăm chị". Kim Cương trả lời: "Ừ, thì mời ổng tới". Hóa ra là Bùi Giáng, lúc ấy đang dạy học, cũng áo quần tươm tất chứ chưa có "điên điên" như sau này. Bùi Giáng lui tới, mời Kim Cương lên xe đạp ông chở đi chơi, rồi cả cầu hôn, nhưng bà đều né tránh. Bởi sau vài lần tiếp xúc, bà thấy ở ông toát lên cái gì đó "kỳ kỳ", bất bình thường, nên bà sợ. Đeo đuổi mãi không được, Bùi Giáng thở dài nói: "Thôi, chắc cô không ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô (Bùi Giáng lớn hơn Kim Cương mười mấy tuổi), vậy cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé. Nó trẻ, lại đẹp trai, học giỏi". Kim Cương ngần ngừ: "Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Tôi không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẵng tính...". Ý bà muốn hoãn binh. Nhưng Bùi Giáng đã đùng đùng dắt cháu tới. Trời ơi, hóa ra đó là thằng nhỏ mới... 8 tuổi. Kim Cương hết hồn, thôi rồi ổng đúng là không bình thường!
Từ đó, mỗi năm Bùi Giáng mỗi bệnh nặng hơn. Ông không có vợ con, suốt ngày đi lang thang ngoài đường, hò hét, rồi cứ địa chỉ nhà Kim Cương mà tới. Thằng bé Toro con của Kim Cương lúc ấy khoảng 5 tuổi, thường trố mắt ra nhìn ông, và hỏi: "Mẹ ơi, sao bác này giống cái xe hoa quá?". Tư duy trẻ con thật ngộ nghĩnh, nhưng lại rất chính xác. Thì trên người Bùi Giáng có đủ thứ: nào hộp lon treo lủng lẳng, nào lá cờ giắt sau lưng, nào nhánh cây, vòng hoa trên đầu... cả một nải chuối đeo thường xuyên trên cổ. Không mở cửa cho ông vào là ông la hét, đập cửa, chửi um sùm, ném đá nữa, khiến hàng xóm náo động. Nhưng riết rồi quen, mỗi lần ông tới nhà Kim Cương ai nấy đều cười. Má Bảy Nam ở trên lầu chỉ cần nghe la rùm beng, đập cửa ầm ầm, là hỏi: "Bùi Giáng phải không?". Nhiều lần ông say khướt, nằm ịch xuống gốc cây trước nhà Kim Cương, mọi người phải khiêng vào. Bà lắc đầu: "Sợ ổng chết. Tướng tá vầy có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng khiêng vô rồi cũng sợ rủi ổng chết trong nhà mình. Mà điều, không nỡ bỏ ổng lăn lóc ngoài đường, thấy tội quá".
Nhưng điều hay nhất là mỗi khi vô nhà Kim Cương ông lại sáng tác thơ để tặng bà. Tiện tay xé bất cứ tờ giấy, tờ lịch nào là ông viết ào vô đó. Nguồn thơ yêu cứ tuôn trào như suối, không vơi cạn theo năm tháng. Về sau, khi ông "quậy" quá thì Kim Cương nghĩ ra cách, không mở cửa, mà lòn một cuốn sổ ra khe cửa cho ông viết thơ. Ông hí hoáy một hồi, rồi vui vẻ bước đi. Suốt 40 năm, cả chục cuốn sổ tay đã đầy ắp chữ của ông, chỉ riêng tặng "nương tử Kim Cương". Bà trân trọng gìn giữ trong ngăn tủ. Những vần thơ yêu với nét chữ ngả nghiêng chệnh choạng nhưng hồn nhiên say đắm lạ kỳ.
- Kính thưa nương tử Kim Cương
Tấm lòng rộng mở phi thường bấy nay
Ngàn năm điêu đứng đọa đày
Thiên thu sử lịch cau mày về sau
Thưa em đời mộng dạt dào
Tình yêu vô tận yêu đào vô biên
- Kể từ tao ngộ đầu tiên
Kim Cương vô tận, thuyền quyên vô cùng
Bốn mươi năm đã lẫy lừng
Âm thầm tưởng niệm lạ lùng giai nhân
Trái tim thiết thạch vô ngần
Từ tam thu tới tử phần hôm nay
Kể từ sử lịch xa xuôi
Bất ngờ một bận bùi ngùi yêu em
Lang thang vạn dặm độc hành
Cẩm nang bỏ cuôc đời miǹh trao em
****
Tình sử Bùi Giáng - Kim Cương: "Quyền lực" của Kim Cương 

Phải nói là Kim Cương có "quyền lực" rất lớn đối với Bùi Giáng. Cứ nghe tên bà là ông trở lại ngoan ngoãn như một đứa trẻ con. Một lần, ông làm "chim bay cò bay" giữa phố, gây ách tắc giao thông, công an tới lôi ông vào cũng không được.
Tình cờ có ông bạn Đoàn Thạch Hãn trông thấy, thế là anh ta rỉ tai ông: "Kim Cương nhắn ông tới nhà kìa!". Lập tức ông riu ríu đi theo Đoàn Thạch Hãn.
Ông còn "ái mộ" bà theo kiểu "kinh khủng" của ông. Người ta ái mộ thì xin chữ ký, xin hình, còn ông thì xin... quần. Ông tới nhà nằng nặc đòi bà cho ông cái quần. Bà lấy quần của cậu Toro nay đã lớn cỡ ông mặc vừa. Ông giãy nảy không chịu, đòi cái quần của Kim Cương mới được. Bà bực quá, đưa thiệt. Lập tức ông mặc vô và rồi không chịu thay ra. Tắm xong, mặc lại. Tỉnh bơ.
Và sau này khi ông ở nhờ nhà anh Hoài - cháu gọi ông bằng bác họ - tại Gò Vấp, thì cũng chỉ Kim Cương là người phụ nữ duy nhất được ông cho phép bước vào nhà. Nhiều lần, các bạn thơ nữ có ghé thăm ông, nhưng vừa mới nghe cháu vô báo tin là ông đã la hét om sòm, đuổi họ như đuổi tà: "Chỉ có tiên nữ Kim Cương mới được bước tới đây. Đi ra! Đi ra hết!".
Nghệ sĩ Kim Cương nói: "Tôi rất trân trọng tài năng của ông, nhưng phải nói thật là ông điên nặng, nhưng là cái điên trí tuệ, nói ra nhiều câu cực kỳ sâu sắc". Thỉnh thoảng, khi ông hơi tỉnh thì Kim Cương cũng ngồi bàn chuyện thơ văn với ông cho ông vui. Những lúc ấy, ông gọi bà bằng "cô" đàng hoàng chứ không "nương tử", không "Hằng Nga" gì hết. Nhưng có một lần, ông làm bà hết hồn. Hai người bàn luận đến Kiều, bà đọc mấy câu lỡ có sai một chút, ông liền đập bàn, la hét, nhảy dựng lên: "Tại sao Kiều mà cô nói sai như vậy? Câu vậy mà cô nói là của Kiều hả?". Thấy ông trợn mắt giận dữ, bà cứ ngỡ ông sắp bóp cổ mình tới nơi. Bà quên mất rằng ông cũng yêu Kiều say đắm như yêu bà.
Có một chuyện nhỏ, nhưng cảm động. Kim Cương nói rằng Bùi Giáng có đóng phim gì nữa đó, chắc đóng vai phụ nho nhỏ thôi. Kim Cương nhớ khi ông lãnh tiền thù lao, liền mua hai trái xoài đem tới cho bà. Rất dễ thương.
Kim Cương bùi ngùi nhớ lại: "Suốt 40 năm, ông đối với tôi như một người yêu đơn phương, thì ngược lại, tôi đối với ông như chỗ dựa tinh thần, bất cứ lúc nào nghe ông đau ốm hay bị công an bắt, bị người ta đánh là tôi có mặt". Bởi đơn giản, trong đầu Bùi Giáng chỉ có một số điện thoại duy nhất, một địa chỉ duy nhất, đó là địa chỉ và số điện thoại của Kim Cương. Nhiều lần ông đứng giữa đường dang tay la hét, làm kẹt xe, công an tới bắt, hỏi cách gì ông cũng chỉ nói một câu: "Thân mẫu tôi là Kim Cương, ở số... Hoàng Diệu, điện thoại 844...". Thế là công an réo gọi Kim Cương. Bà đi lãnh ông ra. Chuyện đó xảy ra không biết bao nhiêu lần. Có khi ông bị té, bị thương, người ta chở vô bệnh viện, ông cũng chỉ "khai báo" y như vậy. Bệnh viện lại réo bà. Bà lại đến. Hoặc những lúc ông lên cơn, có khi vô quậy cả đám cưới nhà người ta, bị người ta đánh, bà lại đến đưa ông về. Có lần, ông xuất hiện trước nhà bà với tóc tai mặt mũi đầy máu vì mới bị ai đó đánh, bà hoảng hốt gọi xích lô cho ông đi cấp cứu. Ông không chịu: "Chừng nào cô đi với tôi thì tôi mới đi". Ừ, thì đi. Kim Cương gọi chiếc xích lô chở ông, vừa ngồi xe ông vừa nói vung vít, mặc cho Kim Cương chịu trận.
Và như thường lệ, trong cơn điên điên tỉnh tỉnh, ông lại tiếp tục làm thơ yêu qua cuốn sổ nhỏ nhét vào khe cửa nhà bà:
     - Yêu nhau từ bấy tới nay
Xiết bao tâm sự từ ngày qua đêm
Thưa em nương tử dịu mềm
Bốn mươi năm lẻ êm đềm vô biên
     - Đầu tiên tiên nữ Kim Cương
Cuối cùng muôn một phi thường Cương Kim
Cúi đầu bái tạ tình em
Về sau vĩnh viễn êm đềm thương nhau
     - Làm thơ tiếp tục yêu em
Ồ Kim Cương ạ êm đềm vô song
Kể từ lịch kiếp long đong
Anh điêu tàn tới thong dong bây giờ
    ...
Hư vô và vĩnh viễn
Cũng vô lý như lần kia dưới lá
Con chim bay bỏ lại nhánh khô cành
Đời đã mất tự bao giờ giữa dạ
Khi lỡ nhìn viễn tượng lúc đầu xanh
Buổi trưa đi vào giữa lòng lá nhỏ
Tiếng kêu kia còn một chút mong manh
Dòng nức nở như tia hồng đốm đỏ
Lạc trời cao kết tụ bóng không thành
Lá cũng mất như một lần đã lỡ
Trời đã xanh như tuổi ngọc đã xanh
Trời còn đó giữa tháng ngày lỡ dở
Hồn nguyên tiêu ai kiếm lại cho mình
Đường vất vả vó ngựa chồn lảo đảo
Cồn sương đi vào sương lạnh miên man
Bờ bến cũ ngậm ngùi sông nước dạo
Đêm tàn canh khắc ngợi nguyệt gương ngàn
Một lần đứng lên mấy lần ngồi xuống
Ngón trên tay và tóc xõa trên đầu
Tình đếm lại muôn vàn thôi đã uổng
Để bây giờ em có biết nơi đâu
Bờ trùng ngộ một phen này phen nữa
Tờ cảo thơm như lệ ứa pha hồng
Hồn hoa cỏ Phượng Thành Hy Lạp úa
Nghe một lần vĩnh viễn gặp hư không
Tình sử Bùi Giáng - Kim Cương: Ba lời cảm tạ của Kim Cương
Bùi Giáng về ở nhà của anh Hoài vào khoảng năm 1978, thì đến khoảng 1992 đã hơi tỉnh tỉnh. Nhà thơ Trụ Vũ thường ghé chơi với ông. Một lần Trụ Vũ bảo: "Kim Cương hẹn ngày mai lên thăm anh". Thế là suốt đêm ông không ngủ. Sáng dậy, ông đi tới đi lui, đứng ngồi không yên, và càu nhàu: "Cái thằng Trụ Vũ, chừng nào lên thì lên, nhắn nhe làm chi cho người ta sốt ruột".
Anh Hoài còn tiết lộ ông phải giả vờ uống một tí rượu để đóng vai "say", như thế khi Kim Cương lên thăm ông mới có cớ đi ngả nghiêng cho Kim Cương dìu đỡ. Nhưng có lần uống mãi, uống mãi, rồi say thật lúc nào chả biết, khi Kim Cương đến nơi thì ông đã... ngủ khò.
Một bữa, Kim Cương đến nhà, tặng ông đóa hoa hồng. Ông sung sướng quá. Kim Cương về rồi, ông hỏi anh Hoài: "Làm sao giữ được hoa tươi mãi hè?". "Ba ngày là nó héo thôi bác ơi!". "Trời ơi, của Kim Cương tặng tao, phải giữ hoài chớ bây!". "Con có cách. Đem hoa trút ngược xuống thì sẽ giữ giùm bác được vài tháng". Đúng là giữ được vài tháng, đến khi hoa đã khô nát ông mới đành lòng chia tay.
Gần 60 tuổi, ông tới nhà bà với đôi mắt nheo nheo không nhìn thấy rõ. Bà dắt ông đi mua cặp kính lão. Nhưng chỉ một tháng sau, ông xuất hiện với một bên tròng kính bị bể vì người ta đánh. Bà dỗ ngọt: "Tôi mua cho anh kính mới nghen". Ông lắc đầu: "Thôi cô, nhìn đời bằng một con mắt đủ rồi".
Bốn, năm năm cuối đời, ông gần như tỉnh hẳn, và cứ sáng mùng 1 Tết là ông xông đất nhà Kim Cương. Riết rồi biết ý, đêm giao thừa Kim Cương tự xông đất trước cho mình, để tảng sáng mở cửa đón ông vào. Ông vô nhà, ngồi bệt xuống nền, không bao giờ chịu ngồi trên ghế. Rồi ông lì xì cho Kim Cương, khi 5.000đ, khi 10.000đ. Bà xẻ dưa hấu đãi ông ăn. Ông hớn hở trong sự nâng niu của bà.
Kể ra, đâu chỉ có Bùi Giáng kiên nhẫn và thủy chung với kỳ nữ Kim Cương, mà chính Kim Cương cũng đã đáp lại mối tình đơn phương của Bùi Giáng một cách chân thành và kiên nhẫn, thủy chung suốt 40 năm, gần giống một người chị, một người mẹ. Cho nên, có người nói với bà: "Chắc kiếp trước Bùi Giáng mắc nợ bà!". Bà đáp vui trở lại: "Hổng biết ổng mắc nợ tui hay tui mắc nợ ổng!". Những lúc tỉnh táo, ông nói: "Cô nhơn hậu lắm cô mới chịu nói chuyện với tôi tới giờ này!". Nhân đó bạn bè hỏi: "Kim Cương có cái gì mà anh thương dữ vậy?". Ông đáp: "Lúc tôi gặp cô trong đám cưới của Hạnh - Thùy, cô mặc cái áo dài lụa trắng, tôi thấy hào quang tỏa tỏa ra, tới bây giờ vẫn còn tỏa".
15 ngày trước khi chết, Bùi Giáng đến nhà Kim Cương để lại mấy câu thơ như báo trước điềm chia ly:
- Thương yêu có lẽ như là
Nghi ngờ nhau mãi vẫn là Kim Cương
- Ông đi đau xiết vui buồn
Một mình ở lại muôn trùng em yêu
Rồi ông té, chấn thương sọ não, chở vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Người đầu tiên gia đình gọi đến là Kim Cương. Kim Cương nói: "Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng sạch sẽ. Đầu cạo sạch, không còn mớ tóc bù xù nữa. Và quần áo bệnh viện thì trắng bong. Cho nên tôi nhìn ổng không ra, cứ chạy đôn chạy đáo khắp các phòng tìm ổng". Những đứa cháu xin bà cho ý kiến. Bà đồng ý để bác sĩ phẫu thuật cho ông dù chỉ còn 1% hy vọng.
Nhưng rồi Bùi Giáng đã ra đi. Trước mộ ông trước giờ hạ huyệt, Kim Cương nhẹ nhàng thủ thỉ:
"Thưa Bùi Giáng! Đời ông là một đời giang hồ, nhưng mọi người vẫn mến thương ông, chắc ông cũng mãn nguyện rồi. Riêng tôi có 3 điều cảm ơn ông. Thứ nhất, ông đã để lại một sự nghiệp thơ cho đời. Thứ hai, cảm ơn mối tình 40 năm ông dành tặng tôi, tới giờ tôi có thể nói đó là mối tình lớn, ông là người yêu tôi chung thủy nhất, lâu dài nhất. Thứ ba, cảm ơn vì ông đã cho tôi một bài học, rằng dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người cũng phải có một mối tình để sống".
Nhưng chắc gì Bùi Giáng đã chịu xa lìa Kim Cương. Ông còn một lời nhắn nhủ viết trong cuốn sổ tay tại nhà Kim Cương:
"Kiếp sau gặp lại nhau, anh Bùi Giáng chỉ mong được Kim Cương chấp thuận cho phép anh Bùi được làm đầy tớ trung thành tuyệt đối của Kim Cương".
Và:
Vô ngần tao ngộ đầu tiên
Em bao giờ biết anh phiền ưu sao
Yêu em từ những kiếp nào
Về sau cũng niệm nguyên màu ban sơ.

 

Thôn nữ nương dâu
(Tác giả Thi sĩ Bùi Giáng)


Thôn nữ nương dâu

(Bùi Giáng)

"Một lần nghe tiếng của em"
Dội lên ở giữa êm đềm nương dâu
Tưởng em tiên nữ thiên thâu
Về đây duy nhất mộng đầu ban cho
Yêu em từ đó tới giờ
Tình yêu rất nặng ? lời thơ điêu tàn
Tình yêu đã lỗi muôn vàn
(em)?thiên hương kiều diễm
(Anh)?điếm đàng sở khanh
bài thơ hiện tại thất thanh
Gào kêu em giúp dùm anh qua đ  tới bây giờ
Lí la lí lững ? vườn hoa hương ngàn
Trỗi lên âm ngữ vô vàn
(Vừng)?nguyệt sương sa tóc diễm
(Ánh)?dương gió lộng tay khanh
Biếng làm biếng ngủ thất thanh
Đồng xu tiền cổ khi anh sang đò .


Ấy là
(Tác giả Thi sĩ Bùi Giáng)


ẤY LÀ

(Bùi Giáng)

Ấy là nhạc ? ấy là thơ?
Ấy là rượu đế một giờ bỗng dưng?
Ấy điên đảo?ấy điệp trùng?
Ấy từ vô lượng lừng khừng mà ra
Thưa em ngôn ngữ thật là
Cái gì như thể ngọc ngà thiên hương.


Phụng hiến
(Tác giả Thi sĩ Bùi Giáng)




PHỤNG HIẾN
(Bùi Giáng)
Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và không biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu
Cây và cối bầu trời và mặt đất
Đã nhìn tôi dưới sương sớm trăng khuya
Mở buồng phổi gió bay bát ngát
Dừng bên sông bến cát buổi chia lìa
Hoàng hôn xuống, bình minh lên nhịp nhịp
Ngàn sao xanh lùi bước trước vừng hồng
Ngày rực rỡ đêm êm đềm kế tiếp
Đón chào tôi chung cười khóc bao lần
Tôi đã gửi hồn tôi biết mấy bận
Cho mây xa cho tơ liễu ở gần
Tôi đã đặt trong bàn tay vạn vật
Quả tim mình nóng hổi những chờ mong
Sông trắng quá bảo lòng tôi mở cửa
Trăng vàng sao giục cánh mộng tung ngần
Gió thổi dậy lùa mơ vào bốn phía
Ba phương trời chung gục khóc đêm giông
Những giòng lệ tuôn mấy lần khoắc khoải
Những nụ cười tròn mấy bận hân hoan
Những ngoảnh mặt im lìm trong ái ngại
Những bắt tay xao động với muôn vàn
Những người bạn xem tôi như ruột thịt
Những người em dâng hết dạ cho tôi
Những người bạn xem tôi là cà gật
Những người em không vẹn nghĩa mất rồi
Trần gian hỡi?Tôi đã về đây sống
Tôi đã tìm đâu ý nghĩa lầm than
Tôi ngẩng mặt ngó ngàn mây cao rộn
Tôi cúi đầu nhìn mặt đất thấp đen
Tôi chấp nhận trăm lần trong thổn thức
Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm
Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt
Tôi đui mù cho thỏa dạ yêu em
Tôi tự nguyện sẽ một lòng chung thủy
Qua những lần buồn tủi giữa đảo điên
Thân xương máu đã đành là ủy mị
Thì xin em cùng lên thác xuống ghềnh
Em đứng mũi anh chịu sào có vững
Bàn tay bưng đĩa muối có chấm gừng
Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương
Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi!cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn
Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng
Thì cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay vói kiểng chân cao
Nhưng em hỡi trần gian ôi ta biết
Sẽ rồi ra vĩnh biệt với người thôi
Ta chết lặng bó tay đầu lắc
Đài xiêu ôi xuân sắp rụng mất rồi
Đêm ứa lệ phồng mi hai mắt
Bàn tay ta nhỏ như lá cây khô
Mình hoa rã đầm đìa sương theo móc
Đỡ làm sao những cánh tiếp nhau rơi
Ta gửi lại đây những lời áo não
Những lời yêu thương phụng hiến cho em
Rồi ta gục đầu lên trang giấy hão
Em bảo rằng
-Đừng tuyệt vọng nghe không
Còn trang thơ thắm lại với trời hồng

HAI NGƯỜI ĐẸP KIM CƯƠNG VÀ MARILYN MONROE


Với Kim Cương và Marilyn Monroe, Bùi Giáng mạnh dạn nói năng mà không hề e ngại điều gì. Bởi trong tâm thức ông, họ là hiện thân của cái đẹp trần tục. Hiện có rất nhiều giai thoại mà người đời truyền tụng về chuyện Bùi Giáng chọc ghẹo Kim Cương, nhưng có lẽ ta cũng không cần tìm hiểu rằng chúng thật giả bao nhiêu phần trăm, bởi điều đó không mấy quan trọng. Vì như trường hợp Marilyn Monroe, một người ở tận bên trời Tây mà vẫn nhập vào hồn ông được, huống gì là Kim Cương tài sắc ở ngay tại Việt Nam.
Kim Cương là đối tượng số một của Bùi Giáng. Hình bóng của người đẹp này dường như thường trú trong vô thức của ông chứ không phải thỉnh thoảng mới hiện ra như một số người khác. Bùi Giáng đã dùng mọi cách biểu đạt kỳ quái nhất để nói về Kim Cương. Bài thơ sau đây cho thấy sự ám ảnh kinh khủng của người đẹp Kim Cương đối với ông. Đó là bài Cô Kim Cương ơi, in trong tập Sa mạc phát tiết, nguyên văn như sau:
Nếu ngày sau tôi chết đi, mà cô không thể giỏ cho một giọt nước mắt
Thì cô có thể giỏ cho một giọt nước tiểu cũng được
(Nhớ giỏ ngay trên nấm mồ)

Ở dưới suối vàng tôi sẽ ngậm cười mà đón nhận
(Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây)

Thật là một bài thơ không thể nào tưởng tuợng nổi.
Nhưng không chỉ có vậy. Trong cuốn sách Con đường ngã ba, Bùi Giáng còn bị ám ảnh dữ dội hơn nhiều. Suốt mấy trang liền, ông nhắc đi nhắc lại “lời đề nghị khiếm nhã” ở trên:
Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ. Thiên tài buổi Hoàng Hôn thốt một lời như thế. Nhưng Vũ Lâm Xuân của Thệ Đa Lâm vẫn không thể trùng sinh trên đống xương tơi tả của mình…
Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ. Đó quyết nhiên là lời rốt ráo tối hậu. Không cách gì nói khác. Nấm mồ tại hạ. Không thể đổi tiếng đó ra làm một tiếng nào khác. Hãy đi tiểu. Có thể nào đổi tiếng đi tiểu ra làm một tiếng khác…
Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ vẫn vĩnh viễn là ngôn ngữ tuyệt trù bất tận thi nhiên. Vì chỉ nói như vậy thì ngàn vạn năm sau riêng hình ảnh cô Kim Cương sẽ vĩnh viễn đi về Trong Tháng Ba Lễ Hội để giải oan cho Tượng Vương hồi xứ Hoa Nghiêm Kinh…
Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ là sự vụ cần yếu ban sơ cho cuộc tối sơ đi về hủy thân giữa trần thổ. Cô Kim Cương vén xiêm đi tiểu xong rồi, thì từ nấm mồ của trần thổ hủy thân đó sẽ nảy nở ra cuộc đầu thai nơi núi đá…”.
Cứ một ý như vậy mà Bùi Giáng nói dông nói dài mãi. Nhưng sau đó, cách khoảng mấy trang, Bùi Giáng lại đổi ý, không muốn giữ lời đề nghị trên nữa:

Hỡi mẫu thân Kim Cương! Mẫu thân hãy dừng cuộc đi tiểu trong một thời gian để suy gẫm trở lại xem có thể tạo ra một vũ trụ khác để đi tiểu

Chúng ta không cần quan tâm đến ý nghĩa của từng câu chữ, vì chắc chắn là chúng vô nghĩa. Nhưng chúng mang cái ý nghĩa tổng quát, đó là sự ứng xử của vô thức đối với từng khái niệm. Ở đây là sự ứng xử với cái đẹp khác giới tính của thi sĩ đang trong trạng thái điên loạn.

Theo sau Kim Cương, Marilyn Monroe cũng được Bùi Giáng quan tâm kỹ. Ông đã sáng tác một số bài thơ về người đẹp này. Ta hãy đọc bài Trời khóc Marilyn để xem Bùi Giáng viết về người đẹp này như thế nào:
Trời xanh úp mặt nghe tin
Thôi rồi! Em Má Ri Lyn đi rồi
Từ đây ta bỏ ngai trời
Thu thời gian đập tơi bời càn khôn
Giữa hư vô nếu em còn
Nhớ ta em gửi cái hồn cho ta
Úp môi ôm mặt khóc òa
Cồn lê lên miệng là ba bốn lần.

Đó là bài thơ ông in trong tập Hoa lá cồn, xuất bản năm 1963. Sau đó trong phần Mưa nguồn hòa âm, toàn là thơ điên mà chúng ta đã biết, ông lại viết một bài thơ với cái tựa cũ là Trời khóc Marilyn. Bài thơ có mấy chục câu bắt đầu từ chữ Luống, một loạt câu khác bắt đầu từ chữ Một. Bài thơ này, vì thuộc thể điên loạn nên có một số câu chữ đi vượt quá giới hạn “đố tục giảng thanh”, chúng ta không thể trích dẫn vào đây được. Nhưng nó cho thấy rõ cái cách mà Bùi Giáng trình bày về cái đẹp trần tục theo cảm hứng của ông.

Có lẽ nói mãi cũng không hết được chuyện Bùi Giáng làm thơ về những người đẹp. Cho nên ta hãy đọc mấy câu thơ mà ông “phân loại đánh giá người đẹp” trong bài Quốc sắc Việt Nam sau đây:

Nam Phương Hoàng Hậu đẹp một cách thong dong
Kim Cương Nương Tử đẹp một cách thoải mái
Hà Thanh Công Chúa đẹp một cách cởi mở
Trí Hải Ni Cô đẹp một cách không lời

Bài thơ này còn dài nhưng chỉ trích dẫn chừng này câu thôi cũng đủ cho thấy Bùi Giáng vẫn có con mắt thật tinh đời trong khi sáng tác những bài thơ không tỉnh táo.

Tác giả: Trần Đình Thu

Bùi Giáng - gã cuồng khấu cõi nhân gian
Nguyễn Hữu Hồng Minh
Gọi Bùi Giáng là "người thơ" tôi muốn xác tín hai điều: - Bản chất thuần Việt của thi ca, tác phẩm ông và tính cách dân dã, bụi bặm, "bùi bàng giúi", "búi bàng giùi", "vân mồng", "đười ươi thi sĩ" gần gũi với quần chúng của ông.
"Sử lịch sai trang
Chạy quàng
Là lịch sử…"
(Lá hoa cồn - Bùi Giáng)
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất Bùi Giáng (ngày 7/10/1998)
Có những từ chỉ cần nhắc chữ là đọc nghĩa. "Người thơ" có lẽ bao hàm trong nghĩa "thi nhân". Nhưng "thi nhân" là từ Hán Việt. Còn “người thơ” lại là một từ thuần Việt. Tôi còn có cảm giác từ “thi nhân” đã mòn cũ hẳn đi kể từ khi nhà phê bình Hoài Thanh viết cuốn Thi nhân Việt Nam giới thiệu đưa ra một loạt những thi sĩ tên tuổi làm nên phong trào Thơ Mới. Từ ấy đến nay cũng đã xấp xỉ tròn thế kỷ. Chữ dùng nhiều cũng vẹt mòn. Chữ chuyên chở một dấu hiệu, một biểu tượng càng đóng khung bó hẹp nó trong một hàm nghĩa. Cũng như tầm quan trọng của Thơ Mới trong lịch sử phát triển thi ca Việt Nam là điều hiển nhiên, khó có thể phản biện nhưng việc kéo dài tầm ảnh hưởng nó qua nhiều thế hệ thơ Việt lại làm trì trệ, chậm lụt, thậm chí suy đồi, giảm hẳn tính sáng tạo. Là một lực cản đáng phê phán cho những đường bay nghệ thuật. Bùi Giáng “người thơ” vượt ra khỏi những quy chuẩn có tính áp đặt ấy!




Kỳ nữ Kim Cương và thi sĩ Bùi Giáng. Ảnh tư liệu.
Gọi Bùi Giáng là “người thơ” tôi muốn xác tín hai điều: - Bản chất thuần Việt của thi ca, tác phẩm ông và tính cách dân dã, bụi bặm, “bùi bàng giúi”, “búi bàng giùi”, “vân mồng”, “đười ươi thi sĩ” [1] gần gũi với quần chúng của ông. Trong lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại chưa từng sản sinh ra một trường hợp nào lạ lùng và độc đáo như vậy. Thơ với cuộc đời Bùi tiên sinh như đã được quán luận, được thực hành như một Đạo. Đạo Thơ. Hình ảnh còn lại của ông ngày nay được độc giả yêu thơ, yêu nghệ thuật khắc họa qua tranh, ảnh, thư pháp, điêu khắc… trên các chất liệu sơn dầu, mực tàu, rễ cây, rễ tre… lung linh tiềm ẩn một sức sống kỳ lạ. Nó cho thấy Bùi Giáng như một quan điểm, triết thuyết, một biểu tượng sống. Đôi lúc thấy ông ung dung, “nhi bất hoặc” giữa cuộc đời cũng như đôi khi cần thiết thì sẵn sàng tận hiến, đốt cháy bản thân mình, bày tỏ một thái độ. Đôi mắt với cái nhìn thẳng quắc thước không khoan nhượng vì sự thật và cái đẹp khiến ông như một Tế Điên hòa thượng hay Bồ Đề Đạt Ma trong điển cố.

Bởi thế, viết về Bùi Giáng thật khó. Nhiều giai thoại cuộc đời đã kể về ông cũng như sự cống hiến hết mình cho văn học, nghệ thuật thi ca của ông viết bao nhiêu cũng không đủ. Viết bao nhiêu cũng hóa thừa. Tôi tâm đắc lời dịch giả, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn khi ông nhận định về chuyện này: “Viết đôi lời hay nhiều lời về Bùi Giáng không bằng đọc Bùi Giáng. Đọc Bùi Giáng không bằng giao du với Bùi Giáng. Giao du với Bùi Giáng không bằng sống như Bùi Giáng. Mà sống như Bùi Giáng thì thật vui mà thật khó vậy!” [2].

Sự nghiệp của Bùi Giáng tỏa rộng qua nhiều lĩnh vực, từ thơ, nghiên cứu phê bình, bình giảng, làm báo và dịch thuật. Nhưng có thể khẳng định thơ đã “can thiệp”, xuyên suốt và xuyên thấu qua hết mọi địa hạt của ông. Nói cách khác, cái lõi của vấn đề Bùi Giáng là “lõi thơ”. Không những Bùi Giáng dịch hay như làm thơ (tiêu biểu như các cuốn Cõi người ta, Hoàng tử bé (Saint Exupéry), Mùi hương xuân sắc (Gérard De Nerval), Hòa âm điền dã, Khung cửa hẹp, Trường học đờn bà (André Gide), Ngộ nhận (Albert Camus), Nhà sư vướng lụy (Tô Mạn Thù)... mà ông viết nghiên cứu cũng dào dạt mê cuồng như làm thơ (Tư tưởng hiện đại, Tuyển tập luận đề, Thi ca tư tưởng)... Sự “nhập đồng”, thăng hoa ấy hiếm người có được!

Hãy thử khảo sát một vài đoạn trong các tiểu thuyết của André Gide, Gérard De Nerval "phổ" qua thơ của Bùi Giáng để thấy chuyện dịch thuật với ông là thân thuộc, biến hóa, là "ăn dầm nằm dề", "nhiễm sâu vào máu", ý vị, sâu sắc, gần gũi mà bay bổng thế nào. Cái thần kỳ của những câu lục bát: "Hỡi ôi! Quả thật là là / Song trùng đao kiếm đẩy qua đún về / Hở hang tồn lý ê chề / Lẳng lơ chết lịm trận đề huề gieo / Hỗn mang thị hiện ngặt nghèo / Cung giây so lệch thu vèo sang đông” là cảm hứng của ông khi đọc đoạn văn tiếng Pháp “ Je relis encore une fois tout le chapitre. C’est le depart d’une discussion infinite…" [3].

Một đoạn khác, ca ngợi thân xác, đầy âm hưởng tượng trưng của thơ Bích Khê: "Hương ngây tội lỗi rải mơ màng / Da thịt du dương của một nàng / Đã luống đời xanh trên gối lục / Linh hồn tĩnh dạ hận dư vang" từ tuyệt bút "Le tintement de la cloche du matin était encore dans mon Oreille et m’avait sans doute reveillé…" [4].

Và đây có thể xem là một bài thơ thể 6-8 toàn bích với gợi nhớ từ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Sức hấp dẫn của Bùi Giáng không chỉ khẳng định tài năng xử dụng ngôn từ uyên áo của mình mà ông còn thuộc rất nhiều thơ, nói cách khác, sẵn sàng cúi đầu lĩnh hội những cái hay, cái đẹp từ thơ của các bậc tiền bối đi trước. Một thái độ học hỏi, nghiêm cẩn, thành tâm rất hiếm thấy ngày nay ở các nhà thơ trẻ: "Dư vang tiếng trống tiếng còi / Rập rờn đầu liễu mộng hoài xanh buông / Xa xôi thôn ổ ngậm buồn / Thanh xuân gái dệt từng guồng hoa bay / Còn nghe điệu hát nghiêng mày / Sử xanh lần giở bên ngày phù du / Tràng hoa thêu gấm khơi mù / Dòng tuôn thúy lục xuân thu lên ngàn / Ta về ngón lại dư vang / Rồi mai ly biệt lên đàng nhớ nhung” là lúc cảm hứng xuất thần, không thể kiềm chế với bến bờ phù trầm từ Carnets của Albert Camus: “Le cor et le tambour résonnaient au loin dans les hameaux et dans le bois les jeunes filles tressaient des guirlandes et assortissaient, en chantant, des bouquets ornés des rubans…" [5].

Dẫn chứng như thế để thấy rõ ràng Bùi Giáng đã lấy "thi tưởng" để "quán" hết mọi lẽ trong hành động. Vì thế mới có những nhận định về Bùi Giáng theo kiểu như của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, đó là "ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ" [6].

Điều tôi quan tâm ở thơ Bùi Giáng cũng là thái độ về lẽ biến hóa, vô thường đó. Ông là người kết hợp được những lý lẽ uyên áo, trầm mặc của tinh thần Phương Đông với triết lý thực nghiệm, thực dụng của Phương Tây nên càng về cuối đời, thơ Bùi Giáng càng có những cuộc đảo lộn dữ dội về ngôn ngữ, lật nhào cả những hệ thống quan điểm thơ mà gần như cả một đời ông xây dựng. Từ cái thuở tinh khôi và căn nguyên như trong Mưa nguồn [7]:

"Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?
Ta đi còn gởi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù"

Hay Mùa màng tháng tư [8]:
"Đã đi đã đến cuối trời
Đã về như vẫn muôn đời đã đi"
cho đến khi xóa sổ, tung hê hết:
"Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi
Đi lên đi xuống đã đời du côn"
Triết lý trong cuộc chơi và kiếm tìm ngôn từ của Bùi tiên sinh cuối cùng chỉ còn lại mấy chữ "vui thôi mà!" cứ ngỡ rằng ai hiểu thế nào cũng được. Cao hơn, như Bồ Đề Đạt Ma giảng trong Tuyệt Quán Luận: "Vấn viết: Hà tâm chi tri? Hà mục chi kiến? Đáp viết: Vô tri chi tri, vô kiến chi kiến” (Vấn: Tâm nào thì hiểu được? Mắt nào thì thấy được? Đáp: Hiểu bằng vô tri, thấy bằng vô kiến) [9].

Nhưng theo ý tôi, "vui thôi mà" đó chính là khát vọng và bi kịch của một thi sĩ đã "tuẫn nạn trên lộ trình của chữ". Dường như mỗi thi sĩ đích thực không thể lý giải hết khát vọng và sự có mặt của mình. Bùi Giáng viết:

"Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau"

Nhiều bài viết của các học giả cho rằng, ở văn học miền Nam một giai đoạn, nếu Phạm Công Thiện là đỉnh cao của trí tuệ thì Bùi Giáng chính là tinh hoa của trời đất [10].

Vì thế Bùi Giáng là kẻ hát rong giữa chợ đời hay kẻ vì yêu đời quá mà hóa điên, trở thành một gã cuồng khấu vô vọng? Không ai hiểu hết những con đường nào mà thi sĩ đã đi. Đường trần, đường thơ, đường định mệnh. Khi tôi biết Bùi Giáng và đến chơi với ông thì ông không còn đi rong nữa. Có lẽ ông đã thuộc lòng mỗi con đường, mỗi ngõ phố Sài Gòn. Ông dường như chỉ còn ngồi một chỗ trong căn nhà của một người cháu tên là Nguyễn Thanh Hoài trên đường Lưu Quang Định, quận Gò Vấp [11]. Trên trán ông, lớp băng trắng vẫn còn thấm máu bởi những vết thương đời do những kẻ ít hiểu thi sĩ gây ra. Chỉ riêng hai con mắt vẫn sáng bừng như muốn nhìn thấu, muốn ôm trọn hết mọi cõi. Đến lúc ấy tôi mới hiểu hai câu thơ:

"Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con" (nhạc Trịnh Công Sơn lấy ý thơ Bùi Giáng)

Tôi có nhiều lần được tiếp xúc và gặp gỡ với Bùi Giáng nhưng không có một buổi trò chuyện nào ông chịu hết mình với tôi. Dường như ông muốn vô ngôn trước mọi cuộc đối thoại. Ông thường nằm đu đưa trên cánh võng trong khu vườn nhỏ tịch diệt cô đơn. Nhưng anh Hoài cho biết, ông vẫn âm thầm viết, âm thầm dịch thuật, ghi chú cho đến ngày cuối cùng. Ông thường viết chữ nắn nót rất đẹp trên những trang giấy nhàu nát, vỏ bao thuốc lá ông tình cờ nhặt đâu đó. Nhiều bài thơ trong di cảo ông, anh Hoài đã góp nhặt được bằng cách ấy. Một trong những bài trên giấy rác ấy, ông viết:

"Trước khi về chín suối
Em xin gửi đá vàng
Của trăm năm buồn tủi
Về trở lại nhân gian"
Cho thấy một nỗi niềm, một nỗi buồn nhân thế! Không ai có thể chia sẻ. Ở một góc nào đó, theo tôi, chính là niềm đau thân phận mà ông và các văn nghệ sĩ bạn bè cùng lứa ngẫu nhiên bị cuốn vào, tan tác lốc cuốn, quay cuồng trong bão loạn của thời đại. Và tôi cũng hiểu tài năng, cốt cách của những nghệ sĩ lớn thường được thử thách đến cùng qua những "điểm chết" hay biến cố của lịch sử. Và Bùi Giáng là một trong những tài năng lớn giữ được, bảo vệ được vẹn toàn nhân cách đó. Chính ông đã trở thành một biểu tượng cho chính những người yêu thơ ông vì thế!

Một điểm nữa mà tôi muốn nói trước khi kết thúc bài viết này là Bùi Giáng rất hay nổi điên khi có một người nào truy bức ông đến cùng. Cho dù đó là thi ca hay học thuật. Tôi cho rằng ông tránh các cuộc va chạm nảy lửa và tàn khốc ấy với hai lý do: Một, cuộc đời ông quá đủ đầy như một minh chứng; và hai, ông không muốn tái lặp bất cứ đặt đề, một định đề nào cho Nghệ thuật. Đi vào nó thì giống như đi vào "Sa Mạc Phát Tiết" [12]. Ước mơ của ông là tung hê hết chữ nghĩa để nhảy múa và hát ca. Mang tinh thần Lão Tử, hòng diễn giữa chợ đời hiện đại. Vì thế ở một góc chợ Bà Chiểu, hay giữa cầu Trương Minh Giảng, người ta từng thấy thi sĩ múa may quay cuồng hay “nhập đồng” phóng ào từ trên xích lô xuống diễn kịch, múa gậy vây giữa đám đông hồ hởi và cuồng nhiệt. Những hình ảnh thơ như thế sẽ không bao giờ còn nữa. Ông chính là "người thơ" cuối cùng của một thế kỷ và đã ra đi giữa một thời đại đang ngày càng xa vắng những tâm hồn và những tâm tình thơ.

Café Hồ Huấn Nghiệp, Sài Gòn, 1/10/2008.[1] Đặng Tiến trong bài “Bùi Giáng, sơ thảo tiểu truyện" (Talawas). Đây là một vài bút hiệu của Bùi tiên sinh trong rất nhiều bút hiệu của ông và người đời đặt cho ông. Những bút hiệu tưng tửng cách đây hơn nửa thế kỷ đầy ắp tính giễu nhại của văn học Hậu hiện đại.

[2] Bùi Văn Nam Sơn - Vài nét về Bùi Giáng (Tưởng nhớ thi sĩ Bùi Giáng - Nxb. Trẻ 1999).

[3] Hòa Âm Điền Dã - La Symphonie Pastorale - André Gide - Bùi Giáng dịch (Nxb. Võ Tánh 1969).

[4] Mùi Hương Xuân Sắc - Sylvie Souvenirs Du Valois - Gérard De Nerval - Bùi Giáng dịch (Nxb. Văn Nghệ 2006).

[5] Ngộ Nhận - La Malentendu - Albert Camus - Bùi Giáng dịch (Nxb. Văn Nghệ 2006).

[6] Theo Trần Hữu Dũng - tạp chí Thời Văn, số 19 tháng 6.1997 (Nxb. Đồng Nai), chuyên đề về thi sĩ Bùi Giáng.

[7] Mưa Nguồn - Thơ Bùi Giáng (xuất bản lần đầu tiên Nxb. Sơ Khai 1962), Nxb. Hội Nhà Văn tái bản lần thứ tư (2005).

[8] Mùa Màng Tháng Tư - Di cảo IV Bùi Giáng (Nxb. Văn Nghệ 2006).

[9] Tuyệt Quán Luận - Bồ Đề Đạt Ma - Đoạn 14 - Vũ Thế Ngọc dịch và chú giải (Nxb. Tổng hợp TP HCM 2006).

[10] Dẫn lại theo trí nhớ của nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh nói với tác giả (NHHM).

[11] Số nhà của anh Nguyễn Thanh Hoài, người được Bùi Giáng ủy quyền xuất bản tác phẩm ông sau khi mất, cũng là nơi ông ở cuối đời: 482/ 35/5 Lê Quang Định - P.11 - Q. Bình Thạnh - TP HCM.

[12] Sa Mạc Phát Tiết - Tập thơ Bùi Giáng ( Nxb. An Tiêm 1969).


40 năm "mối tình sâu bọ"

Nghe tin đồn trước đây chị và thi sĩ Bùi Giáng có "tình cảm sâu đậm" với nhau phải không?


(Cười rất giòn) Đó là sự thật chứ tin đồn gì. Chỉ có điều đó là mối tình đơn phương từ phía anh Bùi Giáng với tôi mà thôi.
Trong một lần dến thăm thi sĩ Bùi Giáng.
Trong một lần đến thăm thi sĩ Bùi Giáng.
Bùi Giáng "yêu" nhiều mỹ nhân lắm, nhưng "chung thủy" nhất với tôi qua "mối tình sâu bọ" kéo dài hơn 40 năm.

Sau này có lần tôi hỏi: "Vì sao mà anh thương Kim Cương dữ như vậy?", anh đáp: "Lúc gặp cô trong tiệc cưới, cô mặc cái áo dài lụa trắng, tôi thấy hào quang chiếu ra cho tới bây giờ". Đó là lúc tôi 19 tuổi.

Thi sĩ có làm thơ tặng chị?

Có chứ, nhiều lắm. Nào là: "Kể từ tao ngộ đầu tiên/Kim Cương vô tận, thuyền quyên vô cùng..." rồi "Kính thưa công chúa Kim Cương/Trẫm từ vô tận ven đường ngồi đây/Tờ thư rất mực mỏng dày/Làm sao định nghĩa đêm ngày yêu nhau?...".

Tôi còn giữ hàng chục cuốn sổ tay mà Bùi Giáng viết tặng "Kim Cương nương tử".

Lúc anh mất, trước khi hạ huyệt, tôi thưa rằng: "...Tôi xin cảm ơn anh ba điều: Một là cảm ơn anh đã để lại cho đời những tác phẩm văn chương độc đáo. Thứ hai là cảm ơn anh đã dành cho tôi một tình yêu suốt hơn 40 năm không suy suyển, không so đo tính toán. Thứ ba là cảm ơn anh đã cho tôi bài học rằng dù bất cứ ai dẫu điên hay tỉnh, giàu hay nghèo... đều phải có một mối tình để nương tựa".

***

Khi ‘Trẫm’ Bùi Giáng tặng thơ cho các ‘Đại ca’

Nguyễn Tấn Cứ
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng.
Cân nhắc mãi, rồi tôi thấy không thể không viết về con người có nhiều giai thoại này. Bởi cơ duyên, nhiều câu chuyện về ông tôi được tận mắt chứng kiến, bất ngờ thấy được. Đặc biệt là chuyện ông tặng thơ cho người đời.
Tôi xin gọi ông theo nhiều danh xưng mà người đời đặt cho Bùi Giáng: Bùi tiên sinh, Trung niên thi sĩ, Đười ươi thi sĩ. Còn Bùi Giáng thì ngấm ngầm cà rỡn tự cho mình là Đại Vương nên chỉ yêu những người đẹp nhất trên trần gian, và ông thường tự xưng là Trẫm.

Nhắc đến thi sĩ Bùi Giáng người ta thường hay nhớ đến một gã trung niên sặc sỡ màu sắc xanh xanh vàng vàng đỏ đỏ với đôi mắt sáng quắc sau một đôi kính cận dày cộp.

Khắp Sài Gòn Chợ Lớn người ta thường thấy thi sĩ thoắt ẩn thoắt hiện như một kiếm khách có thân thủ phi phàm với lối phục trang quái dị vá chằng vá đụp nhìn như đệ tử của cái bang trong truyện kiếm hiệp Kim Dung.

Nhưng nếu ai có một chút thẩm mỹ nhứt định sẽ phải thán phục cho cách chọn màu sắc của thi sĩ vì nhìn kỹ sẽ thấy đây là một mảng màu hội họa sạch sẽ cực đẹp.

Đây đúng là một kiểu thời trang của Bùi Giáng từ cái kính cho đến đôi giày rách, cái nón và cái bị, tạo thành một bức tranh kì lạ. Giống như một đạo sĩ của thời Xuân thu Chiến quốc, cái màu sắc ấy cũng thay đổi từng ngày khi người ta chợt bắt gặp Bùi đại ca đang múa may quay cuồng ở chợ Tân Định và chỉ một loáng sau đã thấy thi sĩ đang ngao du ở tận chợ Bà Chiểu.

Ông đi như mây lang thang như gió, hết quận nầy đến quận khác, hết quán nầy đến quán kia. Cung cách ăn uống của Bùi Giáng thì phải nói là đặc biệt, chỉ Bùi Giáng mới có.

Xích lô là phương tiện phổ quát nhất mà Bùi đại ca thường hay dùng để di chuyển khắp Sài Gòn Chợ Lớn, ngoài việc đi bộ. Ông có cả một đội xích lô thân quen.

Nhiều anh em văn nghệ yêu thích ông nên cũng thường hay xin ông cho thơ, việc này không hề khó, thi sĩ luôn sẵn lòng dâng hiến cho những ai yêu thi ca. Nhưng ông luôn đề tặng theo ý mình.

Nghe mấy anh xích lô này kể, mỗi lần chở Trung niên thi sĩ là vui nhất trên đời vì ông luôn luôn cho ăn nhậu no say. Không biết tiền ở đâu ông luôn cho anh em rất hậu, mỗi lần chở “bệ hạ” là có thể sống được ba bốn ngày.

Nói “bệ hạ” vì Bùi Giáng có một lối xưng hô rất ư là phiêu bồng cà rỡn hảo hán Lương Sơn Bạc: “Cho Trẫm về Chợ Lớn đi Đại ca”. Chỉ cần nghe như vậy, đại ca xích lô đã sướng rân lên cười toe và cung kính hạ càng: “Dạ xin mời Bệ hạ an tọa, Đại ca xin hầu ngài”. Với nụ cười an nhiên vi tiếu, Bùi đại vương nhảy tót lên xe một cách điệu nghệ, hai thầy trò bắt đầu cuộc “Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi/ Đi lên đi xuống đã đời du côn”.

Đói thì ăn khát thì uống mệt quá thì nghỉ, gốc cây hè đường công viên ghế đá bất cứ chỗ nào thích là dừng. Nhưng có điều lạ là “Trẫm” vẫn ngự trên xích lô bất cứ nơi đâu, Đại ca thì tùy thích nhưng làm ơn đừng cho chiếc xích lô chổng gọng ngã nhào khi Trẫm đang ngự là được rồi.

Trẫm thích lim dim trong cái náo nhiệt ầm ì giữa Sài Gòn hoa lệ. Nếu có mỏi qúa vì phải ngồi lâu, Trẫm sẽ đột nhiên phóng cái ào xuống đường chơi một vài điệu luân vũ của đười ươi rớt hột trước những đôi mắt thảng thốt của con người… Xong rồi, “phóc” lên yên đi thôi Đại ca, hỏi rằng Trẫm sẽ đi đâu/ Thưa rằng Trẫm sẽ đi lâu chưa về.

Đi đâu bây giờ, Đại ca gióng tiếng hỏi… Trẫm trả lời: “Đại ca chở Trẫm về quận 3 đi, vào cái quán bia ấy biết không”. Tất nhiên là phải biết rồi làm sao không. Xe trực chỉ quán 81 (đường Trần Quốc Thảo – trước đây tôi đã có bài viết về những kỷ niệm văn nhân thi sĩ tại quán này – TG).

Từ xa, anh em đã thấy xe của Trung Niên Đười Ươi Thi sĩ xuất hiện cập vào hàng hiên của quán. Vẫn trên xe, thi sĩ quát vào: “Cho hây [hai] chai Soài goòn”.

Bia được đưa ra kèm theo một đĩa đậu phụ. Hai thầy trò ngồi ngay trên xe nhậu khề khà. Ông Bùi nhậu không nhiều, chỉ mới hai ve là mặt đỏ gay mắt sáng rực lên như hai ngọn đèn pha.

Đại ca xích lô muốn uống bao nhiêu thì uống, nhưng nhớ không được say kềnh ra vì còn phải đưa Trẫm về nữa. Bao nhiêu Trẫm thanh toán hết lại còn boa lưng tưng đầu mày cuối mắt cho mấy em phục vụ.Và cũng nhanh như lúc đến hai thầy trò lại ra đi sau một màn nhảy múa ngay trên sân của quán nhậu.

Chuyện đi xe xích lô của Trung niên thi sĩ cũng nhiều cái kỳ quái. Như lần ông đi đường vào giờ cao điểm, làm sao để có thể vượt qua cái đám đông lô nhô lúc nhúc kia đang kẹt cứng sau buổi chiều tan tầm đây?

Chuyện nhỏ đối với Trung niên thi sĩ, không biết từ đâu Anh Dzoáng bỗng có một cái tu huýt thổi lên rầm trời cùng với một chiêu lăng ba vi bộ bay ra giữa ngã tư bắt đầu một cuộc nhảy nhót hoành tráng tả xung hữu đột như phim.

Bùi thi sĩ biến thành một cảnh sát giao thông có một không hai trên cái trần gian lộn xộn hỗn mang này. Lạ thay, dòng xe cộ đang dừng như bị một cái đập ngăn bỗng dưng như được tháo chốt lăn bánh trôi từ từ theo những động tác điều khiển điệu đàng như một nhạc trưởng của Trung niên thi sĩ.

Chưa vội chấm hết cho cuộc trình diễn, thi sĩ tiếp tục múa may theo nhịp điệu tiếng còi thêm một hồi nữa cho đến khi xe cộ lưu thông theo ý muốn rồi tự dưng ông biến mất. Lát sau, người ta đã thấy hai thầy trò thong dong ngao du ca hát cùng bạn bè ở Bà la chân Tân Định kia rồi.

Như đã viết, Bùi Giáng có một lối ngồi ăn uống và cả làm thơ hết sức đặc biệt, nghĩa là chỉ ngồi trên xe xích lô thôi không bao giờ ngồi trên ghế của bất cứ quán nào.

Ngay cả cách xưng hô “Trẫm và Đại ca” cũng là một cách tếu táo thâm trầm nhưng vô cùng cà rỡn của Bùi Giáng. Nhiều anh em văn nghệ yêu thích ông nên cũng thường hay xin ông cho thơ, việc này không hề khó, thi sĩ luôn sẵn lòng dâng hiến cho những ai yêu thi ca. Nhưng ông luôn đề tặng theo ý mình.

Vậy nên mới có chuyện một anh chàng làm thơ nọ được Bùi thi sĩ tặng thơ có lời đề tặng như sau: “Bài thơ này Trẫm tặng cho Đại ca QYZ, kí tên Trẫm, Bùi Giáng”.

Sướng quá, anh này bèn đem khoe với mọi người và toáng lên rằng: “Được Bùi Giáng nể lắm nên mới gọi là Đại ca”.

Nhưng khi nghe một đàn anh phân tích, anh này mới tá hỏa vì hiểu ra Trung niên thi sĩ đang cà rỡn la cà chữ nghĩa với mình, nhưng có hề chi chỉ vui vui vì cái kiểu cà rỡn ta bà của thi sĩ.

Không chỉ một mình anh này mà nhiều người khi được Bùi Giáng tặng thơ cũng đều có chung một lời đề tặng như thế không sai một chút nào.

Có một giai thoại do Bùi Chí Vinh kể rằng, anh cũng được Bùi Giáng nâng một cái… chổi truyền lại cho Bùi Chí Vinh như truyền vương trượng sau khi nghe Vinh đọc thơ.

Hư thực không biết nhưng có người bảo rằng Vinh bị Bùi Giáng cà rỡn mà thôi chứ làm gì có chuyện truyền “ngôi báu thi ca”. Vì nói cho cùng thì Bùi Giáng vẫn là Bùi Giáng, không ai có thể là truyền nhân được.

Vì sống điêu linh thơ mộng được như Bùi thi sĩ đã là chuyện vô cùng khó rồi. Còn làm thơ lại càng khó hơn vì cái lối tung hứng chữ nghĩa độc nhất vô nhị đến vô ngôn vô cùng của thi sĩ họ Bùi, lại có vô chừng ngữ nghĩa rập rờn âm thanh trong thơ của ông.

Anh Dzoáng phóng bút làm thơ trên… phong bì


Bùi Giáng.
Hỏi rằng tiền bạc của Trung niên thi sĩ ở đâu mà ra? Câu trả lời ở giữa lộ trình ngao du: Bỗng nhiên Đại ca xích lô nghe: dừng lại đây đi Đại ca. Điểm dừng là một biệt thự kín cổng cao tường, từ bên trong nghe tiếng chó dữ hực lên.

Đại ca mới nghe đã muốn tháo chạy, nhưng Trẫm thì điềm nhiên, bảo Đại ca cho xe chạy sát vào cánh cổng nơi có nút bấm, tiếng chuông vang lên rền rĩ kèm theo tiếng của chủ nhân lao xao ra mở cửa.

“Ai đó…” – một giọng điệu kéo dài hách dịch. Hắng giọng: “Trẫm đây Đại ca…”. Cửa mở toang và giọng người reo vui: “Trời đất ơi, anh Dzoáng ngọn gió nào đưa anh tới đây”.

Vẫn kẻ đứng người ngồi, Trẫm tỉnh queo: “Thì đi rong chơi, mi có buồn không nếu tao vay mi ít tiền”. Chủ nhân không một chút buồn phiền trái lại còn vui mừng ra mặt vì được cụng phụng cho thi sĩ: “Dạ được được mà anh Dzoáng chờ em một chút!”.

Nói xong, chủ nhân quay thật nhanh vào nhà, và cũng thật nhanh đã quay trở lại, dường như sợ nếu chậm anh Dzoáng sẽ đi mất tiêu, trên tay là một phong bì màu xanh kính cẩn dâng lên.

Thi Sĩ nhét vào lưng quần xong rồi nhàng nhẹ: “Ta viết cho mi một bài thơ hí?”. Nói xong không đợi trả lời anh Dzoáng phóng bút làm ngay một bài thơ ngay trên chính cái phong bì đó. “Đây ta tặng”. Chủ nhân chưa kịp cám ơn thì thi sĩ đã vỗ càng xe “Đi thôi Đại ca ơi…”.

                                                                                       Nguyễn Tấn Cứ


1 nhận xét:

  1. Appreaciate for the work you have done into the post, it helps clear away a few questions I had.

    Trả lờiXóa