Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ, BMT năm 67-68



Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ


Hai tấm ảnh trên dưới được chụp từ máy bay trực thăng trước khi đáp xuống phi trường L19 Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ ngày xưa nằm trên đường Tôn Thất thuyết (nay là đường Lê Hồng Phong). Sau bao năm thăng trầm, hiện không còn dấu tích.
Từ ngoài đi vào, qua cổng chính có cột cờ ở giữa. Trường có ba dãy lớp, bố trí theo hình chữ U. Từ trái qua, 5 lớp năm (lớp một bây giờ). Một dãy dài có phòng hiệu trưởng ở giữa, rồi đến dãy 5 lớp nhất bên tay phải (lớp năm bây giờ). Đi một vòng từ trái qua phải (từ lớp năm đến lớp nhất) là ra trường.

vị trí trường Nguyễn Công Trứ, vẽ theo trí nhớ
Lớp nhất B của thầy Quí là lớp thứ hai từ ngoài vào, cạnh cây đa thật to, nghe nói có nhiều ma lắm!? Lớp học quay lưng ra đường Tôn Thất Thuyết , bên phải là đồn CSQG.
Phía sau trường là chợ BMT, rồi đến rạp LODO. Giờ ra chơi, học trò có thể mua hàng ăn qua hàng rào thưa sau trường.



Rạp chiếu bóng LODO thời ấy

Sân trường khá rộng, giờ ra chơi nhộn nhịp, lăng xăng, nào là bắn bi (bi hầm, bi chảo, bi vòng...), chơi khăng, đánh đáo...đủ trò của con trai .Mấy anh lớp nhất hay dở trò cướp bi của mấy em lớp nhỏ, rồi bỏ chạy. Con nít bây giờ không thể hình dung ra mấy trò chơi dân dã đó, cứ lao đầu vào game một cách thái quá, đâm u mê đi!
Hồi đó, ngoài giờ học trên trường, các em lớp năm cũng đi học thêm để luyện thi vào trường TH BMT. Thầy Quí cũng có mở lớp dạy thêm (học thêm muôn năm mà !), cách khoảng vài trăm mét là lớp dạy thêm của thầy Giảng (thầy Giảng có trò đèo cao dô ta làm tan nát biết bao nhiêu ...mông của các anh học trò nghịch ngợm)

Đèo cao dô ta là gì?
Cũng may không học thầy giảng, nếu không thì cũng bị tress cấp mất. Đây là hình phạt thời trung cổ còn rơi rớt lại, lại rơi trúng lớp nhất E.
Nạn nhân bị nằm trên bàn, hai chân chạm đất ,hai ống quần đùi bị vén lên lộ bắp đùi dưới mông trắng nhởn, thầy cầm thước nhịp nhịp nhẹ nhàng vào đúng một chỗ đó, trong thời gian một bài ca dô ta do các nạn nhân tiềm năng đang ra sức rống lên. Nạn nhân chỉ biết quằn quại trong đau đớn.
Đèo cao,dô ta
Thì mặc đèo cao,dô ta
Nhưng mà con nít,dô ta
Bị đau...chỗ ngồi ...!
Dô tà là hò dô ta...
Thường cuối giờ học,án được thi hành ! ôi,một thời khủng khiếp đã qua !?
Nhưng !
Cũng đừng vội mừng như vậy,tránh vỏ dưa,lại gặp vỏ dừa.
Ở lớp thầy Quí cũng trừng phạt học sinh theo kiểu khác, cũng có phần văn nghệ .
Cuối năm, sau khi ôn bài như cháo rồi, còn rất nhiều thời gian rảnh, chẳng biết làm gì cho hết giờ, mấy chú học trò bèn nói chuyện, đùa giỡn làm mất trật tự, nên lớp trưởng hoặc lớp phó đứng lên bảng ghi tên .Nạn nhân bị lên sổ bìa đen bị thẳng thừng 5 cây baton vào mông. Nhưng nạn nhân có thể chọn cách thi hành án bằng một bài hát hoặc kể 1 câu chuyện nào đó.
Thật xấu số cho nạn nhân không có khả năng văn nghệ !
Thoát hiểm !
Không biết trời xui đất khiến thế nào mà mình bị dính chấu một lần, cái thằng...thật tàn ác ghi tên mình lên bảng có chết không chứ, mới nhúc nhích có một chút ! (chẳng lẽ lớp ồn mà không có ai hy sinh , cũng để báo cáo thành tích nữa?) mình đang mong hết giờ để hoãn thi hành án, nhưng không xong rồi ! án được thi hành nhanh chóng, tính mình nhát như cáy, lại bị nhiễm H1R5 từ nhỏ, lên liều hát một bài, bài duy nhất mình thuộc ...một nửa. Kẽ hở của luật là không cần hát hay nên mình...qua một rừng hoang...ngay !
Thầy Quí:
-chậc chậc...Hoa còn trinh nữ...
Thế là thoát,hú hồn !
Hoa? tên một người con gái.

Trường Nguyễn Công Trứ là trường dành cho con trai (con trai học buổi sáng, con gái học buổi chiều), làm sao có con gái mà thầy Quí trầm trồ?
Thầy Quí có lớp dạy thêm, có em Hoa, dáng đi dịu dàng,bờ vai em nhỏ, dáng em gầy, nhút nhát, đẹp mê hồn và học giỏi nữa, nên thầy ghép đôi, hồi con nít biết gì đâu? Ngu ngơ quá đỗi là ngu...!
Thầy gọi mình là Dũng Đa Kao, nhân vật thật dễ thương của nhà văn Duyên Anh , trong những nhân vật của ông còn có Quyên Tân Định, Bồn Lừa (mơ đá banh thắng đội tuyển Bra-xin), Chương còm...Văn của ông thu hút tâm hồn trẻ nhỏ một thời, có ai còn nhớ và còn mơ mộng như ông không?
Hoa là thế, sau này không biết Hoa ở đâu, làm gì, có đậu vào thất 4(lớp 6 bây giờ) không? Sau 40 mươi năm (thời gian nhạt nhòa, chấp nhất làm chi nữa?)Tự nhiên nhớ Hoa...! Có khi nào Hoa đọc được dòng này không ? làm sao gặp được, ai chỉ dùm, hậu tạ gấp đôi, ôi !
Bốn mươi năm tình lận đận
Hai đứa già nhăn nheo...!

(Mình không phải nhà văn, nên không biết hư cấu là gì đâu, câu chuyện thật trăm phần trăm, thề dưới Cột Đèn Ba Ngọn đó ! )
Ước chi có một chợ tình ở Banme nhỉ ? (xem chợ tình) Tấm ảnh này chụp từ đường Phan Bội Châu qua đường Quang Trung, hàng rào của trường Nguyễn Công Trứ bên tay trái


Thầy tôi.
Vóc người dong dỏng cao, thầy còn trẻ ,(hình như còn chưa có bồ nữa, có nghe bọn nó nói nhưng chưa có tư liệu nào để kiểm chứng cả) ra dáng công tử lắm, bước chân đi như lướt nhẹ trên không, dáng thư sinh, ăn nói nhỏ nhẹ, điềm đạm, ngăn nắp, chỉnh chu...
Thầy hiền khô, ít cởi mở, nhưng cũng biết đùa lắm. Còn cái vụ trừng phạt đầy tính văn nghệ là do ảnh hưởng của ai đó, không phải bản chất của thầy đâu? Hay chỉ vì phải xử lý tình huống thôi ?
Thầy thuê nhà ở và tổ chức lớp dạy trên con đường đất, có cổng chùa Khải Đoan (nay là đường Quang Trung, lớp học lèo tèo đâu chứng mười mấy trò thôi, hình ảnh tưởng đã quên rồi, nhưng bộ nhớ mấy trăm Gi đang hồi phục lại,)
Có một kỉ niệm không quên với thầy:
Buổi sáng đi học, mới ở trên gác xuống để đi học, mình bỗng giật mình thối lui lại vì thấy thầy đang thử giầy (tiệm giày Lâm Thành), làm sao đây? không khéo trễ học mất! Đợi thầy đi thì chắc chắn không kịp giờ, nên đành phải chào đại mà đi. Lúng ta lúng túng, không biết có bị trừng phạt gì không? Hôm sau,thầy gọi lên:
-Nhớ lấy cho thầy hộp si-ra !
Hú hồn! ...

Không ai biết thầy đang ở đâu,còn hay mất.Thôi thì, một phút nhớ đến thầy, thầy ơi !
Lời phê trên bằng tiểu học: biết vâng lời.
Thường các thầy cô hay phê chung chung là giỏi, khá, chăm ngoan hay có cố gắng...chứ ít ai phê biết vâng lời
Những ngày cuối năm thật buồn, ôn tập nhão nhừ,thầy cũng hết ...chữ rồi (?), ngồi trong lớp phê vào bằng tiểu học. Để lớp không làm ồn,
thầy cho làm toán chạy, ai làm trước thì đem nộp bài.
Hôm đó ,mình làm nhanh như chớp, lại trúng ý của thầy (vì thầy dặn hoài mà không nghe), nên thầy khoái: thằng này được! phê luôn:biết vâng lời !


Trường Bồ Đề
Không thấy ảnh của trường T H Bồ Đề,chỉ thấy cổng trường Lê Hồng Phong, xưa là trường Bồ Đề
Trường Bồ Đề nằm sát chùa Khải Đoan, cổng chính trên đương Phan Bội Châu, con đường lúc đó còn hoang sơ lắm, hai bên cây cỏ hoang dại, không ai ở, bây giờ là đất vàng !
Ở trường Nguyễn Công Trứ, học sinh lớp năm là đàn anh nhưng vẫn là con nít, qua trường Bồ đề, con nít +1 lại là đàn em, thấy mình tự nhiên lớn hẳn ra .
Trong lúc chờ kết quả thi vào trường T H Banmethuot. Con nít + 1 ghi danh vào trường T H Bồ đề học vì nếu không đậu thì học luôn. Dù học tạm nhưng nhưng cũng được hai tháng, cũng đủ làm quen với nam mô a di đà phật 3 lần trước và sau buổi học, thiệt chán ! Nếu gặp các thầy cô thỉnh giảng thì được miễn (sau này mới biết các cô Bê, cô Thủy, thầy Hạnh, thầy Giõng, thầy Hoàng...có giờ ở đây).
Thời gian rất ngắn, nên chưa biết ai là ai,nhưng cũng kịp ghi dấu chân mình và các bạn ở Bồ Đề cũng nên xem mình là bạn học cũ đi nhé !

Giỏi đu đủ



Ở bên trái rạp LODO có một chú Tiều chuyên bán giỏi đu đủ.
Đu đủ xanh được bào thành sợi chất đống trong tủ kiếng, cạnh đó là những chai nước mắm pha sẵn với dấm, chai ớt xay có cái nút bần cắt khuyết một góc.
Tay trái bốc bốc, tay phải không rời cái kéo, xắt xắt ...xắt xắt...
Cho một ít đu đủ vào cái dĩa nhôm, tiếng kéo xắt xắt như kêu gọi những cô chú con nít từ xa tới, cắt mấy miếng bò khô mỏng lét hay gan ,một ít rau quế thơm rồi xịt nước mắm chua chua kèm ít ớt xay cay xè. Các cô chú con nít xì sụp vừa ăn vừa húp thật ngon lành, ăn xong phải húp hết nước mắm mới là điệu nghệ, cay tê đầu lưỡi,hương vị đậm đà khó quên !
Tiếng kéo đó đã đi vào hồn và quyến rũ lũ trẻ thơ như thế đó !
Thông tin do Hòa cung cấp: Đào Tuấn Sơn, Phạm Thanh Tùng
Nguyễn Duy Nam cung cấp:Trần ThànhTrọng,Đào Xuân Đức(lớp trưởng),Ng Hiếu, Hà Văn Nam (chết)
Nguyễn Xuân Định cung cấp: Nguyễn An, Hoàng Hương (lính chết), Lâm (vẽ tranh), Lý Minh,Trịnh Thiên Hoàng (?). Hà (em Vũ) , Đèo Văn Thông, Đèo Văn Đà (anh em ruột)
LỚP NHẤT B NGÀY XƯA của trường tiểu học Nguyễn Công Trứ do thầy Nguyễn Văn Quí chủ nhiệm, cách đây 41 năm. Bạn nào có thông tin gì gửi cho mình để sưu tầm lại xem ai còn ai mất,gửi cho mình theo địa chỉ
mail:lamdu_oanh@yahoo.com
hoặc đt 0903835100.Sẽ viết một bài để kỷ niệm



bút tích của thầy Quí

Không có nhận xét nào: