CHỢ TÌNH


Hơn 40 năm nay,người phụ nữ này luôn vượt hơn 20km đến phiên chợ tình Khau Vai.
(Hãy tưởng tượng rằng 40 năm trước,bà là người con gái đẹp,dám yêu và tình yêu đó không hề phôi pha trong lòng bà,cám ơn một tập tục rất đẹp của con người đã cho họ gặp nhau mỗi năm một lần và nghĩ rằng thời gian đã trôi qua nhanh,tàn phá tất cả,để chỉ còn hoài niệm cho riêng mình.Con người vật chất sẽ về với cát bụi,tình cảm mãi mãi thăng hoa.
Xem hình này ,thật xúc động và xin phép TTCT copy lại,cho bạn chiêm nghiệm lại tình yêu của mình...với người xưa ấy!?)

Khắc khoải chợ tình
Điệu khèn tặng “người ấy”
TTCT - Chuyện kể rằng ngày xưa có một đôi trai gái yêu nhau nhưng thuộc hai dân tộc khác nhau nên gia đình, cộng đồng đôi bên đều ngăn cấm. Họ dắt nhau chạy trốn đến tận Khau Vai (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) nhưng cũng không thoát sự truy đuổi. Để tránh xung đột giữa hai cộng đồng sắp nổ ra, đôi bạn trẻ quyết định chia tay. Cuộc chia tay trong nước mắt với lời hẹn ước mỗi năm gặp lại nhau một lần tại Khau Vai...
Từ đó, mỗi năm một lần đôi bạn trẻ lại vượt núi băng rừng, người từ Hà Giang, người từ Cao Bằng về lại Khau Vai để gặp nhau. Chuyện tình ấy thấu động đến trời nên khi chết họ được trời đón về, giao chăm sóc những đôi tình nhân dang dở. Mỗi năm một lần hai vị ấy lại về ngự ở Khau Vai đúng vào ngày 27-3 âm lịch để tổ chức cho những cặp tình nhân dang dở gặp nhau.
Chợ tình năm có một phiên

Người ơi đến đó đừng quên lối về
1. Ông lão Lầu Chứ Dính bước đi khật khưỡng, ông mệt lắm rồi. Cả ngày, rồi đêm hôm qua ông vác cây khèn đi tìm “người con gái ấy” mà ông đã trót yêu hơn 40 năm trước. Chiều hôm qua lúc gặp tôi, ông hào hứng múa khèn thổi tặng một bài rồi còn hẹn: “Nếu gặp bạn gái, tớ sẽ thổi khèn tặng cô ấy cho các cậu chụp ảnh”. Sáng nay cây khèn để lại, thay vào cây khèn ông mua đôi dép cầm trên tay đi tìm bạn. Ông Dính lại khật khưỡng đi tiếp, gặp người phụ nữ nào ông cũng nhìn vào tận mặt như sợ bỏ sót mất bạn mình. Cầu mong cô ấy còn đến được để ông được gặp, được nhìn thấy, trò chuyện vài câu rồi tặng cô ấy đôi dép. Đôi chân “người con gái ấy”, như ông, chắc cũng yếu lắm rồi, cần có đôi dép để vượt qua bao núi đá trên lối về.
Bản Khau Vai - “vương quốc tình yêu”
Ở một căn lều nhỏ dưới sườn núi giáp chân chợ tình có sáu người đàn ông đang lặng lẽ uống rượu. Người già nhất là ông Giàng Mí Hờ, 59 tuổi nhưng trông ông đã già lắm. Cuộc vật lộn vì mưu sinh trên cao nguyên đá này khiến người ta sớm cằn cỗi. Năm người bạn nhiều lứa tuổi của ông cũng đều sớm già. Họ cùng ngồi đây vì đều là “nô lệ” của thần tình ái núi Khau Vai.
Năm nào cũng vậy, đến ngày này, ngày thần mở hội là họ phải đến, không đi không được. 43 năm trước chàng trai 16 tuổi Giàng Mí Hờ trúng phải mũi tên tình ái. Vì còn trẻ quá chàng phải vâng lời bố mẹ. Lúc nghe tin bạn gái bị người ta kéo về làm vợ, anh đã khóc. Điều duy nhất họ có thể làm được là mỗi năm lại về hội Khau Vai để gặp nhau. Năm vừa qua mưa gió không thuận, mùa màng thất bát, nhà cô ấy gặp nhiều khó khăn, ông xót xa lắm. “Giá còn trai trẻ mình quyết tranh giành cô ấy”.
Người bạn của ông chắc cũng đã da mồi tóc bạc, có cháu nội ngoại nhưng qua giọng ông kể thì như mãi không già. Ngồi cạnh ông, Vàng Mí Ly kém ông 21 tuổi gật gù, ngẫm nghĩ từng lời tâm sự của ông bạn già. Anh cũng giống ông, cũng đang xót xa cho người bạn gái. Họ cũng quen nhau từ hồi 16 tuổi. Cũng như ông Hờ, anh đã khóc khi cô ấy lấy chồng. Sáng nay gặp nhau nhưng không trò chuyện được câu nào. Đứng từ xa nhìn nhau thôi. Năm nay nhà cô ấy thiếu ăn, chồng con yếu đau liên miên, hai vợ chồng không hạnh phúc... “Nhìn nhau một tí thôi, không dám đứng lâu, sợ cô ấy thêm khổ”.
Điệu khèn trong đêm chợ tình .Còn có những người đàn ông không nhập vào cuộc rượu nào, lặng lẽ ngồi một mình không chia sẻ với ai, tự mình gặm nhấm nỗi buồn, nỗi xót xa mà cuộc đời bạn họ phải gánh chịu. Tôi gặp một người như thế nơi dốc chợ, hỏi anh đã gặp bạn chưa, anh khe khẽ gật đầu rồi lại ngồi im nhìn về xa xăm.
“Một nửa lung linh” của những người đàn ông si tình cũng đến chợ đông lắm. Rất ít trong số những người phụ nữ đi tìm bạn tình cũ có thể còn được gọi là đẹp. Hay cũng có thể nói “ngày xưa họ đẹp”. Cuộc sống nhọc nhằn vùng cao đã trút lên đôi vai gầy guộc bao nỗi nhọc nhằn. Tuổi xuân của họ ngắn ngủi vô cùng. Mới 35-40 tuổi họ đã sạm đi, cằn cỗi, tất tả lo toan cho lớp cháu chắt nội ngoại. Nhưng dù thế nào đi nữa không ai bắt được họ quên đi ánh mắt si mê đầu tiên, nhất là họ vẫn có quyền được nhận, một năm dù chỉ một lần.
Chiều 26-3 âm lịch, tôi “đột nhập” vào một nhóm sáu bà đến chợ tình Khau Vai. Bà Nung Thị Phung hơn 60 tuổi, chị cả của nhóm, đã có hơn 40 năm đến chợ. Năm nào cũng vậy, không bỏ được dù phải vượt hơn 20km đường rừng từ Đức Hạnh (Bảo Lâm, Cao Bằng) sang đến đây. Hỏi đến những “người bạn” trong phiên chợ này các bà chỉ cười, đôi mắt nhăn nheo chợt lấp lánh những tia sáng ấm áp.
Hơn 40 năm nay người phụ nữ này luôn vượt hơn 20km đến phiên chợ tình Khau Vai.

Sáng 27, ngày chính phiên, tôi gặp bà Giàng Thị Sung hơn 60 tuổi ngơ ngác đi tìm bạn. Bà than “chợ năm nay đông quá, chen mãi mà không tìm được ông ấy” và điều bà lo nhất là “liệu ông ấy có ốm đau gì không”.
2. Người ta đồn... người ta đồn... người ta đồn... Bao chuyện được thêu dệt quanh khu chợ tình Khau Vai. Suốt đêm 26-3 âm lịch - đêm chính của những cuộc tình, tôi được hai bạn trẻ người Mông giúp đỡ đưa đi mục sở thị cả mấy dãy đồi quanh khu chợ tình, để rồi... thất vọng.
Với những gì được chứng kiến có lẽ tôi có thể nói rằng chợ tình Khau Vai không có hoặc rất hiếm có sắc màu tính dục. Sự cho và nhận thuần khiết là những lời tâm sự về cuộc sống, trao gửi cho nhau câu hát, điệu khèn và cả những chén rượu sóng sánh, thế thôi. Có lẽ chính vì sự thuần khiết ấy mà những câu chuyện tình có đủ sức sống mấy mươi năm, và phiên chợ tình này tồn tại được và quyến rũ tất cả mọi người.
Trưa ngày tan chợ, trên dốc đứng tôi chứng kiến một người đàn ông không dưới 60 tuổi vừa đi vừa ngã. Ông say, điều ấy là chắc chắn, ông còn gằn hắt và dỗi vợ. “Người ấy” của ông chắc gặp nhiều khổ đau và có thể cũng như ông lão Giàng Mí Hờ đang đau đớn tự trách mình: sao ngày xưa không đủ dũng cảm để giành giật, để được che chở người ấy. Vợ ông nhẫn nại nghe ông mắng oan, nhẫn nại đỡ ông, dù không ít lần ông hất tay bà ra.
Bà không giận ông bởi bà biết ông đang ghét không phải bà mà là rất ghét, rất giận chính mình. Bà cũng hiểu một điều cả năm chỉ một ngày hôm nay ông như thế. Bà ngồi lặng, thỉnh thoảng vỗ nhè nhẹ lên vai ông chồng đang gục đầu xuống hai cánh tay. Ông say vì mấy chén rượu mới uống hay đang buồn cho cảnh ngộ người bạn gái mà ông vừa gặp lại, hay một chút áy náy, ngại ngùng với bà..., cũng có thể vì tất cả.
Năm nào cũng vậy, bà đều theo chồng vượt sông Nho Quế, vượt ba dãy núi từ Bảo Lâm (Cao Bằng) sang đây dự chợ tình, để ông ấy được gặp người cũ. Mấy chục năm chưa một lần bà đòi hay tò mò xem mặt bạn cũ của chồng nhưng bà vẫn đi cùng ông, nhẫn nại đợi ông, để vỗ về an ủi ông như những lúc này. Lát nữa thôi họ sẽ lại cùng nhau vượt núi trở về. Ông sẽ trở lại là người chồng, người cha mẫu mực suốt cả một năm dài cho đến ngày này sang năm... trở lại Khau Vai với nỗi khắc khoải khôn cùng.
Người phụ nữ này năm nào cũng cùng chồng vượt núi băng rừng từ Cao Bằng đến Khau Vai để ông gặp lại người xưa
Không thể chia sẻ được cùng ai
Miếu Ông, miếu Bà ở Khau Vai những ngày này nghi ngút khói hương. . Chắc chắn nhiều người trong số những người dâng hương - trong đó có tôi - thầm ước: Giá quê mình cũng có một phiên chợ như Khau Vai để được buồn, được khổ, được quặn đau đi tìm “người xưa ấy”.



Người phụ nữ này năm nào cũng đưa chồng vượt núi băng rừng từ Cao Bằng đến Khau Vai để ông gặp lại người xưa