“Đưa lính về nhà”


Video clip mà mình vừa đề cập ghi lại lễ tang của Specialist Brittany Gordon, 24 tuổi,  phục vụ trong Đại đôi 572 Quân báo, Lữ đoàn Cơ động số 2, Sư đoàn 2 Bộ binh Mỹ. Specialist Gordon bị thương khi xe của cô cán trúng mìn ở Kandahar, Afghanistan và chết vào ngày 13 tháng 10 năm 2012. 
So với quân đội Việt Nam, cấp bậc trong quân đội Mỹ có một số khác biệt.
Với quân đội Việt Nam, lính trơn chỉ có Binh nhì, Binh nhất, sau đó là tới ngạch hạ sĩ quan, bắt đầu bằng Hạ sĩ,… Trong quân đội Mỹ, lính trơn có tới 4 bậc, từ E1 đến E4. E4 lại chia làm hai loại, một loại gọi là Specialist, loại còn lại gọi là Corporal (Hạ sĩ). Tuy lãnh lương và nhận các phúc lợi giống hệt nhau nhưng Specialist vẫn bị xem là lính, còn Corporal thì ở ngạch Hạ sĩ quan (bắt đầu có quyền chỉ huy).
Thời gian trung bình để trở thành một Specialist trong quân đội Mỹ là hai năm. Nếu đã tốt nghiệp đại học, gia nhập quân đội nhưng không muốn làm sĩ quan thì tân binh trở thành Specialist ngay từ ngày đầu tiên khi nhập ngũ.
Nói cách khác, Specialist Brittany Gordon chỉ là Binh nhất…
***
Quân đội Mỹ có một căn cứ không quân tên là Dove đặt tại tiểu bang Delaware. Dove có một trung tâm chuyên tẩn liệm những quân nhân Mỹ tử trận ở nước ngoài. Tẩn liệm xong, quan tài được chuyển về cho gia đình.
Video clip mà mình xem ghi lại những nét chính trong lễ tang Binh nhất Brittany Gordon, từ lúc tiếp nhận quan tài chứa thi thể của cô ở căn cứ không quân Macdill, tiểu bang Florida, đưa cô về nhà ở thành phố Saint Petersburg, quận Hillsborough, cách Macdill khoảng 33 cây số, cho đến khi chôn cất cô.
Binh nhất Brittany Gordon được đưa từ Dove về Macdill bằng một phi cơ chuyên dụng. Ngoài thân nhân, đứng đón cô ở cuối phi đạo còn có một nhóm quân nhân mặc lễ phục, cảnh sát, lính cứu hỏa của quận Hillsborough và của thành phố Saint Petersburg.
Tất cả các công đoạn, từ việc đưa quan tài ra khỏi phi cơ, mang quan tài đặt vào xe tang đều theo nghi thức có sẵn, vừa trang trọng vừa thành kính.
Hôm đó, cả căn cứ Macdill ngưng hoạt động, quân nhân từ sĩ quan, hạ sĩ quan tới lính của bộ binh, không quân, hải quân, nhân viên dân sự,… làm việc trong căn cứ, xếp hàng dọc hai bên đường, từ cuối phi đạo đến cổng, tiễn biệt Binh nhất Brittany Gordon.
Ra khỏi Macdill, xe tang chở quan tài Binh nhất Brittany Gordon có xe cảnh sát mở đường đi qua nhiều xa lộ và tuyến đường. Suốt quãng đường dài 33 cây số, tất cả xe cộ đều ngừng lưu thông, cả dân chúng lẫn cảnh sát, lính cứu hỏa các thành phố mà xe chở linh cữu đi ngang, chờ sẵn hai bên đường để chào cô Binh nhất này.
Ở Mỹ, tin người lính nào đó vừa mới tử trận luôn được báo chí và các đài truyền hình địa phương đặt làm tin chính. Cũng vì vậy, tuy không có… loa phường, dân chúng vẫn biết, vẫn đổ ra đường đón người lính trở về trong quan tài phủ quốc kỳ Mỹ.
Lễ tang Binh nhất Brittany Gordon diễn ra cũng với các nghi thức vừa trang trọng, vừa thành kính như vậy.
Chỉ đạo lễ tang của một binh nhất là một ông thiếu tướng. Ông tướng hai sao đó chính là người lần lượt quỳ xuống trước mặt cha và chị Binh nhất Brittany Gordon, trao cho họ lá cờ Mỹ đã phủ quan tài của cô rồi cởi găng tay, bắt tay họ, đeo găng tay, đứng nghiêm chào họ, cung kính như chào thượng cấp…
***
Binh nhất Brittany Gordon không lập được “chiến công” nào để đời. Cô chỉ tình nguyện gia nhập quân đội rồi cùng đơn vị đến Afghanistan bảo vệ những lợi ích của Mỹ (tiêu diệt khủng bố, giúp tái thiết Afghanistan) và chẳng may thiệt mạng. Tuy nhiên với Mỹ, chừng đó đã đủ để trở thành anh hùng.
Binh nhất Brittany Gordon không phải là ngoại lệ. Từ trước tới giờ, Mỹ vẫn làm như thế với tất cả những người lính “vị quốc vong thân”.
Nếu rảnh và muốn biết tường tận cách Mỹ tiễn đưa một người lính “vị quốc vong thân”, bạn có thể vào YouTube xem video clip mình vừa kể (1).
Tuy thanh niên tròn 18 tuổi phải “đăng ký nghĩa vụ quân sự” nhưng Mỹ không có “nghĩa vụ quân sự”. Phục vụ quân đội là chuyện hoàn toàn tự nguyện. Để khuyến khích người ta tự nguyện, Mỹ đề ra nhiều chính sách ưu đãi.
Chẳng hạn nếu đã có gia đình, muốn ở trong căn cứ, bạn sẽ được cấp nhà ở miễn phí, ngay cả tiền điện, nước, rác cũng không phải trả. Không muốn ở trong căn cứ, bạn sẽ được cấp tiền thuê nhà, số tiền nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào giá cho thuê nhà ở nơi gia đình bạn sống.
Không chỉ bạn mà thân nhân của bạn cũng sẽ được khám, chữa bệnh miễn phí.
Đã hoặc đang phục vụ quân đội, muốn mua nhà, bạn không cần phải có khoản tiền tương đương 20% giá trị căn nhà để đặt cọc như mọi người Mỹ khác. Bộ Cựu chiến binh của chính phủ Mỹ sẽ bảo lãnh để bạn được vay 100% và lãi suất luôn luôn ở mức ưu đãi.
Nếu bạn đã từng vay tiền để học gì đó trước khi phục vụ quân đội, quân đội sẽ thay bạn trả khoản nợ này. Trong thời gian phục vụ quân đội, bạn muốn học thêm gì đó, quân đội cũng đứng ra trả học phí thay bạn. Phục vụ đủ mười năm, người phối ngẫu và con cái của bạn sẽ được trả tiền học phí khi họ muốn học nghề hoặc học đại học.
Tại các căn cứ quân sự đều có chợ và siêu thị. Vì được bù lỗ nên giá bán thực phẩm và hàng hóa chỉ khoảng một phần ba hay một nửa giá ở bên ngoài. Chưa kể mua thực phẩm và hàng hóa trong các căn cứ quân sự không phải trả thuế.
Các căn cứ quân sự thường chỉ có trường từ mẫu giáo đến cấp hai. Cơ sở vật chất của các trường trong các căn cứ quân sự luôn khang trang, đầy đủ hơn những trường ở bên ngoài. Giáo viên cũng đông hơn, sĩ số mỗi lớp thì thấp hơn các trường bên ngoài vì Mỹ quan niệm, con lính cần được chăm sóc kỹ hơn, do thiệt thòi hơn bởi cha hoặc mẹ có thể vắng nhà dài ngày.
Hồi đầu năm nay, một tờ báo của quân đội Mỹ cảnh báo, con lính Mỹ đang gặp nguy hiểm vì thực phẩm dành cho chúng trong các trường ở những căn cứ quân sự “không an toàn”. Yếu tố “không an toàn” nằm ở chỗ… dư thừa dưỡng chất và con lính có khuynh hướng béo phì.
Luật Mỹ yêu cầu chính quyền liên bang phải ưu tiên tuyển dụng các thương binh, thân nhân tử sĩ, cựu quân nhân.
Theo luật, vị trí nào mà chính quyền liên bang cần tuyển dụng cũng phải mô tả “điều kiện tối thiểu”. Nếu các thương binh, thân nhân tử sĩ, cựu quân nhân, hội đủ “điều kiện tối thiểu” thì theo luật, vị trí đó phải dành cho họ.
Trong trường hợp cần “tinh giản biên chế”, luật Mỹ yêu cầu các cơ quan của chính quyền liên bang phải giữ lại các thương binh, thân nhân tử sĩ, cựu quân nhân. Các cơ quan của chính quyền liên bang chỉ có quyền loại bỏ những đối tượng này nếu như đã loại bỏ hết những nhân viên thuần túy dân sự khác.
Những chính sách vừa kể áp dụng cho tất cả mọi cá nhân đã hoặc đang phục vụ quân đội. Dẫu cho họ chỉ là… binh nhì.
Dân Mỹ vốn sính kiện nhưng chưa bao giờ có ai thắc mắc về những “đặc quyền, đặc lợi” dành cho những người phục vụ quân đội.
Nếu có thời gian, bạn nên đọc những bình luận bên dưới các video clip ghi lại hình ảnh liên quan tới lễ tang những người lính Mỹ tử trận, các bạn sẽ hiểu tại sao.
Công dân của xứ sở sính kiện có thể là nhất hành tinh này, xem những “đặc quyền, đặc lợi” dành cho những người phục vụ quân đội là điều đương nhiên.
Điều đương nhiên đó nhằm bù đắp thiệt thòi cho những người chấp nhận từ bỏ “chăn ấm, nệm êm”, chấp nhận đủ thứ ràng buộc để bảo vệ xứ sở, bảo vệ tự do, bảo vệ những giá trị của người Mỹ.
Đa số các công ty, cơ sở dịch vụ ở Mỹ đều có chính sách “giảm giá cho lính Mỹ”. Đi máy bay, lính không phải trả phụ phí do quá nhiều hành lý hay hành lý quá ký. Gần như tất cả phi trường ở Mỹ đều có “USO”. “USO” giống như khu vực dành cho “VIP” ở các phi trường tại Việt Nam. Tại Việt Nam, khu vực “VIP” ở các phi trường chỉ dành cho giới nhà giàu, đủ tiền mua vé hạng “C”. Ở Mỹ “USO” tại các phi trường chỉ tiếp đón lính Mỹ và thân nhân. “USO” là chỗ họ có thể ngủ nghỉ, tắm rửa, xem phim, ăn uống,… tất cả đều miễn phí.
***
Lịch sử Mỹ là một chuỗi dài những lần dính líu vào đủ thứ chuyện trên thế giới. Cũng vì vậy mà lính Mỹ khổ. Họ bị đưa đi khắp năm châu: Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc và chết khắp năm châu. Có thể vì vậy mà Mỹ có một cam kết với lính khi đưa họ vào chỗ chết. Đó là bất kể thế nào cũng sẽ “đưa lính về nhà”.
Để làm chuyện này, quân đội Mỹ thành lập Bộ Chỉ huy hỗn hợp về Tù binh và Tìm kiếm quân nhân mất tích (Joint POW/MIA Accounting Command – JPAC).
JPAC có một trang web (2). Trang web đó tường trình mọi hoạt động liên quan đến các hoạt động tìm lính Mỹ mất tích trên khắp thế giới từ Thế chiến thứ nhất cho đến giờ. JPAC tất nhiên là có văn phòng ở Việt Nam. Đến giờ, Mỹ vẫn còn tìm kiếm lính Mỹ mất tích tại Việt Nam.
Nếu bạn rảnh, hãy thử tra cứu trên Internet để tìm hiểu về bang giao Việt – Mỹ, bạn sẽ thấy tù binh Mỹ và lính Mỹ mất tích đã tạo cho chính quyền Việt Nam ưu thế để đòi hỏi chính quyền Mỹ phải nhương bộ nhiều vấn đề, cả trong giai đoạn trước tháng 4 năm 1975 lẫn sau đó.
Suốt sáu thập niên, hết đảng viên Cộng hòa đến đảng viên Dân chủ thay nhau làm Tổng thống Mỹ nhưng trong các cuộc đàm phán với Việt Nam, Tổng thống nào cũng phải thoái bộ để có điều kiện thuận lợi, thực thi lời hứa “đưa lính về nhà”.
Trích Đồng Phụng Việt

Không có nhận xét nào: