Những mẩu chuyện rất ngắn, hay

Quà sinh nhật
Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học. Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến bên má: "Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?" Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi: "Sao má chẳng ăn gì?" Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến... (ST)


Con Nuôi
Thầy giáo lớp 1 thảo luận với lớp về một bức hình chụp, có một cậu bé màu tóc khác mọi người trong gia đình. Một học sinh cho rằng cậu bé trong hình chính là con nuôi. Một cô bé nói: - Mình biết tất cả về con nuôi đấy. Một học sinh khác hỏi: - Thế con nuôi là gì? Cô bé trả lời:
 - Con nuôi nghĩa là mình lớn lên từ trong tim mẹ mình chứ không phải từ trong bụng.

Khóc
Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa. Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ. Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói: "Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh."

Sầu Riêng

- Mẹ, sầu riêng rộ. Mẹ mua cho Nội một trái đi Mẹ. Nội nói cả chục năm rồi Nội chưa ăn múi nào hết.
- Bên đây sầu riêng mắc như vàng, của đâu mà cho Nội mày ăn cho đủ. Tao hầu Ba mày mệt rồi, thêm Nội mày nữa có nước đem chôn tao sớm.
Thằng Tí như bị hụt hẫng trước câu trả lời của Mẹ nó. ... Mùa sầu riêng năm sau, Nội nó mất. hôm giỗ đầu, Mẹ nó mua một trái sầu riêng thật to để trên bàn thờ.
Mẹ nó nói với mọi người:
- Má chồng tôi hảo sầu riêng lắm. Mắc cách mấy tôi cũng ráng mua để cúng Má tôi.
Mọi người khen Mẹ nó là dâu thảo. Chỉ có thằng Tí biết. Nó lặng lẽ đến cạnh bàn thờ thì thầm:
- Xin Nội tha lỗi cho Mẹ con

Mùa Đá Bóng
Mùa bóng đá lần trước nhằm lúc má đang bịnh...
Nhà chỉ có cái tivi là vật đáng giá, ba đem cầm để thuốc thang cho má. Hể tới giờ trực tiếp đá banh, ba lại vừa lo canh thuốc cho má, vừa lắng nghe tiếng bình luận câu được câu mất ở tivi hàng xóm!
Một năm sau, ba lại ra đi trước má!
Đến kỳ bóng đá lần này, tuy không hiểu thế nào là đá banh nhưng đêm nào cũng vậy, đến giờ má lại thức mở tivi và ngồi khóc một mình

Lời Con Trẻ
Sau khi ly hôn, người chồng dọn đồ đạt ra khỏi nhà. Đứa con gái nhỏ hỏi mẹ:
-Sao mẹ đuổi bố?
-Tại bố hư!
Để nó khỏi vặn vẹo hỏi lôi thôi, người mẹ mua cho cái bánh. Thằng anh từ đâu phóng tới bẻ của em miếng bánh, bỏ ngay vào mồm. Con bé khóc ré bắt đền. Người mẹ dỗ dành:
-Anh này hư quá! Thôi con nín đi, bỏ qua cho anh một lần.
Đứa con phụng phịu:
-Thế mẹ có bỏ qua cho bố đâu!
Người mẹ nhìn xa xăm:
-Ừ, ra mẹ cũng hư!

BÔNG ĐIÊN ĐIỂN
Xưa, em sống ở quê. Mùa lũ, em ngâm mình mò củ ấu, hái bông điên điển . Tuổi mười lăm ngai ngái mùi bùn.
Em tìm về thành phố. Học đi, học nhảy, học liếc mắt cười tình. Tuổi thiếu nữ đôi mươi vành vạnh, thơm phức và kiêu hãnh.
Một bữa, em chạy ra từ trong khách sạn. Chiếc giày cao gót lật quai lăn tõm xuống cống đen ngòm để lộ đôi chân phèn tứa máu. Em khóc tức tưởi. Nước mắt ân hận làm trôi những thứ bôi trét giả tạo. Khuôn mặt lộ dần những nét quê xưa.
Em chợt nhớ những cánh hoa điên điển sắp tàn còn kịp ửng vàng trước lúc hoàng hôn.
Nguyễn San


EM TÔI

Bám đất Sài Gòn sau 3 năm ra trường, tôi vẫn không xin được việc. Đôi cua dạy kèm, khi chẳng đủ trang trãi lại phải nhờ nguồn “trợ cấp”ở quê. Vừa rồi, đau ruột thừa, nằm viện. Mẹ vượt ngàn cây số vào thăm. Ngày về, dúi vào tay tôi chỉ vàng, bảo: “Của cái Lan, nó dặn con dùng để hồi sức, viện phí và tiền gởi vào cho con trước đây cũng một tay nó cả. Tội nghiệp! Dạy thêm tít mù, còn nuôi thêm cả lợn”.
…Nhớ ngày Lan trượt đại học, thư về tôi mắng chẳng tiếc lời…
Cầm món quà của em, tôi chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong.

Ngày xưa
- Huỳnh Văn Dân -

Thuở nhỏ, nhà tôi nghèo lắm. Mỗi chiều, anh em tôi thường tụ lại bên nồi cơm độn khoai sắn, ríu rít như đàn chim về tổ. Thiếu thốn nhưng chúng tôi nhường nhau phần thức ăn ngon nhất, mẹ tôi rất vui lòng.
Khi chúng tôi khôn lớn, có gia đình riêng, ai cũng khá giả. Hôm giỗ ba, có mặt đông đủ, anh Hai tôi phàn nàn với mẹ cây xoài của anh Ba mọc chồm qua sân nhà anh. Chị Ba trách anh Tư đào ao lấn qua phần đất của chị hai tấc. Mẹ tôi trầm ngâm: "Mẹ ước gì được trở lại thời nghèo khó ngày xưa."

Đi thi
- Ngô Thị Thu Vân -

Chị Hai thi đệ thất. Ba thức dậy từ tờ mờ chở chị đi trên chiếc xe đạp cũ. Chị Hai đậu thủ khoa. Má bảo: "Nhờ Ba mày mát tay." Từ đó, lần lượt tới anh Ba rồi cô út - cấp II, cấp III, tú tài, đại học - Đứa nào cũng một tay Ba dắt đi thi. Giờ cả ba đều thành đạt.
... Buổi sáng, trời se lạnh, Ba chuẩn bị đi thi "Hội thi sức khoẻ người cao tuổi." Má nhìn Ba ái ngại: "Để tôi gọi taxi. Tụi nhỏ đều bận cả."
Buổi tối, Má hỏi: "Ông thi sao rồi?" Ba cười xoà bảo: "Rớt!"

Vợ chồng
- Tuỳ Nghi -

Mỗi lần du lịch, anh vẫn bật cười vì tính nhát gan của chị. Xe qua đèo: sợ. Lên núi cao: sợ. Biển sóng lớn: sợ. Những lúc ấy, anh lại ôm lấy chị, vỗ về:
- Đừng sợ, có anh đây. Em hãy can đảm lên nào!
Công ty phá sản. Từ cương vị giám đốc, anh quay về với hai bàn tay trắng. Anh hốc hác, suy sụp. Chị dịu dàng ôm anh vào lòng, xoa xoa mái tóc:
- Đừng tuyệt vọng, anh còn có em mà. Hãy can đảm nhé anh!

Ca dao thương mẹ
- Trung Dung -

Ba bị tai nạn mất khi mẹ chưa bước vào tuổi bốn mươi. Mẹ ở vậy nuôi con.
Con lêu lổng chơi bời, mẹ khóc.
Con ngoan, học giỏi... Mẹ cũng khóc khi đốt nhang cho ba.
Hồi đó, con đâu hiểu sao ít thấy mẹ cười.
Lớn lên, nghe câu hát "... Mẹ đi lấy chồng con ở với ai..." Con lại khóc vì thương mẹ.

Mẹ và con
Con lên ba, chơi bên nhà dì, bị xe đạp ngã, trúng đầu chảy máu. Mẹ đang nấu cơm, hốt hoảng bế con chạy ngay đến bệnh viện. Hú vía. Vết thương chỉ nhẹ bên ngoài thôi. Hoàn hồn, mẹ nhìn lại mình: chân không dép, quần ống cao ống thấp, áo loang lổ vết máu. Chả giống ai! Mẹ cười. 
Con lớn, mẹ bỗng bị chứng nặng tai. Lần lữa mãi, mẹ mới nhờ con đưa đi khám bệnh. Bác sĩ bảo: Để quá lâu, hồi phục thính lực cũng khó. Nhìn mặt mẹ ngơ ngẩn, con khóc. 

THỊT GÀ
Tạnh mưa, bọn trẻ bưng cơm đứng ăn trước cửa. Tý khoe:
- Nhà Tý ăn thịt gà.
Đêm đó, bà Tám chửi:
- Mả cha nó, nghèo mạt kiếp tiền đâu ăn gà, nó ăn gà bà, nó chết bất đắc.
Ông giáo buồn lắm, ngã bệnh, qua đời. Thương tình, hàng xóm lo ma chay. Tý hớn hở vì nhà nó đông vui.
Trời đổ mưa.
Thằng Tý la lớn:
- Con gà vô nhà, dậy bắt làm thịt ba ơi.
Mọi người nhìn theo. Thì ra, một con cóc dưới kẹt tủ đang giương mắt nhìn lên quan tài ông giáo.

Vết Thương
Một cậu bé nọ có tính hay nổi nóng. Một hôm cha của cậu bé đưa cho cậu một túi đinh và nói với cậu:
- Mỗi khi con muốn nổi nóng với ai đó thì hãy chạy ra sau nhà và đóng một cây đinh lên chiếc hàng rào gỗ.
Ngày đầu tiên cậu bé đã đóng hơn một chục cây đinh lên hàng rào gỗ. Và cứ thế số đinh tăng dần. Nhưng vài tuần sau cậu bé đã tập kềm chế dằn cơn nóng giận của mình và số lượng đinh phải đóng mỗi ngày ít đi. Cậu nhận thấy rằng kềm chế cơn giận của mình dễ hơn là phải đi đóng đinh lên hàng rào.
Đến một ngày, cậu đã không nổi giận một lần nào suốt cả ngày. Cậu đến thưa với cha và ông bảo :
- Tốt lắm, nếu bây giờ con tự dằn lấy được và không nổi nóng một lần thì con hãy nhổ một cây đinh ra khỏi hàng rào.
Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một hôm cậu bé đã vui mừng hãnh diện tìm cha mình báo rằng trên hàng rào đã không còn cây đinh nào cả.
Người cha nói nhỏ nhẹ với cậu :
-Con đã làm rất tốt, nhưng con hãy nhìn những lỗ đinh con để lại trên hàng rào.
Hàng rào đã không giống như xưa nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói ấy cũng giống như những lổ đinh này, chúng để lại những vết thương khó rất khó lành trong lòng người khác. Cho dù sau đó con có nói xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương dù lành nhưng vết sẹo cũng còn để lại mãi.
Con hãy luôn nhớ: Vết thương tinh thần còn đau đớn hơn cả thể xác. Bạn bè ta, những người chung quanh ta là những viên đá quí. Họ giúp con cười và giúp con mọi chuyện. Họ nghe con than thở mổi khi con gặp khó khăn, cổ vũ con và luôn sẵn sàng mở trái tim mình ra cho con. Hãy nhớ lời cha...

1000 con hạc giấy


Sự hiểu lầm có thể làm cho con người ta mất đi vĩnh viễn 1 thứ gì đó mà ta rất yêu quý, để rồi, khi nhận ra thì đã quá muộn...
Có một chàng trai đã gấp 1.000 con hạc giấy tặng người anh yêu. Mặc dù lúc đó anh chỉ là một nhân viên quèn trong công ty, tương lai chẳng có vẻ gì sáng lạn nhưng họ vẫn luôn rất hạnh phúc bên nhau.
Rồi cho đến một hôm người yêu của anh nói rằng nàng sẽ đi Paris, sẽ không bao giờ còn có dịp gặp lại anh nữa. Nàng rất lấy làm tiếc về điều này và an ủi chàng rằng rồi nỗi đau của chàng cũng sẽ trở thành dĩ vãng. Hãy để cho nó ngủ yên trong ký ức của mỗi người. 
Chàng trai đồng ý nhưng trái tim tan nát. Anh lao vào làm việc quên cả ngày đêm, cuối cùng anh đã thành lập được công ty của riêng mình. Nó không chỉ giúp anh vươn đến những điều mà trước đây vì thiếu nó mà ngưới yêu đã rời bỏ anh, nó còn giúp anh xua đuổi khỏi tâm trí mình một điều gì đó của những tháng ngày xưa cũ. 
Một ngày mưa tầm tã, trong lúc lái xe, chàng trai tình cờ trông thấy một đôi vợ chồng già cùng che chung một chiếc ô đi trên hè phố. Chiếc ô không đủ sức che cho họ giữa trời mưa gió. Chàng trai nhận ngay ra đó là cha mẹ của cô gái ngày xưa. Tình cảm trước đây anh dành cho họ dường như sống lại. Anh chạy xe cạnh đôi vợ chồng già với mong muốn họ nhận ra anh. Anh muốn họ thấy rằng anh bây giờ không còn như xưa, rằng anh bây giờ đã có thể tự mình tạo dựng một công ty riêng, đã có thể ngồi trong một chiếc xe hơi sang trọng. Vâng, chính anh, chính người mà trước đây con gái họ chối từ đã làm được điều đó.
Đôi vợ chồng già cứ lầm lũi bước chậm rãi về phía nghĩa trang. Vội vàng, anh bước ra khỏi xe và đuổi theo họ. Và anh đã gặp lại người yêu xưa của mình, vẫn với nụ cười dịu dàng, đằm thắm nàng từng đem đến cho anh, đang dịu dàng nhìn anh từ bức chân dung trên bia mộ. Cạnh cô là món quà của anh, những con hạc giấy ngày nào. Đến lúc này anh mới biết một sự thật: nàng đã không hề đi Paris. Nàng đã mắc phải căn bệnh ung thư và không thể qua khỏi. Nàng đã luôn tin rằng một ngày nào đó anh sẽ làm được nhiều việc, anh sẽ còn tiến rất xa trên bước đường công danh. Và nàng không muốn là vật cản bước chân anh đến tương lai của mình. Nàng mong ước cha mẹ sẽ đặt những con hạc giấy lên mộ nàng, để một ngày nào đó khi số phận đưa anh đến gặp nàng một lần nữa, anh có thể đem chúng về bầu bạn.
Chàng trai bật khóc.
Chúng ta cũng vậy, như chàng trai kia, cũng chỉ nhận ra giá trị lớn lao về sự có mặt của một người mà cuộc đời đã ban tặng cho cuộc sống của chúng ta khi một sáng mai thức giấc, người ấy đã không còn ở bên ta nữa. Có thể họ đã chẳng yêu bạn như cách mà bạn mong đợi ở họ nhưng điều này không có nghĩa rằng họ không dâng hiến tình yêu của họ cho bạn bằng tất cả những gì họ có. 
Một khi bạn đã yêu, bạn sẽ mãi mãi yêu. Những gì trong tâm trí bạn có thể sẽ ra đi, nhưng những gì trong tim bạn thì mãi mãi ở lại.


Ước mơ

Chị mua dùm thằng bé mấy tờ vé số. Sau một hồi chọn lựa, chị hỏi nó:
- Nếu cô trúng số con chịu cô mua cho con cái gì?
Nó nhìn chị, xoay qua xoay lại rồi nói:
- Cho con một chiếc xe đạp, có xe đi bán xong con chạy tới trường liền, không bị trễ học nữa.
Di di những ngón chân xuống đất, nó hạ giọng:
- Cho con thêm đôi dép nữa nghe cô, để con đi học.
Dĩ nhiên là chị không trúng số. Tôi lại thấy nó mỗi ngày đi qua nhà với chân trần, đầu không nón...


Phấn son Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm. Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: "Bạn gái con xinh."
Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping. Em bảo: "Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…"
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son màu gì.

Nghỉ lễ
Cha nó xuôi ngược buôn bán trên chiếc ghe nhỏ để lo cho nó ăn học. Xong đại học, nó ở lại thành phố.
Tết vừa rồi, tiễn nó đi, ông dặn: “Con đi làm, ít về. Cha mẹ nhớ lắm. Nhưng ráng… đến dịp lễ rảnh con về thăm cha mẹ”.
Nó hứa.
Lễ đến, ông hớn hở chờ nó về. Nó điện thoại bảo không về được vì sinh nhật bạn gái.
Nghe xong, ông trầm ngâm, lát sau nói với mẹ nó: “Vậy là tết thằng nhỏ nó mới về. Còn đến bốn tháng nữa…

Ngày cưới của cha
Anh hai làm ở thành phố, tổ chức đám cưới luôn trên ấy. Ba vượt hơn 200 cây số đường quàn quả các thứ lo đám cưới cho anh.
Anh kế, rồi đến tôi đám cưới ba lo lắng đến từng chi tiết, cả đến cách lạy, cách đi đứng như thế nào cho phải đạo...
Mẹ mất sớm, ba sống cô đơn hàng chục năm. Khi các con đã yên bề cả, ba đi thêm bước nữa, ngày cưới của ba, cả ba anh em tôi đều viện cớ vắng mặt...

Lòng tin
Xe ngừng…
- Mận ngọt đây! ...
- Bao nhiêu tiền bịch mận đó?
- Dạ 2000.
- Hổng có tiền lẻ!
- Để con đổi cho!
Cái bóng nhỏ lao đi. Năm phút, mười phút…
- Trời! Đồ ranh! Nó cầm 5000 của tui đi luôn rồi!
- Ai mà tin cái lũ đó chứ!
- Bà tin người quá! ...
Xe sắp lăn bánh… Cái bóng nhỏ hớt hải:
- Dì ơi! Con gửi ba ngàn. Đợi hoài người ta mới đổi cho

Lời hứa
Tết, anh chở con đi chơi. Về nhà, thằng bé khoe ầm với lũ bạn cùng xóm. Trong đám trẻ có thằng Linh, nhà nghèo, lặng lẽ nghe với ánh mắt thèm thuồng. Thấy tội, anh nói với nó: “Nếu con ngoan, tết năm sau chú sẽ chở con đi chơi”. Mắt thằng Linh sáng rỡ.
Ngày lại ngày. Cuộc đời lại lặng lẽ trôi theo dòng thời gian.
Thoắt mà đã hết năm. Lại tết. Đang ngồi cụng vài ly với đám bạn thì thằng Linh cứ thập thò. Vẫy tay đuổi, nó đi được một chốc rồi lại lượn lờ. Cáu tiết, anh quát nó. Thằng Linh oà khóc nức nở. Tiếng nó nói lẫn
trong tiếng nấc: “Chú hứa chở con đi chơi…cả năm qua con ngoan…không hư một lần nào…”

Ba
Xưa, nội nghèo, Ba đi ở cho ông bá hộ, chăn trâu để chú được đi học. Thành tài, chú cưới vợ, ra riêng.
Ngày hỏi vợ cho thằng Hai, chú mời mấy người cùng cơ quan. Ai cũng com-lê, cà-ra-vát. Chú bảo: Anh Hai hay đau bao tử, ở nhà nghĩ cho khỏe.
Ba ừ, im lặng vác cày ra đồng. Mồ hôi đổ đầy người.
Cũng những giọt mồ hôi ấy, xưa mặn nồng biết chừng nào, mà giờ, sao nghe chát cả bờ môi.

TÌNH BẠN
Hai người đi trên con đường vắng vẻ. Đến một đoạn, họ có một cuộc tranh luận khá gay gắt và một người đã không kiền chế được giơ tay tát vào mặt bạn mình. Người kia bị đau nhưng không hề nói một lời. Anh viết trên cát: " Hôm nay, người bạn thân nhất của tôi đã tát vào mặt tôi ".
Họ tiếp tục đi, đến một con sông, họ dừng lại và tắm ở đấy. Anh bạn kia không may bị chuột rút và suýt chết đuối, may mà được người bạn cứu. Khi hết hoảng sợ, anh viết lên đá: " Hôm nay, người bạn thân nhất đã cứu sống tôi ".
Anh bạn kia ngạc nhiên hỏi: " Tại sao khi tôi đánh anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại viết trên đá? "
Mỉm cười, anh trả lời: " Khi một người bạn làm chúng ta đau, chúng ta hãy viết điều gì đó trên cát, gió sẽ thổi bay chúng đi cùng sự tha thứ... Và khi có điều gì đó to lớn xảy ra, chúng ta lên khắc nó lên đá như khắc sâu vào ký ức của trái tim, nơi không ngọn gió nào có thể xóa nhòa được... ".
.....Hãy học cách viết trên cát và đá ...

Khoe
Ngày xưa, khi có ai hỏi con: "Bố làm nghề gì ?" .... Bố thấy con không vui và không bao giờ chịu trả lời là bố làm nghề thợ hồ. Bố cố gắng làm việc nhiều hơn để nuôi con ăn học & mong sau này con có được 1 nghề mà mọi người nể trọng trong xã hội. Con thành đạt rồi lấy chồng. Mỗi lần khách đến chơi, câu đầu tiên bố thường nghe con khoe là "Nhà em làm luật sư nên lúc nào cũng bận"
Bố buồn, chỉ ao ước được 1 lần nghe con khoe về nghề của bố ...

Chuyện của nộiNhận vé máy bay, cả nhà mừng tíu tít... Dường như nội cũng mừng lắm. Nội ra vào, hết sờ cái cột, sửa thân bầu, lại bứt mấy đọt mồng tơi nấu canh. Con cháu cười nội lẩm cẩm...
Từ ngày lên máy bay cho đến khi định cư nơi trời Tây, nội luôn săm soi một gói giấy, vẻ quí lắm.
Chiều đông ảm đạm, nội ra đi, tay vẫn nắm chặt cái gói nhỏ. Bố nhẹ nhàng gỡ ra, một cục đất màu nâu rơi xuống, vỡ tan...

Nhạt
Người đàn bà vội vã ra đi vào một chiều mưa tầm tã.
Ngày ngày, chỉ còn lại người đàn ông lầm lũi bên xe mì gõ đầu hẻm. Chẳng hiểu vì lý do gì, khách đến ăn ngày một thưa dần rồi vắng hẳn.
...Ngày nọ, có người đàn bà sang trọng tìm về con hẻm xưa. Không ai còn nhận ra bà. Người đàn ông và xe mì gõ không còn ở đó nữa. Người ta bảo kể từ cái dạo vợ bỏ đi, mì ông nấu không còn ngon như trước và quá nhạt.
Nhạt nên người ta không ăn của ông nữa...

Anh hai
Năm 18 tuổi, anh quyết định nghỉ học đi phụ hồ. Bố Mẹ giận dữ, mắng “ sanh ra.. Giờ cãi lời bố mẹ… phải chi nó ngoan, siêng học như bé Út…”
Anh lặng thinh không nói năng gì… Bố mẹ mắng mãi rồi cũng thôi. Anh đã quyết thế!
Ngày bé Út vào Đại Học, phải xa nhà, lên Thành Phố ở tro. Anh tự ý bán đi con bò sữa – gia tài duy nhất của gia đình, gom tiền đưa cho bé Út. Biết chuyện, bố thở dài, mẹ lặng lẽ, bé Út khóc thút thít… anh cười, “ Út ráng học ngoan…”
Miệt mài 4 năm DH, Út tốt nghiệp loại giỏi, được nhận ngay vào công ty nước ngoài, lương khá cao… Út hớn hở đón xe về quê…
Vừa bước vào nhà, Út sững người trước tấm ảnh của anh trên bàn thờ nghi ngút khói… Mẹ khóc, “ Tháng trước, nó bị tai nạn khi đang phụ hồ…lúc hấp hối, biết con đang thi tốt nghiệp, nó dặn đừng nói con biết…”

Đưa đón
Nội từ quê vào thăm, mang quà quê vào cho cháu, nào là bánh đa gạo nếp, có cả chục trái dừa khô.
Thấy nội lỉnh kỉnh vất vả, con trách bố: Sao không đón nội. Bố bảo: Bận quá.
Ngoại nước ngoài về thăm quê. Các cậu, dì thuê hẳn một xe ôtô đi đón. Bố cũng đóng cửa hàng nghỉ buôn bán vài hôm, để cùng đi đón ngọai. Bố bảo: Ai cũng có mặt, bố không đi ngoại trách.



Cua rang muối
Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:
 - Cua rang muối thật đó mẹ.
 Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:
 - Còn răng đâu mà ăn?!

Đợi

“Mẹ ơi, sao bà hay ngồi ngoài cửa chiều chiều thế mẹ? Bà lãng mạn quá mẹ nhỉ! ” Nó cười tít mắt, tưởng tượng vu vơ ở chân trời nào chả rõ. Mẹ chẳng nói gì, chỉ lặng im, lâu lâu lại ngẩn lên nhìn bà, mắt mẹ thoáng buồn, nó chẳng hiểu vì đâu…
Sau đó nó biết ông khi xưa đi chiến trường không về, bà thì luôn bảo ông “chưa” về nên hay ra ngồi ngoài ngõ đợi.
Có lúc nó dỗi bà, bảo bà không chơi với nó mà cứ ngồi đợi ông “Ông không về đâu, ông chết rồi! ” Nó hét lên giận dữ, khóc thảm thiết. Bà vuốt má nó nựng nịu, rồi cõng nó vào trong.
Mãi sau này, khi bà mất đi, mẹ kể nó nghe rằng: bà muốn đợi ông về, dẫn hồn ông đi kẻo lạc. Bà sợ năm tháng dài, mấy con ngõ trở thành lạ xa.
Nó lặng im thẫn thờ, mắt thả về miên man… thấy nhớ bà vô hạn…
Rồi chiều chiều, cũng tự khi nào không biết, nó ngồi trước hiên nhà, đợi bà ngang qua…

Xa xứ
Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.
Thư đầu viết: "ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình…"
Cuối năm viết: "mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm…"
Mùa đông sau viết: "em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội… Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không…"

Bàn tay
Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... Mềm mại.
Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... Chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.
Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.

Ba
Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi. Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…
Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi:”Có dư đồng nào không con?”. Tôi đáp: “Còn dư bốn ngàn ba ạ”. Ba nói tiếp:”Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa”.
Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng…

Ăn cơm (Nguyễn Thanh Bình)
Thằng Tèo ngồi tiu nghỉu. Tựa lưng vào cây trứng cá bên hông nhà, thỉnh thoảng nó giơ tay gạt nước mắt.
Không biết chuyện gì? Cả buổi sáng nay ba má nó liên hồi ẩu đả. Bỏ ông táo lạnh tanh. Giờ mỗi người mỗi góc.
Rồi cuộc chiến lại tiếp tục. Từ võ ba càng chuyển sang võ miệng. Bỗng má nó lớn giọng :
- Ông ăn chả, tôi ăn nem. Mặc xác ông!
Đến đây, cái bao tử thúc giục, Tèo tham chiến :
- Con không thèm ăn thứ đó, con chỉ muốn ăn cơm thôi!

 (Quỳnh Châu)
Ba nó bỏ đi lúc nó còn đỏ hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó. Đau khổ - Và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại. Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm.
Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái dỗ dành : "Ngoại có đi đâu!Ngoại ở đây mà!". Vậy là nó nín.
Rồi mẹ cũng theo bà. Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo :"Mẹ có đi đâu!Mẹ ở đây mà!" rồi lấy tay đặt lên ngực trái, chỗ trái tim. Nó dỗ thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn.

Cái bóng (Hải Âu)
Ông luôn phàn nàn về cuộc hôn nhân sắp đặt sẵn mà gia đình dành cho mình. Ông chê bà ít học, chẳng tương xứng với sự lịch lãm của ông. Mọi việc ông thường tự quyết, chẳng coi bà vào đâu. Bà tồn tại bên ông như cái bóng lặng lẽ trong cuộc sống chung có nhiều thăng trầm.
Một ngày, bà nhẹ bỏ ông sau một cơn bạo bệnh. Ông ra vào ngẩn ngơ như thể đang kiếm tìm. Nhà thiếu bà, ông mới thấy rõ những khỏang trống. Ông nhận ra sự lịch lãm cũng chẳng tạo nên được một gia đình nếu thiếu đi sự hy sinh, chịu đựng âm thầm của bà..

Bố và con (Trần Ninh Bình)
Anh phụ trách công việc giao tế ở một công ty, lúc nào cũng tươi tắn, lịch sự và hòa nhã. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, buổi tối tắm rửa xong, đang nằm đọc báo trên giường trải drap trắng toát thì con bé bốn tuổi, mồ hôi mồ kê, chân tay lấm láp trèo lên. Anh cau mặt gắt con sao không chịu đi rửa chân tay trước. Con bé mếu máo :" Bố ơi, từ sáng tới giờ bố chưa mi con cái nào!"

Cha tôi (Nguyễn Minh Hiếu)
 Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngòai 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói.
Tôi tìm đến bệnh viện, quyết định cho người tình của cha tôi một trận. Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc là mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói : "Ba sợ các con còn giận mẹ...".

NGÀY SINH NHẬT ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG -DIỆU AN
 Chưa đến ngày sinh nhật, còn đến khoảng hai, ba tháng, vợ đã lo nghĩ đến sinh nhật của chồng, con. Rồi chồng lo sinh nhật của vợ con, và con lo ngày mừng tuổi cho ba mẹ. Duy chỉ một người, không ai lo đến - ông nội già yếu. Và cho đến một ngày - ngày ông nội mất.
Chồng hỏi vợ: Sinh nhật ông ngày nào?
Vợ hỏi lại chồng: Ngày nào là ngày sinh của ông?
Con cái hỏi cha mẹ: Ông sinh ngày tháng nào?
Vậy là cả con, dâu, cháu, chắt phải đi tìm ngày sinh cha ông trong chứng minh nhân dân đề làm bia mộ cho ông.
Đó là ngày sinh nhật đầu tiên và cuối cùng của ông.

Lát nữa về (Phạm Thu Hiền)
Anh chị lấy nhau được 5 năm. Gia đình bất hòa nhưng có đứa con cũng đỡ phần nào.
Ngày ngày, khi chị đi làm, đứa con nhỏ ba tuổi thường khóc đòi chị. Chị dỗ dành :
- Nín đi con ! Lát mẹ về.
Năm sau, anh chị ly dị. Tòa cho anh nuôi đứa bé. Chị ôm nó khóc. Nó nhìn chị, ngây thơ :
- Nín đi mẹ ! Con đi chơi với ba, lát con về..

Con trai (Linh Diệu)
Bà Nội sanh mỗi mình bố.
Mẹ cũng chỉ có mỗi Bé thôi. Mẹ sanh phải mổ mà.
Bé đã lên 5, thích em trai lắm. Bố cũng vậy. Bà Nội thì khỏi nói, lúc nào ôm Bé cũng thở dài : Phải chi...
Một hôm Mẹ khóc - Rồi Mẹ nằm vùi, lặng ngắt , xanh xao. Cả nhà tự nhiên im ắng hẳn. Suốt tuần.
Bố với Bà Nội đem về cho Mẹ một chú nhóc thật xinh. Bé thì mê mẩn, nhưng Mẹ chẳng khỏe lên tí nào. Mẹ bảo : Bố đổi em bé bằng trái tim Mẹ đấy!

Vòng cẩm thạch (Jang My)
Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm mọi cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường...Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo.
Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiệc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía , cười :
- Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui.
Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng.

Cần thiết (T.T)
Ngày cô theo gia đình định cư ở nước ngoài, Thầy buồn nhiều vì cảm thấy trống vắng, cô đơn. Nhiều năm trôi qua, Thầy vẫn ngày hai buổi ăn cơm tiệm, một mình một bóng đi về. Đã bao lần cô gợi ý đón Thầy sang, nhưng Thầy nhất quyết từ chối. Cuộc đời thầy gắn bó với trường lớp đã bao năm, làm sao nỡ dứt bỏ.
Một lần gọi điện thoại về thăm, cô dè dặt hỏi : "Anh có cần gì cứ nói, em sẽ gởi về liền". Cười buồn, Thầy ôn tồn đáp : "Anh chỉ cần em".

Nuôi mẹ (Nguyễn Thị Thao)
Con ở Đức về, giàu có, đón mẹ ra nuôi.Con dâu hồ hởi, cơm quà cho mẹ chu đáo. Giường mẹ màn mới, quạt riêng.
Mẹ như vàng.
Chồng biếu mẹ mọi thứ. Thương mẹ, anh hay gần gũi, trò chuyện, lại gởi quà về quê. Vợ nhìn soi mói. Bữa ăn thiếu đậm đà. Tối đến màn chẳng mắc. Lạnh nhạt...
Mẹ thành bạc.
Mẹ ốm, nằm một chỗ, khó ăn, khó ngủ, ho... Chồng chăm mẹ. Một mình vất vả mọi việc, vợ bực bội và lạnh lùng : "Xem thế nào đưa mẹ về quê..."
Mẹ thành rác vứt bờ tre.

Xót xa
Tần tảo dành dụm những đồng tiền lẻ từ mớ rau, củ khoai, con cá con tôm bắt được để gởi lên cho chị Hai ăn học. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa – Nghệ thuật – Du lịch, chị Hai ở luôn trên Thành phố làm Phó giám đốc cho một công ty Đầu tư và phát triển Du lịch tại Sài Gòn. Mãi đến hôm nay – dễ chừng gần ba năm – chị Hai mới về. Cả nhà khôn xiết vui mừng. Má lật đật chèo xuồng đến chợ nổi mua đồ về làm bữa cơm thịnh soạn:
 - Tội nghiệp chị Hai tụi bay, hồi giờ có được bữa ăn nào đàng hoàng, tử tế đâu?
 Đang ăn, chị Hai bỗng giật mình, lấy đũa khều một sợi tóc từ trong đĩa lòng xào ra:
 - Ai làm bê bối và cẩu thả thế này? Kiểu này ở nhà hàng họ đã đổ vào thùng nước cơm! Khách du lịch mà biết, chỉ có nước đóng cửa dẹp tiệm! Sạt nghiệp là cái chắc!
 Nói xong, chị Hai đứng dậy, nhanh chân bước lên nhà trên.
 Từ nãy giờ, má ngồi đó, im lìm như tượng đá. Thằng Út cầm sợi tóc lên săm soi một lúc rồi la to lên, giọng còn ngọng nghịu:
 - Sợi tóc bạc hơn một nửa rồi má ơi!

Tô mì
  Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách rất đặc biệt, một người cha và một người con. Nói đặc biệt là bởi vì người cha bị mù. Người con trai đi bên cạnh cẩn mẫn dìu người cha. Cậu con trai trạc mười tám mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là học sinh..  
Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi: "Cho hai bát mì bò!", cậu nói to. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta nhoẻn miệng cười biết lỗi, rồi chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, bảo tôi rằng chỉ làm 1 bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi hoảng, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, thực ra thì tiền không đủ, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười với cậu ta tỏ vẻ hiểu ý.
Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, ân cần chăm sóc: "Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!". Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. "An đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội." Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn lại sáng lên nụ cười ấm áp. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên đó là, cái cậu con trai đó không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, mà cứ im như thóc đón nhận miếng thịt từ bát của cha, rồi lại lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về.
Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. "Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt." Ông lão cảm động nói. Kẻ đứng ngay bên cạnh là tôi, chợt toát hết cả mồ hôi, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: "Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này. " "Ừ, ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò thực ra cũng có chất lắm đấy."
Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai cha con họ. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò vừa thái, bà chủ dẩu dẩu môi ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: "Anh để nhầm bàn rồi thì phải?, chúng tôi không gọi thịt bò." Bà chủ mỉm cười bước lại chỗ họ: "Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng. " Cậu con trai cười cười, không hỏi gì thêm.
Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa. Chúng tôi cứ im lặng chờ cho hai cha con ăn xong, rồi lại dõi mắt tiễn hai cha con ra khỏ quán. Mãi khi cậu Trương đi thu bát đĩa, đột nhiên kêu lên khe khẽ. Hoá ra, đáy bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò, được viết trên bảng giá của cửa hàng. Cùng lúc, Tôi, bà chủ, và cả cậu Trương chẳng ai nói lên lời, chỉ lặng lẽ thở dài, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.

Mất xe
Nhà có hai chiếc xe đạp. Mẹ đi dạy hàng ngày phải chạy một chiếc. Còn lại một chiếc cho nó đi học đại học.
Hơn hai năm đại học trôi qua, lối sống nhộn nhịp ở thành phố đã cuốn hút nó. Những quán nhậu, quán cà phê, quán bi da trở nên quen thuộc đối với nó.
Một buổi tối nó đi bộ về nhà trọ. Mặt buồn xo. Hai đứa bạn cùng phòng đang học bài bật dậỵ “Xe mày đâu?”. “Mất rồi”. Để giáo trình lên bàn, nó nằm úp mặt vào gối, chẳng buồn nói chuyện. Hai đứa bạn lại gần vỗ về, an ủi.
Cuối tháng nó về quê. Ba mẹ không mắng, chỉ buồn. Ngày đi, ba cho tiền. Nó nhét tiền vào bóp. Một tờ giấy mỏng chợt rơi xuống đất. Mẹ nhặt vội tờ giấy và trả lời thắc mắc của ba :”Hóa đơn thuốc của em, tháng trước em cho con tiền vô tình cái hóa đơn bị kẹp vào giữa xấp tiền, may mà còn”.
Nó nhìn mẹ, hai dòng nước mắt lăn dài trên má. Ba đâu biết rằng, cái hóa đơn thuốc mà mẹ nói chính là giấy biên lai cầm chiếc xe đạp của nó.

Đôi giày
Vào một ngày nọ, khi Gandhi bước lên tàu thì đột nhiên một trong hai chiếc giày ở chân anh bị rơi xuống đường tàu. Anh không thể lấy lại được nó nữa vì tàu đã bắt đầu chuyển bánh.
Bỗng nhiên Gandhi từ từ lấy nốt chiếc giày còn lại ra và ném nó lại gần chiếc giày kia trước sự ngạc nhiên của các bạn đồng hành.
Khi được hỏi tại sao lại làm như thế, Gandhi mỉm cười và nói: "Sẽ có một người nghèo khổ nào đó tìm thấy chiếc giày nằm trên đường ray và anh ta sẽ có cả một đôi giày để đi."

Tô mì
Em gái tôi rất thích ăn mì, nhưng hồi ấy nhà nghèo lắm, không phải thèm là ăn được.
Có bữa ba đến trường rước nó về, hai cha con ghé lại xe mì đầu hẻm, ba kêu một tô mì, đẩy về phía nó : "Con ăn đi, ba no rồi !"
Ăn xong, nó chợt nhìn thấy ba vét hết các túi mới đủ tiền trả tô mì ....15 năm trôi qua . Em tôi đã là một cô giáo. Hôm lãnh tháng lương đầu tiên về , nó cầm xấp tiền tần ngần hoài . Tôi hỏi :
- Nhỏ định mua sắm gì đây ?
- Em sẽ mua tô mì thiệt ngon để cúng ba !
Rồi nó quay mặt hướng khác, giấu đi hai con mắt đỏ hoe .....

Bóng nắng, bóng râm
Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:
- Nhà ngoại ở cuối con đê.
Trên đê chỉ có mẹ, có con
Lúc nắng, mẹ kéo tay con:
- Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.
Con cố.
Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:
- Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.
Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội ?
Trời vẫn nắng, vẫn râm...
...Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.

Tiền cứu trợ
Lũ. Ba nhắn lên " ... Nhà ngập, con đừng về! "
Mỗi tối, con cùng những người bạn trong đội công tác xã hội của trường cầm thùng lạc quyên vào các giảng đường, lớp học nhận tiền cứu trợ đồng bào miền Tây.
Truyền hình vẫn tiếp tục đưa tin và hình ảnh lũ lụt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có quê mình. Con số người và của cải mất mát cứ tăng dần. Con sốt ruột, nôn nóng.
Hôm qua, cả nhà bác Ba kéo nhau lên ở tạm nhà chị Hai. Con sang hỏi thăm. Ra về, bác gái gởi cho con một gói mỏng và bảo: " Tiền cứu trợ, ba con gởi lên cho con đó! "

Chào
Bố mẹ đi làm về. Bé gái miệng rất tươi: "Con chào bố mẹ ạ. Bố mẹ chào ông đi chứ?" Bố mẹ của bé lẳng lặng đi lên lầu.
Chỉ còn lại ông và cháu, ông nói: Cháu ạ, bố mẹ cháu quên mất điều ấy từ lâu rồi!

Đàn Ông
Tôi và anh đều có máu văn chương. Anh bảo tôi viết bài dự thi kể chuyện mới tình đầu của mình đi. Tôi hỏi anh:
- Viết thật hay hư cấu?
- Viết thật thì chỉ hay với mình thôi, phải thêm một xíu ngọt ngào và thơ mộng nữa chứ...
Ngày hôm sau tôi đưa anh bản nháp. Anh đọc xong... lặng yên, không bình phẩm gì như mọi lần. Anh ghen!

Vô can.
Quốc lộ về đêm, hắn rải đinh rồi hắn vá bốn xe xẹp. Mưa, hắn bỏ về. Hai xe khác đang tìm nơi vá bỗng "Rầm..... Ree...ét". Một chiếc nữa ngã lăn, bé năm tuổi văng vào bánh xe tải.
Người nguời rơi nước mắt. Hắn chẳng hay biết. Vô can.

Rau muống.
Ở Mỹ, viết thư về nó cứ bảo: "Mình thèm rau muống luộc chấm mắm nêm quá, ước gì!". Vừa rồi nó về, mình ra chợ mua một mớ rau muống ngon về luộc đãi nó. Nhìn đĩa rau muống nó bĩu môi: "Cậu ăn uống kham khổ thế à?".

Lời nói dối.
Ngày đó nhà nghèo cha mất, mẹ tần tảo nhưng không đủ ăn. Để con có bữa ngon, mẹ gởi con về giỗ họ. Giữa đám cúng đông vui, chẳng ai đoái hoài, con bơ vơ lạc lõng... Về nhà mẹ hỏi con né tránh: "Dạ, vui! Cô bác mừng con...!!!".
Lớn lên, con đi làm xa, tạm gọi là thành đạt. Ngày giỗ họ con về cùng con trẻ, mọi người vui gặp gỡ, chăm sóc đủ điều, từ miếng ăn, chiếc bánh...
Về nhà nhìn ảnh mẹ con thấy lòng rưng rưng...

Nghề cao quý
Cô bé học giỏi nhất, ngoan hiền nhất. Chị tận tình chỉ dạy còn cô bé chăm chỉ học, cô-trò vô cùng tâm đắc. Chị hình dung đến một ngày cô bé đứng trên bục giảng. Chị ướm thử :
- Con có thích trở thành cô giáo không?
Cô bé không ngần ngừ một giây, mạnh mẽ lắc đầu. Chị cảm thấy hụt hẫng. Sao cô bé lại dứt khoát đến thế? Nghề giáo vốn là nghề cao quý. Hay là...
Nhìn lại cảnh nhà thanh bạch, chị thở dài.

Tro ấm
Bọn cháu gái chúng tôi chẳng ai học được cách nhóm bếp của bà nội cả. Bà chỉ cần gạt bỏ lớp tro phủ trên mặt bếp lò, bỏ củi vào thổi nhẹ là có một bếp lửa đỏ rực.
Sáng nào cũng vậy, bà nội dậy thật sớm. Bà lặng lẽ nấu nước, lấy bộ đồ ông nội trên mắc áo đi giặt. Xong bà quay vào chuẩn bị bữa cơm, châm sẳn một bình trà nóng, rồi ra cửa gọi lớn:
“Ông ơi vào ăn cơm”
Cả nhà tôi đều im lặng.
Ông nội đã mất 20 năm rồi!

Ba mất. Mẹ nó sợ tuổi xuân trôi qua uổng phí, đi bước nữa. Nó về ở với Nội. Nội già. Nó làm tất cả. Nó giống người châu Phi - đen trùi trũi! Có người hỏi: “Mày có buồn không?”. Nó yên lặng nhìn xa xăm!
Một chiều, nó dẫn về một con bé, nhỏ hơn. Nội nhìn nó ngạc nhiên. Nó ngậm ngùi: “Con còn có Nội - nó chẳng còn ai!”.

Đánh thức
Sau mấy tháng trời rong rủi kiếm việc, cuối cùng anh cũng đã kiếm được một công việc ưng ý. Ngày hôm ấy anh cùng bạn bè ăn mừng, về đến phòng trọ trời cũng đã vào khuya.
Phát hiện đồng hồ báo thức đã hết pin, trời lại lạnh, anh không muốn ra ngoài mua pin, anh bèn gọi điện về cho mẹ :
“Mẹ ơi, ngày mai là ngày đầu tiên con đi làm, trước 6 giờ mẹ gọi điện kêu con dậy nhé !”
“Được …” Đầu dây bên kia giọng nói trông rất khàn.
Ngày thứ hai, 5 giờ 45 phút mẹ gọi điện đến :
“Con à, mau dậy đi làm…”
Anh có chút bực khi nhìn thời gian vẫn còn sớm chán, nhưng anh nghe tiếng của cha như đang đứng kế bên nói :
“Bà cũng nên ngủ đi !

Truyện rất Ngắn
Hễ nhà có dịp dự đám, nó thường vòi vĩnh xin theo. Thấy nhà bạn có giỗ vui vầy, nó thắc mắc với bà: “Sao nhà mình không có giỗ như nhà người ta hả nội?”. Nội mỉm cười rồi cốc vào đầu nó: “Khi nào bà mất thì cháu sẽ được ăn giỗ, cháu có vui không?”. Nó giật mình, thàng thốt .
Bây giờ nhà nó cũng có giỗ. Mọi người xúm xít quây quần. Riêng nó thấy buồn, ray rứt. Giá mà nó được gặp lại bà, dù chỉ một lần, bà ơi!

Ngọn nến
Có một cô gái trẻ chuyển nhà mới, cô phát hiện hàng xóm nhà mình là một phụ nữ nghèo goá chồng, sống với hai đứa con nhỏ.
Một ngày nọ, khu phố bị mất điện đột ngột. Cô gái trẻ phải dùng nến để thắp sáng.Một lát sau, có tiếng gõ cửa. Hoá ra là đứa bé con nhà hàng xóm. Nó hồi hộp hỏi:
- Cô ơi cô, nhà cô có nến không ạ?
Cô gái trẻ nghĩ: ” Nhà nó nghèo đến mức nến cũng không có mà dùng ư? Cho nhà nó một lần, lần sau lại sang xin nữa cho mà xem”
Thế là cô gái xẵng giọng:
- Không có !
Đúng lúc cô định đóng cửa lại, đứa trẻ nhà hàng xóm nghèo mỉm cười nói:
- Cháu biết ngay là nhà cô không có mà !
Nói xong, nó chìa ra hai cây nến:
- Mẹ cháu nói với cháu sợ cô chỉ sống có một mình, không có nến nên bảo cháu mang nến sang cho cô dùng tạm.

Ba và Mẹ
Mẹ xuất thân gia đình trí thức nghèo, yêu thích thơ, văn. Ba tuy cũng được học nhưng là con nhưng là con nông “chánh hiệu”.
Mẹ sâu sắc, tinh tế. Ba chất phác, hiền hòa.
Mỗi khi ba mẹ đấu lý, chị em nó thường ủng hộ mẹ, phản đối ba. Mẹ luôn đúng và thắng.
Hôm ba bệnh nặng, cả nhà lo lắng vào ra bệnh viện.
Tối ba nói sảng điều gì đó không ai hiểu. Nhưng lần đầu tiên nó nghe mẹ nói “Đúng! Ông nói đúng…” Quay đi, mẹ sụt sùi. Nó thút thít khóc."

Đòn của bố
Nắng trưa hè rát bỏng kèm theo đợt gió nóng. Thằng con từ ngoài ngõ vào mồ hôi nhễ nhại, áo quần lấm đầu bùn, tay giơ cao xâu cá vài con đòng đong, cân cấn. Giận quá, phế cho thằng con mấy roi. Đêm nằm, xoa mấy vệt lằn ở mông con, lòng xót xa, nghĩ lại ngày xưa: mẹ mất sớm, bố ở vậy nuôi con, sau mỗi lần bị đòn vì nghịch ngợm, đều thấy bố quay đầu đi, tay dụi mắt, ước gì trở lại ngày xưa bé để được ăn đòn của bố. Bố ơi !"

Kẻ trộm chữ
Cháu ơi, đừng đọc sách của cô nữa, để cô bán.
Cậu bé rời hiệu sách đi đến một ngõ nhỏ. Chia cho đứa bạn khiếm thị nửa ổ bánh mì, cậu vừa ăn vừa kể…
- Sao lại chỉ có thế?
- Mới đọc đến đấy lại bị đuổi rồi. Sách cũng đã bị bán!
- Tiếc nhỉ!
- Tiền mẹ cho mua truyện hôm nay vừa ăn hết. Thôi mai đi
chỗ khác đọc vậy, mình về đây.
- Đưa hộ số chổi mình vừa làm xong ra chợ cho mẹ và bảo mình ăn rồi nhé.
- Cẩn thận kẻo lại té đấy!
- Ừ ! sẽ rờ cẩn thận khi đi."

Truyện rất Ngắn
Phóng viên hỏi 1 cặp vợ chồng già:
- Sao ông bà có thể chung sống với nhau 85 năm hay vậy..?
Bà cụ móm mém cười hiền hậu, trả lời:
- Chúng tôi được sinh ra trong cái thời mà nếu cái gì đó có bị hư chúng tôi sẽ sửa nó, chứ không vứt nó đi... Nên hạnh phúc chúng tôi vẫn luôn giữ mãi được cho đến tận bây giờ.

Truyện rất Ngắn
"Sinh nhật, chị nó gửi tặng nó một cái áo sơ mi. Cái áo trông hoa hòe hoa sói. Nó ngại mặc bèn cất sâu vào đáy tủ.
Một hôm nó nghe bạn của chị bảo.
- Trang sao mày đi bán bánh trong giờ ra chơi ? không mắc cở à ??
- Ưh, mình chịu khó cực tí, mình mua quà sinh nhật cho em trai mình mà.
Nó liền chạy vội vào phòng lấy chiếc áo ra mặc rồi ù đi khoe với bạn:
- Áo đẹp của chị tao mua cho tao đó, đẹp không?

Truyện rất Ngắn
Mẹ trách: "Con trai lớn chẳng chịu lấy vợ, đến bao giờ mẹ mới có dâu?"
Hai đứa học chung ngành sư phạm, tôi ra trường trước. Tiễn tôi về quê công tác, em khóc bảo tôi hứa phải chờ nhau.
Ngày em ra trường niềm vui không kể xiết. Lần gặp ấy em nói: "Chi mà vội"
Hai năm sau em báo lấy chồng, khuyên tôi đừng buồn
… Mẹ đâu biết đã 2 lần tôi tin một người con gái."

Bên sân
Một khung trời vàng rơm. Chút nắng cuối cùng hắt qua cửa. Nhà tôi - buổi chiều tà. Lũ trẻ chăn trâu chúng tôi thường tụ tập lại, dàn trận đánh nhau. Nó ngồi co ro run rẩy tội nghiệp.Cơn bệnh tim của nó đã cướp mất cái quyền làm trẻ con như những đứa trẻ cùng sớm chúng tôi, dù chỉ trong 1 trận đánh giả.
Nhà nó nghèo lắm, nhưng nó ngoan, nó luôn bảo với chúng tôi về lời dặn của mẹ nó: " Khi nào mẹ có tiền để chữa bệnh, rồi con hãy chơi cùng chúng nó ".

Truyện Rất Ngắn
Chị là nhà văn, trong những tác phẩm của chị, gia đình có sự mất mát chia lìa thì nhân vật "người chồng" luôn… bị chết trước vợ.
Anh giận, cho rằng chị ám chỉ mình. Chị bảo: "Nếu trang viết là cuộc đời thì em chỉ muốn anh không phải
chịu nỗi buồn của người còn lại."
Vậy mà chị ra đi trước anh. Trơ trọi một mình, anh mới thấm thía nỗi chống chếnh, quạnh hiu của một tâm hồn lẻ bạn..."

Truyện rất Ngắn
"Hồi học lớp hai trường làng, tháng mưa dầm nước ngập, đi đường ướt lạnh, khi đến lớp, thầy khoác áo cho tôi. Lớn lên thành cô giáo dạy vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, nếm đủ ấm lạnh tình người nhưng không hơi ấm nào bằng hơi ấm tình thầy. Về thăm, thầy vẫn đơn độc bên mái lá nghèo đối ầm bên mấy ông bạn già hưu. Mấy năm sau, vườn thầy mọc lên ngôi mộ cô quạnh, lẻ loi. Tháng mưa dầm nước ngập, đêm lạnh: ai khoác áo cho thầy?"

Truyện Rất Ngắn
Trong lần đi công tác lên Đà Lạt, chiếc xe hơi cũ kỹ bò lên dốc đồi, trời sẩm tối, đường vắng, anh thấy sợ. Chợt có một bóng người đàn ông tất tả xách một chiếc túi nhào ra đường vẫy tay dồn dập xin quá giang.
Nhìn tới nhìn lui, anh bỗng ngại. Nhưng đôi mắt kia van xin, tuyệt vọng.
Anh dừng xe chép miệng:
-Thôi đành vậy! Tôi chỉ sợ gặp phải người xấu.
-Xin ông cứ trói tay chân tôi lại và cho tôi đi nhờ lên Thị xã. Con tôi đang nằm viện.

Áo mới của Mẹ
Hôm nay đám giỗ ông cố. Từ sáng sớm, mẹ đã sửa soạn về nội.
Ra tới ngõ, con chợt để ý thấy mẹ mặc chiếc áo đã cũ.
Con hỏi mẹ:
- Mẹ ơi! Cái áo trắng mới, dì Ba mới may cho mẹ đâu?
Mẹ lúng túng:
- Ờ mẹ để đâu mẹ quên, vội quá, mẹ mặc đỡ này vậy.
Con ngước nhìn mẹ. Chợt hiểu. Hèn chi hôm nọ học thêu, nhỏ Hương nó hỏi, sao vải của con có những lỗ nhỏ như đường may tháo ra.
Hai mẹ con ôm nhau thổn thức.

Bà Điên
- Này bà điên! Tha hồ nhặt về bán lấy tiền...
Bà lão cặm cụi nhặt rồi cho vào chiếc bao tải rách. Bàn tay già nua bị mảnh chai làm xước, máu đỏ lòm. Bà mang về cho vào cái thùng to rồi đậy kín.
Hàng xóm chậc lưỡi: "Tội cho bà lão, lẩn thẩn từ ngày thằng cháu giẫm phải mảnh chai, bị uốn ván rồi chết đấy!

Chân trái hỏi chân phải:
- Tại sao tay trái và tay phải có thể nắm chặt nhau mà chúng ta thì ko thể, lại cứ phải bước đi theo nhau?
Chân phải trả lời:
- Vì chúng ta sinh ra để đi tìm kiếm hạnh phúc, còn họ sinh ra để nắm giữ hạnh phúc!

Bão
Sống miền duyên hải, công việc của anh gắn liền với tàu, với biển, với những chuyến khơi xa. Anh đi suốt, về nhà chẳng được bao ngày đã tiếp tục ra khơi. Mỗi lần anh đi chị lại lo. Radio, ti vi báo bão. Đêm chị ngủ chẳng yên, sợ bão sẽ cuốn anh ra khỏi đời chị.
Cuộc sống khá hơn, anh không đi biển nữa mà kinh doanh trên bờ. Anh đi sớm về trễ, có đêm vắng nhà, bảo vì công việc làm ăn. Nhưng nghe đâu...
Không phải bão, anh vẫn bị cuốn xa dần. Sóng gió, bão trong lòng chị."

Có tật giật mình
(Nguyên Vũ)
Xí nghiệp giảm biên anh lâm cảnh hưu non. Nghe lời vợ anh đồng ý mở quán. Có điều, mỗi khi trẻ con trong xóm đến mua hàng mà hỏi chị Thắm - tên cô gái rượu - thì anh... lại giật mình.
... Vì lớn hơn chị một con giáp, mà chuyện tình hai người gặp lắm ba đào. Gia đình cấm tiệt, không cho chị gặp anh. Nhưng cuối cùng vẫn lấy được nhau. Khi ấy, anh có mẹo hay: nhờ trẻ con đến mua hàng nhà chị bí mật trao thư. Không gặp nhau nhưng vẫn... vững tình hình.
Giờ. Ngẫm chuyện xưa, anh cười một mình. Tâm đắc câu: " Có tật giật mình " mà cổ nhân đã dạy!

Ba tôi
(Mẫn Hà Anh)
Ngày Má tôi còn sống. Ba tôi, ông cứ cằn nhằn: Bà hút thuốc nhiều quá, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Má tôi tức, ngồi riêng một góc đốt thuốc, im lặng.
Nay Má tôi mất, ra thăm mộ, tôi quên thuốc lá. Ba tôi gắt, bắt phóng xe mua bằng được. Nhìn làn khói thuốc lặng lẽ, nhẹ bay lên từ điếu thuốc cắm trên bát hương, ông khấn: Tội cho Bà. Lúc sống, tôi ngăn cản, ì xèo. Bây giờ Bà mất rồi, tôi "thắp" cúng Bà cả bao. Tôi thương... mong Bà nhận cho.

Bánh bông lan
(Thanh Vân)
Hồi nhỏ, mỗi lần bà làm bánh, tôi cứ quanh quẫn bên cạnh. Tay bà thoăn thoắt đánh trứng, trộn bột… Khi cái nắp khuôn được giở lên, những chiếc bánh vàng tươi hiện ra. Nhìn thôi cũng tưởng tượng được vị ngọt, thơm, mềm xốp…!
Lớn lên, đi học xa, lâu lâu được về quê. Bà lưng còng vẫn tất bật với trứng, bột làm bánh cho cháu. Cắn chiếc bánh có vị khét, phải lấy lưỡi lừa vỏ trứng, tôi luôn miệng: "Ngon quá ạ!". Bà cười, ở đáy mắt có giọt nước trong veo!

Bố
(Phùng Thành Chủng)
Bố nghiện rượu. Nhà nghèo, mẹ vẫn lo cho bố đủ ngày ba bữa. Được cái, chưa bao giờ thấy bố say. Ngược lại, rượu vào, hình như bố tỉnh ra ...
Không hiểu bố,một lần tôi bảo: "Bố uống ít thôi!". Bố nhìn tôi, mặt bệch ra. Mẹ chạy vào: "Ai cho phép con được nói với bố như thế ?!"
... Tôi đi làm xa. Bố mất. Ngày giỗ đầu, tôi mua một chai rượu tây trị giá tương đương hai chỉ vàng. Hết tuần nhang, mẹ bảo hạ mâm. Nhìn chén rượu rót cho bố vẫn còn nguyên, tôi khóc.

Bữa cơm trưa
(Nguyễn Thị Nga)
Hôm nay, khi đang ăn trưa ở một quán bình dân, tôi thấy một bác bán đồng hồ treo tường dạo., khoảng gần sáu mươi tuổi cũng ghé vào. Nhưng bác ấy chỉ gọi một ly trà đá, rồi lấy ra một bịch bốn năm củ khoai lang nhỏ ngồi ăn. Nhìn vẻ mặt khắc khổ và mệt nhọc của bác, tôi thấy nao lòng.
Bất giác, tôi nghĩ đến ba tôi nay cũng đã gần sáu mươi tuổi. Vẫn với túi đồ nghề thợ hồ, ba lặn lội khắp nơi, chắt mót từng đồng gửi về cho tôi ăn học. Đã bao giờ tôi chợt hỏi đến bữa cơm trưa của ba ...

Lương tâm
(Trần Đình Ba)
Con ốm, nhập viện. Làm thủ tục, bác sĩ mặt lạnh tanh. Biết ý, tay mẹ run run dúi trăm nghìn vào túi “lương y”… Bác sĩ thân mật: “Nằm giường này cháu, đừng lo có bác!”. Biết đâu mẹ đang xỉu dần vì bán máu cho con. Lương tâm?

Xứ lạ quê người
(Trần Ninh Bình)
Qua xứ người được vài năm thì ông anh họ của tôi bắt đầu gởi tiền về, giục các con lo học tiếng Anh và vi tính để mai mốt qua đó có thể dễ dàng kiếm việc làm.
Hôm vừa rồi, anh gọi điện về thăm gia đình chúng tôi, tôi hỏi anh có địa chỉ email chưa để tiện liên lạc, giọng anh chùng hẳn xuống: “Suốt ngày hết rửa bát lại dọn bàn trong quán, anh có thì giờ đâu mà biết đến những thứ hiện đại đó hả em?!”

Chung Riêng
(Nga Miên)
Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mãi chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên…
Uống chung một ly rượi mừng, chụp chung tấm ảnh... Cuối cùng khi anh là chú rể còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta…

Đánh Đổi
(Song Vũ)
Chị yêu anh vì vẻ lãng mạn và coi thường vật chất. Chị xa anh cũng vì lẽ đó. Nhân chứng của cuộc tình là chiếc xe đạp, nó chở đầy kỷ niệm của một thời yêu nhau.
Mười năm xa cách, anh lao vào cuộc mưu sinh và có một gia sản ít ai bằng.
Tình cờ anh gặp chị tại nhà, nhìn thấy chiếc xe đạp ngày xưa, chị hỏi: anh còn giữ nó? Anh nghẹn ngào: anh làm ra những thứ này mong đánh đổi những gì anh có trên chiếc xe đạp ngày xưa.

Thôi
Quê mình hễ mùa mưa lại ngập. Hồi ấy, con chập chững vào lớp Một, ngày ngày vượt hai cây số đến trường. Có bữa, mưa giăng đầy trời, nước ngập đến gối. Mẹ bảo:
- Thôi, hôm nay để mẹ cõng.
Mẹ cắp chiếc nón lá, cõng con trên lưng vượt qua dòng nước.
Con đậu Đại học, ra trường lấy được cô vợ giàu, thành đạt. Cuối tuần, con đưa mẹ đến siêu thị:
- Thôi, mẹ chịu khó tự vào. Tiền nè. Con có việc phải đi!

Anh Hai
Căn nhà tranh đổ sập cuốn theo dòng lũ. Tí một tay ôm Tèo, một tay bấu vào miệng chum chòng chành. Cái chum bé quá. Cánh tay mỏi nhừ. “Nếu chết cả hai thì mẹ buồn biết mấy. Thôi em đi, trời cho sống nhớ lo tuổi già của mẹ!”.
Nước mắt nước mũi ràn rụa, Tí rướn người bỏ Tèo vào chum. Tí còn giãy giụa một lúc nữa đến khi chìm sâu vào cơn hung bạo của nước trời.
Tèo không chết nhưng mất trí, ai hỏi gì cũng chỉ nói: ”Anh Hai!”

Khoảng Cách
Góa phụ, 18 năm nay, bà làm công nhân vệ sinh thành phố nuôi 2 thằng con vào đại học.
Bà bắt đầu công việc mỗi ngày khi người ta chưa tỉnh giấc và trở về nhà khi tất cả đã chìm trong im lặng. Công việc nặng nhọc, nhiều khổ tủi nhưng cũng lắm lúc bà mỉm cười mãn nguyện khi thấy thành phố lại sạch đẹp.
Bà nhanh tay quét nốt phần rác nơi góc công viên cho kịp chuyển ca đêm. Đôi tình nhân rảo bước ném toẹt ly cà phê méo mó, nước tóe lên cả người bà. Bà nhỏ nhẹ nhắc nhở rằng thùng rác ở ngay kia.
Cô gái lả lướt buông lời từ cặp môi hồng hào chín mọng rồi rủng rỉnh đánh cặp mông bước đi:
- Tôi không vứt ra đó thì bà lấy đâu ra việc mà làm?

Cười
Chủ nhật, cả nhà đi xem xiếc.Tí và bố mẹ chăm chú xem tiết mục nhào lộn trên không.Người diễn viên xoay mình 2 vòng rồi hạ mình nhẹ nhàng trên một cây sào do hai bạn diễn cầm .Bất chợt cô ngã do tính toán vị trí sai, cả rạp cười ầm lên không chú ý đến người diễn viên lồm cồm bò dậy mặt tái xanh vì đau.Bố cười, mẹ cười và Tí cũng cươì
Hôm sau bố trèo thang đóng đinh bị ngã.Nhìn bố lóp ngóp bò dậy, Tí bật cười.Mẹ giận quá, tát cho Tí một cái.Tí ôm má sưng mà chẳng biết vì sao

Triết lý
Một nhà triết học gặp một thanh niên đang khóc vì thất tình. Nhà triết học cười lớn. Chàng thanh niên giận dữ chất vấn thì nhà triết học lắc đầu nói: "Không phải tôi cười anh, mà chính là anh đang tự diễu mình". "Anh đau thương như vậy, chứng tỏ trong lòng anh còn tình yêu, mà đối phương không còn. Rõ ràng là tình yêu ở phía anh, anh không mất tình yêu, mà chỉ mất một người không yêu anh thôi, như vậy việc gì phải đau lòng? Tôi thấy anh nên về nhà ngủ một giấc là hơn. Người đáng khóc chính là cô gái, cô ta không chỉ mất anh mà còn mất cả tình yêu nữa..

Một buổi sáng
Thằng bé mặc bộ quần áo rách phong phanh bước chân sáo trên đường mặc gió lạnh. Nó ghé vào một hàng phở nhỏ, nghèo nàn bên góc phố, đường hoàng nói lớn:
- Dì bán cho con tô phở ba ngàn đem về.
Bà hàng phở nhìn nó, nhưng rồi lại cụp đầu xuống.
Tưởng bà không nghe, nó nói càng to hơn. Nào ngờ, bà mắng xối xả:
- Tao không bán. Mới sáng mà mày đã tới ám tao hả thằng ăn mày! Mua ít vậy sao tao bán?
Nó cúi gằm mặt, nắm chặt mấy tờ bạc lẻ nhàu nát trong tay rồi lầm lũi bước đi. Nó chỉ muốn mua cho mẹ một tô phở nóng, nên để dành mãi từ số tiền ít ỏi bán vé số hàng ngày. Mẹ nó đau.

Mưa
Trời đổi gió. Mưa trắng phố phường. Cô gái ngồi sau Chàng trai trên một chiếc xe máy đời mới, vòng tay ôm eo: "Anh có lạnh ko, để em ủ ấm cho anh nhé!" Tiếng cười khúc khích trong veo tan vào màn mưa mờ đục. "Ước gì những cơn mưa kéo dài hơn" - Chàng trai và Cô gái nghĩ thầm, nghe niềm vui dâng đầy trong mắt ...
Bên kia đường, bác bán bánh chuối chiên nhìn mưa mà thở dài ngao ngán. Mưa đã mấy ngày ko tạnh, ngày nào cũng ế hàng. Mà lại sắp đến hạn nộp tiền học cho con ...
Ngoài trời, mưa vẫn rơi, trắng xóa...

Gió
Nhớ ngày xưa, bố đi làm xa, khung cửa vỡ không có người gắn lại. Mùa đông về, con và mẹ nằm co ro trong góc. Thỉnh thoảng trong mơ con lạnh, giật mình. Bố viết thư về: "Bao giờ kiếm đủ tiền nuôi Cún, bố sẽ về sửa khung cửa cho Cún nhé!" Con lại rúc vào lòng mẹ, nghe gió luồn qua cả những giấc mơ ...
Bây giờ, nhà mình bốn tầng, cửa làm bằng gỗ lim sáng bóng, những tấm kính sáng loáng lạnh lùng. Trong nhà có đủ cả điều hòa và máy sưởi - con chẳng bao giờ sợ lạnh! Nhưng đêm đến, vẫn chỉ có con và mẹ - nghe gió luồn lạnh buốt trong tim ...
"Bố ơi, bao giờ mới kiếm đủ tiền để bố về sửa khung cửa cho con?"


KHI BA MẸ RUN TAY...
Bàn ăn trải khăn trắng. Mẹ gắp cho cu King cái đùi gà. Ông nội không còn răng chỉ muốn ăn canh nhưng canh để xa ông.
- Để cháu chan cho!
Cu King đứng dậy chan canh cho ông và làm đổ canh ra bàn.
Mẹ mắng:
- Cứ đành hanh!
Ông với tay chan. Lóng ngóng, run run. Canh lại đổ ra ngoài... Mẹ nhăn mặt, ba xoa bụng còn cu King nhìn hai người:
- Khi ba mẹ run tay như ông, con sẽ chan canh cho ba mẹ.
Bữa ăn tiếp tục nhưng chỉ còn tiếng nhai...

VÔ TÂM
Tháng đầu tiên lãnh lương dạy kèm. Nó hí hửng rủ nhỏ Trâm đi chợ. Loanh quanh một hồi, nó sắm đủ cả quần Jeans, áo pull, kẹp, nơ... Trâm đắn đo mãi, chẳng chịu mua gì. Ngang hàng vải, nhỏ kéo nó vào, chọn mua một xấp vải lụa sẫm màu. Nó nhăn mặt: - Màu này già lắm! Trâm rụt rè: - Tao mua cho mẹ tao đó. Lần đầu làm ra tiền mới hiểu cái vất vả của mẹ bao nhiêu năm qua. Nó giật mình, lặng thinh. Giỏ đồ trên tay bỗng dưng nặng trịch.


GIA ĐÌNH
Mấy năm trước, cháu được một tuổi rưỡi, nói bập bẹ, mới biết đi. Bà vỗ tay mừng cháu. Mẹ cười hạnh phúc.
Hai năm sau, cháu đã vào lớp một. Bà bị tai biến mạch máu não, nằm liệt gường, không nói được. Nụ cười hiếm thấy trên khuôn mặt mẹ.
Sau nhiều tháng điều trị, bà bỗng nói được, rồi bà chống gậy tập đi. Bà đi được, cháu vỗ tay mừng bà. Mắt đẫm lệ, mẹ cười.

Quạnh quẽ
Bố thân gà trống, vật lộn với vài công đất nuôi chị em tôi ăn học. Căn nhà rách nát, bảo làm lại, bố xua tay:
- Làm chi rứa? Để dành tiền bọn mi đi học.
Ngày qua...
Chị Hà ra trường, đi làm, thư về:
- Con gởi ít tiền, bố sửa lại căn nhà. Cuối năm, con lấy chồng, nhà cửa rách nát quá, họ coi thường...
... Đám cưới xong, chị theo chồng, chúng tôi đi học xa.
Giỗ mẹ lần thứ 11, chị em tôi về nhà. Ngôi nhà gạch mới xây lạnh tanh, không còn ấm cúng như căn nhà lá ngày xưa.

Cãi nhau
Bố mẹ cãi nhau. Bố mua con chim sáo nhốt trong lồng treo ngoài vườn. Mẹ mua con mèo thả trong bếp. Trưa, chẳng hiểu thế nào, khi bố về, con sáo không còn trong lồng, con mèo của mẹ đang phơi nắng ngoài sân. Bố đổ cho con mèo. Mẹ bảo không phải. Lại cãi nhau. Bố bỏ đến cơ quan. Mẹ về bà ngoại mang theo nó đang thút thít khóc. Chiều, người hàng xóm mang con sáo bay lạc sang trả nhà chỉ còn bà vú già.
(Đặng Minh Hải)


Mùi của má
Chị Năm gánh hàng bán bên kia sông Hậu. Chiều, trời bão, chị ngủ lại nhà người quen. Chạng vạng, ở nhà ai cũng lo lắng.
Tối. Sau khi ăn bữa cơm chiều muộn, anh Năm ru bé Tuấn trên võng, ba chị em Hồng Diệu nằm nhớ má trên giường.Bỗng Hồng Tươi kéo chiếc áo cũ sờn của má đưa lên mũi hít một hơi dài. Hồng Thắm, Hồng Diệu cũng giụi chiếc áo: "Em hửi miếng.." "Cho tao hửi với...! Chúng nó hít thật sâu mùi thân quen của má. Anh Năm ru con không thành lời.
(Ngô Văn Vĩnh)

Lòng mẹ
Mẹ ở quê lên thăm. Vợ chồng mới cưới lại sớm ra riêng nên nhà cửa bừa bộn. Mới đến là mẹ loay hoay vào bếp rửa chồng chén, đĩa; quay sang giặt đồ... suốt cả ngày, ngăn thế nào cũng chẳng được. Chiều cầm mẹ ở lại để vợ chồng đưa đi coi hát. Mẹ bảo phải về thôi. Về quê, có người hỏi mẹ thăm thằng út trên thành phố có vui không, mẹ cười bảo vui lắm, tháng sau sẽ lên nữa.
(Võ Thanh An)

Vị phở ngày xưa
Ngày bé, anh học trung cấp về nghĩ hè, đưa em lên thị trấn huyện chơi. Anh mua một tô phở mậu dịch ba hào hai, em ăn sao mà ngon thế. Hỏi anh sao không ăn. Anh bảo không đói, thật ra anh không còn tiền.
Anh không thi vào đại học mà học trung cấp để nhanh đi làm giúp em ăn học.
Sau đó em được đi du học. Em đã đi nhiều nơi, ăn nhiều món ăn đặc sản, nhưng không có món nào ngon bằng tô phở mậu dịch năm ấy.
-st-
 Mẹ tôi! 
 Mẹ tần tảo cho tôi khôn lớn, vai Mẹ nặng hơn khi tôi vào đại học.
 Ba năm đại học xa nhà, tuần nào tôi cũng viết thư cho Mẹ, Mẹ cầm thư tôi mà rớt nước mắt, vui thật nhiều nhưng Mẹ tôi có biết tôi nói gì với Mẹ đâu.
 Mẹ tôi không biết chữ!
Lòng Mẹ  
 Nhà nghèo, chạy vay mãi mới được xuất hợp tác lao động, Thanh coi đó như cách duy nhứt để giúp đỡ gia đình. Nhưng ảo mộng chóng tan. Xứ người chẳng phải là thiên đường. Thanh chỉ còn biết làm quần quật và dành dụm từng đồng. Để nhà khỏi buồn, trong thư Thanh tô vẽ về một cuộc sống chỉ có trong mơ.
 Ngày về, mọi người mừng rỡ nhận quà, Thanh lại tiếp tục nói về cuộc sống trong mơ.
Đêm. Chỉ có Mẹ. Hết nắn tay, nắn chân Thanh rồi Mẹ lại sụt sùi. Thanh nghẹn ngào khi nghe Mẹ nói: "Dối Mẹ làm gì! Giơ xương thế kia thì làm sao mà sung sướng được hở con!"
 Khóc dùm
 Cô bé đi học về muộn, ba mẹ rất lo.
 Khi thấy cô về, ba mẹ hỏi xem con đã đi đâu và làm gì?
 - Con dừng lại giúp bạn con ạ. Xe đạp của bạn ấy bị hỏng.
 - Nhưng con đâu có biết sửa xe?
 - Đúng ạ, nhưng con dừng lại để giúp bạn ấy khóc.
 Cũng như cô bé đó, không phải ai trong chúng ta cũng biết sửa xe đạp. Nhưng chúng ta biết chia sẻ những nỗi lo âu và sợ hãi. Cuộc sống là một con đường rất dài, sẽ còn nhiều lần gặp cảnh "hỏng xe" lắm. Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ và an ủi.
 Sống ở đời
 Từ hồi còn học trung học, cha tôi có thói quen vặn đồng hồ chạy nhanh năm phút. Rồi vào đại học, ra trường, đi tìm việt làm, lập gia đình... cha tôi vẫn giữ thói quen như thế. Cha dạy tôi: "Phải luôn tôn trọng giờ giấc, và đừng để ai khó chịu vì mình chậm trễ con ạ".
 Năm ngoái được thăng chức giám đốc, cha thay đổi thói quen đột ngột: cha vặn đồng cho chạy chậm năm phút. Tôi thắc mắc, hỏi tại sao, cha trả lời: "Phải nghiêm khắc với chính mình nhưng lại rộng lượng với người khác con ạ!"
 5. Bi kịch
 Sạp anh chị ít khách vãng lai. ế ẩm, vốn cạn dần, nợ nần chồng chất. Anh mượn rượu giải sầu, sanh tật đánh vợ. Chịu đòn không thấu, chị làm đơn ly hôn. Bạn bè giải hoà, góp tiền cho chị mượn vốn không lãi. Chị bỏ hàng, chia giá sỉ cho người bán lẻ đầu chợ, nhờ vậy đắt khách.
 Anh bỏ rượu, giúp vợ tần tảo năm, sáu năm dài, nợ trả xong, nhà có đồng ra đồng vào, con cái học giỏi. Chị vui chưa kịp nở nụ cười, cơn đau ập đến... Cầm đơn thuốc trong tay chị ước gì mình dốt, không biết đọc hai chữ: ung thư.
 Đôi mắt
 Có một cô gái không may bị mù, quen biết một chàng trai, 2 người cùng yêu nhau, đến một ngày cô gái nói với chàng trai: "Khi nào em nhìn thấy được thế giới, em sẽ lấy anh". Rồi đến một ngày kia cô gái được phẩu thuật mắt và cô đã nhìn thấy được ánh sáng. Chàng trai hỏi: "Bây giờ em đã thấy được cả thế giới, em sẽ lấy anh chứ?"
 Cô gái bị ngẩn ngơ choáng váng khi thấy chàng trai cũng bị mù như mình. Cô ta từ chối anh. Chàng trai ra đi trong nước mắt và nhắn lại rằng: "Hãy giữ gìn cẩn thận đôi mắt của mình em nhé, vì đó là món quà cuối cùng anh có thể tặng em".
 Điện thoại 
 Nhà không có điện thoại, anh Hai đi làm xa muốn thăm Mẹ phải gọi nhờ nhà hàng xóm. Người hàng xóm không vui lòng nhưng chẳng nói ra. Anh Hai ngại nên những cuộc gọi về cứ thưa dần.
 Mẹ dành dụm tiền, nhà mắc được điện thoại. Cũng có khi do bận việc nên cả tuần anh Hai mới gọi về một lần. Từ ngày nhà có điện thoại Mẹ ít đi đâu, làm gì cũng loay hoay bên chiếc máy. Có người hỏi lý do, Mẹ nói: "Sợ thằng Hai gọi về mà không gặp được".
 Nghịch lý  
 Thanh minh. Bàn chuyện cải mộ Mẹ, anh Hai nói:
 - Tôi góp một phần.
 - Tôi một phần.
 - Tôi cũng một phần.
 Thím Tư chen vào, như đùa như thật:
 - Chú Út hai phần mới phải. Anh Tư đâu hưởng gì đâu?!
 Chợt nhớ lúc nhỏ, mấy anh em ngủ chung với Mẹ. Đêm, muỗi vào mùng cắn Mẹ. Mẹ không đập, sợ hụt, cứ để muổi cắn Mẹ no rồi sẽ không cắn các con.
 Ôi! Tình yêu của Mẹ là thế. Có chia phần bao giờ đâu!
 Tóc sâu 
 Sáu tuổi. Tôi vọc tay trong vườn tóc ngoai, reo vang: "Con tìm được sợi trắng rồi!".
 Mười tuổi. Tôi cột - mở búi tóc của ngoại, phụng phịu: "Mấy sợi bạc con nhổ hết hồi hôm kia, bữa nay lại chui ra nữa!".
 Mười lăm tuổi. Tôi vừa chạy ra cửa vừa nài nỉ: "Cho con đi chơi một chút đi ngoại. Lát nữa hãy nhổ tóc sâu".
 Mười tám tuổi. Tôi nhìn lên mái tóc ngoại trắng phơ, bất động trong bức ảnh cao cao, rưng rưng thắp một điều ước.
Tiền mừng tuổi 
 Năm bảy tuổi, Mẹ bảo đưa tiền Mẹ cất cho ... Nó đếm mấy chục ngàn tiền lì xì rồi miễn cưỡng đưa Mẹ cất giùm vì trước kia không bao giờ thấy Mẹ trả lời.
 Năm mười tuổi, nó lén cất tiền không cho Mẹ biết.
 Mười tám tuổi, nó mang nỗi nhớ quê hương bước vào đại học ở tận miền trong xa xôi.
 Tết. Ký túc xá vắng hoe. Phương bắc xa xôi nó không về được. Nó nằm co trên giường cằm giấy nhận tiền của Mẹ mà thấy ân hận, xót xa.
 Khóc 
 Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa.
 Năm hai mươi tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được Mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.
 Hôm nay 40 tuổi, đọc tin Mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc. Anh nói:
 - Tội nghiệp Mẹ, 40 năm qua chắc Mẹ còn khổ tâm hơn anh.
 Nói dối 
 Ngày đó nhà nghèo Cha mất , Mẹ tần tảo nhưng không đủ ăn. Để con có bữa ngon, Mẹ gởi con về giỗ họ. Giữa đám cúng đông vui, chẳng ai đoái hoài, con bơ vơ lạc lõng... Về nhà Mẹ hỏi con né tránh: "Dạ vui! Cô bác mừng con...!!!".
 Lớn lên, con đi làm xa, tạm gọi là thành đạt. Ngày giỗ họ con về cùng con trẻ, mọi người vui gặp gỡ, chăm sóc đủ điều, từ miếng ăn, chiếc bánh...
 Về nhà nhìn ảnh Mẹ con thấy lòng rưng rưng.
Chung riêng 
 Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mãi chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên...
 Uống chung một ly rượu mừng, chụp chung tấm ảnh...cuối cùng khi anh là chú rễ còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta...
 Tình già 
 Đêm tối đen. Tiếng con chim cú kêu đâu đó ngoài cây bàng. Ông khó ở trong mìnhđã mấy hôm. Bà lọ mọ tìm cây sào rồi đẩy đưa bâng quơ trong vòm lá. Con chim cú vỗ cánh bay. Một hạt bụi sa vào mắt bà...
 Ông trách: "Nó kêu mỏi miệng rồi nó đi, bà đuổi làm gì cho khổ con mắt vậy?". Hạt bụi cộm lắm nhưng bà không thấy đau; móm mém cười, bà đáp: "Lỡ ông bỏ tôi lại thì sao?".
 Ngày sinh nhật đầu tiên 
 Tối nay bé buồn xo. Mẹ gặng mãi, bé nũng nịu: "Hôm qua, sinh nhật cái Na, nó được tặng nhiều đồ chơi đẹp! Sao con không có sinh nhật, Mẹ nhỉ?".
 Mẹ lặng thinh mắt đỏ hoe! Sợ Mẹ khóc, bé vỗ về: "Đừng khóc Mẹ nhỉ! Bé không đòi sinh nhật nữa đâu!". Bỗng nhiên, Mẹ ôm chầm lấy bé nức nở. Bé ngơ ngác rồi khóc ào theo.
 ... Ngày ấy, cái ngày mà toà án buộc người đàn ông phải đợi cho bé đủ 12 tháng tuổi mới ký quyết định ly hôn. Và ngày sinh nhật đầu tiên của bé đúng vào ngày Mẹ bồng bé chết lặng giữa chốn pháp đình.
  Mưa đầu mùa 
 Những cơn mưa đầu mùa thường ập đến bất ngờ, nước tuôn xối xả. Hàng hiên nhà tôi đầy ngươi đến trú mưa, ồn ào như chợ vỡ, nhất là cánh bán hàng rong. Tôi thật bực mình vì công việc của tôi cần sự yên tĩnh.
 Mẹ thì khác, những lúc ấy bà vui như "cá gặp nước", những kỷ niệm vui buồn ngày xưa với gánh hàng của bà ngày xưa như không bao giờ dứt. Có lúc bà còn hào phóng mua hết những thức ăn ế ẩm của họ, dù sau đó không sao dùng hết phải đem cho đi. Tôi tỏ ý khó chịu, Mẹ chỉ cười buồn bảo: "Những thứ ấy đã một thời nuôi con khôn lớn đó...".
 Tôi nhớ lại những cơn mưa đầu mùa ngày trước, Mẹ gánh hàng về ôm tôi khóc, chợt thấy chạnh lòng...
  Vợ chồng 
 Mỗi lần du lịch, anh vẫn bật cười vì tính nhát gan của chị. Xe qua đèo: sợ. Lên núi cao: sợ. Biển sóng lớn: sợ những lúc ấy anh lại ôm lấy chị , vỗ về:
 - Đừng sợ, có anh đây. Em hãy can đảm lên nào!
 Công ty phá sản. Từ cương vị giám đốc, anh quay về với hai bàn tay trắng. Anh hốc hác, suy sụp. Chị dịu dàng ôm anh vào lòng, xoa xoa mái tóc:
 - Đừng tuyệt vọng, anh còn có em mà. Hãy can đảm nhé anh!
 Những chiếc bao lì xì
 Ba Mẹ làm lớn, tết đến tôi được nhận nhiều bao lì xì đỏ thật đẹp với lời chúc học giỏi và chóng lớn. Những bao lì xì xé ra tôi mua đồ chơi và tiền bỏ đầy con heo đất.
 Chiều, thấy thằng con dì Ba cầm thật nhiều bao lì xì. Tôi hỏi: "Mầy được bao nhiêu?"
 Nó đáp; "Em nhặt ở sọt rác nhà anh 50 cái bao không".
 Phần cô 
 Sinh nhât cô giáo, cả lớp mang tặng cô nào hoa, nào vải may áo dài...
 Giở gói quà của Hằng ra ngạc nhiên thấy một củ khoai và một bông hồng. Hồn nhiên, Hằng bảo: "Ngày nào em cũng được ăn khoai lang nướng ngon lắm cô ạ. Chắc cô chưa bao giờ được ăn?".
 Hỏi dò mới biết ba mẹ Hằng mất sớm, nhà em phải ở ngoài triền đê, một mình vất vả nuôi hai em. Quà của Hằng là bữa trưa mà em dành phần cho cô giáo.

86
18

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét