(Bài trên http://tphcm.tintuc.vn/)
Nhiều người vẫn thường nhớ về một Sài Gòn có lá me bay mà quên mất một mùa gòn về giữa tháng ba.
Nhiều người vẫn thường nhớ về một Sài Gòn có lá me bay mà quên mất một mùa gòn về giữa tháng ba.
Hoa tuyết của đất trời:
Mùa này những cây gòn lại đua nhau thay lá, trổ bông rồi đơm trái. Những trái gòn nâu sẫm rũ xuống chỉ chờ ngày bung nở lớp bông trắng ngà bay muôn phương. Đã từ lâu rồi bóng dáng của những cây gòn không còn xuất hiện nhiều như trước, thi thoảng mới bắt gặp vài tán cây xanh um tỏa ra ở một con đường ngoại ô thành phố.
Cây gòn hay còn gọi là cây bông gạo, trong thời chiến dùng để cầm máu nhưng bây giờ được sử dụng để sản xuất gấu bông, hạt ép lấy dầu, lá thay cho dầu gội. Những đứa trẻ nghèo ở ngoại ô thời ấy thường dùng lá vắt với nước như hỗn hợp xà phòng để thổi bong bóng. Có những cây gòn cao đến sáu, bảy chục mét, tùy theo loại mà thân cây có hoặc không có gai. Quả gòn dài hơn gang tay, bên trong là lớp bông trắng mềm dịu. Chính vì đặc tính này mà ngày trước nhiều người thường lấy bông gòn làm gối.
Không giống những loại cây khác, cây gòn rụng lá vào mùa khô, trụi lủi, chừa lại những trái gòn trơ trọi. Nói như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thì “cây gòn phải hy sinh để dồn sức nuôi trái lớn”. Rồi một ngày tháng ba đẹp trời lớp bông “xổ lồng bay ra trắng xóa”, từng lớp từng lớp bông như những chùm hoa tuyết mà rơi xuống, mà nương theo gió bay đến vùng đất lạ, mà nhú lên những chồi xanh mơn mởn. Để mầm sống mãi nối tiếp nhau.
Thị trấn cây Gòn:
Do có tên gọi giống nhau nên nhiều nhà học thuật đã nghiên cứu để chỉ ra mối tương quan giữa cây gòn và vùng đất Sài Gòn-Gia Định. Căn cứ vào từ “Sài” nghĩa là củi và “Gòn” tức cây bông gòn, nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký lý giải tên Sài Gòn nghĩa là “rừng gòn”, do ngày trước người Cao Miên trồng nhiều cây mà thành. Dù sau đó không tìm được vết tích của rừng gòn theo giả thuyết trên nhưng đó lại là một cách giải thích hoàn hảo và lãng mạn cho những ai đã trót dành tình yêu cho mảnh đất này.
Phải chăng vì cuộc sống thiếu tiện nghi nên ngày đó những người phụ nữ nông thôn thường nhặt trái gòn về làm gói? Và lũ trẻ có dịp quay quần dưới góc cây thi đua xem ai là người nhặt nhiều trái nhất rồi chạy thật nhanh về nhà khoe với bà, với mẹ. Thích nhất là lúc ngồi xem bà tách vỏ ra, trộm lấy lớp bông trắng muốt hất tung lên rồi nhìn những sợi bông nhẹ nhàng rơi xuống. Kí ức về những ngày ấy có bao giờ hết đẹp được đâu!
Bây giờ khó mà tìm cho ra một cây gòn giữa lòng thành phố, càng khó thấy những chùm bông trắng treo lủng lẳng hay bay đâu đó trên vòm trời. Những chiếc gối làm từ gòn cũng thưa dần. Chỉ có kí ức về những ngày lúi cúi nhặt trái gòn rồi chạy thật nhanh về đưa cho bà thì mãi mãi còn đó. Như một lời hiệp ước vĩnh viễn với tuổi thơ.
Nghĩa Coco
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét