Tiếng lóng Saigon



( Sưu tầm và biên tập)

“Tiếng lóng” là gì? Tiếng lóng là một hình thức phương ngữ xã hội không chính thức của một ngôn ngữ, thường được sử dụng trong giao tiếp thường ngày, bởi một nhóm người. Tiếng lóng ban đầu xuất hiện nhằm mục đích che giấu ý nghĩa diễn đạt theo quy ước chỉ những người nhất định mới hiểu. Tiếng lóng thường không mang ý nghĩa trực tiếp, nghĩa đen của từ phát ra mà mang ý nghĩa tượng trưng, nghĩa bóng.

Một thời, một nơi chốn nào đó, trong đời sống ngôn ngữ dân gian lại nảy sinh ra một số tiếng lóng, một số thành ngữ, một câu hát nhại theo câu hát chính phẩm, hầu hết là để châm biếm, tạo nên nụ cười, hay có khi là để răn đe, tìm sự hoàn thiện trong cuộc sống, chúng chỉ sống một thời rồi tự biến mất, nhường chỗ cho đoạn đời “tiếng lóng” khác đến thay thế. Do đó, việc ghi chúng lại để đọc vui chơi hay phục vụ nghiên cứu văn học dân gian, chỉ có giá trị, khi ghi rõ định vị địa lý và thời gian.

Tỷ như Sài Gòn vào thập niên 60, thịnh hành một chùm tiếng lóng “sức mấy” để thay nói bất lực hay chuyện không thể. Phổ biến đến nỗi, một nhạc sĩ đã chọn làm đề tài cho một bài hát đường phố “Sức mấy mà buồn, buồn chi bỏ đi Tám”.

Những câu chuyện thuộc loại tiếng lóng đó xuất hiện vào thời buổi Sài Gòn bị tạm chiếm, Tây - Mỹ nhiễu nhương, quê hương chiến tranh buồn phiền; “sức mấy” đã trở thành bút hiệu của một chuyên mục phiếm luận trên báo, sau đó một kỹ thuật gia sản xuất còi ôtô đã chế ra một điệu còi ôtô, bấm còi là kêu vang trên phố một dòng nhạc còi auto 9 nốt “tính tính tè tè, tè ti tè ti té”, làm cho đường phố càng náo loạn hơn.

Trước đó cũng từ bài ca Diễm xưa của Trịnh Công Sơn mà sinh ra cụm từ tiếng lóng “xưa rồi Diễm ơi”, mỗi khi có ai lặp lại một đòi hỏi nào đó, mà người nghe muốn gạt phăng đi.
Thời các vũ trường mới du nhập Sài Gòn như Mỹ Phụng, Baccara, Tháp Ngà, thì dân chơi gọi Tài-pán tức người điều phối nhóm vũ nữ, bằng tiếng bóng “Cai gà”, gọi cảnh sát là "mã tà", vì police (cảnh sát) hay mang cái dùi cui, tiếng Tây là matraque, đọc trại thành “mã tà”. Cũng từ thời thuộc địa, tiếng Tây chế ra tiếng lóng âm Việt rất nhiều như: “gác-dang” tức thuê người làm bảo vệ; tiếng Pháp gardien đọc trại ra thành gác-dang. Cũng như nói “de cái đít” tức lùi xe arriere; tiền bồi dưỡng người phục vụ tiếng Pháp: pour-bois âm bồi gọi “tiền boa”, sau này chế ra là “tiền bo”.
Cũng thời Pháp thuộc, Sài Gòn có nhiều cách nói mà đến nay không ai biết nguyên do. Tỷ như gọi ngân hàng là nhà băng, gọi sở bưu điện là nhà dây thép, mua tem dán bao thư gọi là “con cò”, còn nếu gọi “ông cò” là chỉ cảnh sát trưởng mấy quận ở thành phố, gọi “thầy cò” tức là các ông chữa morasse các tòa báo do chữ correcteur, nhưng nói “cò mồi” là tay môi giới chạy việc, “ăn tiền cò” thì cũng giống như “tiền bo”, nhưng chữ này chỉ dùng cho dịch vụ môi giới.
Thời kinh tế mới phát triển, đi xe auto gọi là đi “xế hộp”, đi xe ngựa gọi là đi “auto hí”, đến thời xe máy nổ ầm ào, đi xe đạp gọi là “xe điếc”, đi nghỉ mát Vũng Tàu gọi là “đi cấp”, đi khiêu vũ gọi là “đi bum”, đi tán tỉnh chị em gọi là đi “chim gái”, đi ngắm chị em trên phố gọi là “đi nghễ”, gọi chỉ vàng là “khoẻn", gọi quần là “quởn”, gọi bộ quần áo mới là “đồ día-vía”. Đi chơi bài tứ sắc các bà gọi là “đi xòe”, đi đánh chắn gọi là “múa quạt”, đi chơi bài mạt chược các ông gọi là “đi thoa”, đi uống bia gọi “đi nhậu”, đi hớt tóc gọi đi “húi cua”. Có một cụm tiếng lóng từ Huế khoảng 1920 - 1950 du nhập Sài Gòn, đó là “đi đầu dầu”, tức các chàng trai ăn diện “đi nghễ” với đầu trần không mũ nón, để cái mái tóc chải dầu brillantine láng cóng, dù nắng chảy mỡ. Tuyệt vời gọi là “hết sẩy”, quê mùa chậm chạp gọi là “âm lịch", hách dịch tự cao gọi là "chảnh".
Tiền bạc gọi là "địa", có thời trong giới bụi đời thường kháo câu "khứa lão đa địa" có nghĩa ông khách già đó lắm tiền, không giữ lời hứa gọi là "xù", "xù tình", tức cặp bồ rồi tự bỏ ngang. Làm tiền ai gọi là "bắt địa", ăn cắp là "chôm chỉa", tương tự như "nhám tay" hay "cầm nhầm" những thứ không phải của mình.
Ghé qua làng sân khấu cải lương hát bội, người Sài Gòn gọi là làng "hia mão", có một số tiếng lóng người ngoài làng có khi nghe không hiểu. Tỷ như gọi "kép chầu", có nghĩa là đào kép đó tuy cũng tài sắc nhưng vì một lý do nào đó không được nhập biên chế gánh hát, đêm đêm họ cũng xách valyse trang phục phấn son đến ngồi café cóc trước rạp hay túc trực bên cánh gà, để đợi, ngộ nhỡ có đào kép chính nào trục trặc không đến rạp được, thì kép chầu thay thế vào ngay. "Kép chầu" phải thuần thục rất nhiều tuồng để đau đâu chữa đó.
Đào chính chuyên đóng vai sầu thảm gọi là "đào thương", kép chính chuyên đóng vai hung tàn gọi là "kép độc". Có một cụm tiếng lóng xuất phát từ hai nơi, một là cải lương rạp hát, hai là quanh các tòa soạn báo chí, đó là "café à la... ghi” tức uống café thiếu ghi sổ...
Vào làng báo mà tiếng lóng người Sài Gòn xưa gọi "nhật trình". Nếu thiếu tin lấy một tin cũ nhưng chưa đăng báo để đăng lấp chỗ trống, gọi là "tin kho tiêu”, các loại tin vớ vẩn dăm dòng từ quê ra tỉnh gọi là "tin chó cán xe", tin quan trọng chạy tít lớn gọi là "tin vơ-đét" vedette, nhặt từ tài liệu dài ra thành một bài gọn gọi là “luộc bài", chắp nhiều thông số khác nguồn ra một bài gọi là "xào bài", truyện tình cảm dấm dớ gọi là "tiểu thuyết 3 xu", các tạp chí bình dân xoi mói đời tư gọi là "báo lá cải". Làng nhật trình kỵ nhất là loan tin thất thiệt, lóng gọi là "tin phịa", nhưng trong "tin phịa" còn có hai mảng chấp nhận được đó là loan tin thăm dò có chủ đích, lóng gọi là "tin ballons" tức thả quả bóng thăm dò, hay tin thi đua nói dối chỉ được xuất hiện vào đầu tháng tư, gọi là "tin Cá tháng Tư".


Có đến bảy tiếng lóng để thay cho từ chết. Đó là "tịch", "hai năm mươi", "mặc chemise gỗ", "đi auto bươn", "về chầu diêm chúa", "đi bán muối" hay "vào nhị tỳ”, "nhị tỳ" thay cho nghĩa địa và "số dách" thay cho số một... đều ảnh hưởng từ ngôn ngữ minh họa theo người Hoa nhập cư.
Thời điểm truyện và phim kiếm hiệp của Kim Dung nói chung là chuyện Tầu thịnh hành, người Sài Gòn đã chế ra nhiều tiếng lóng, như ai dài dòng gọi là "vòng vo Tam Quốc", ai nói chuyện phi hiện thực gọi là "chuyện Tề Thiên", tính nóng nảy gọi là "Trương Phi". Một số tên nhân vật điển hình của Kim Dung được dùng để chỉ tính cách của một người nào đó. Tỷ như gọi ai là "Nhạc Bất Quần" tức ám chỉ người ngụy quân tử, gọi là "Đoàn Chỉnh Thuần" tức ám chỉ đàn ông đa tình có nhiều vợ bé...
Sài Gòn là đất của dân nhập cư tứ xứ, nơi tha hương văn hóa bốn phương, nên ngôn ngữ càng thêm phong phú, trong đó tiếng lóng cũng "ăn theo" mà ra đời.
Thời Mỹ đến thì một tiếng "OK Salem", mà các trẻ bụi đời vừa chạy vừa la để xin ông Mỹ điếu thuốc. Thời gọi súng là "sén" hay "chó lửa", dân chơi miệt vườn gọi "công tử Bạc Liêu" còn hiểu được, Sài Gòn xuất hiện cụm từ "dân chơi cầu ba cẳng" thì thật không biết do đâu? Có lẽ cầu ba cẳng có tên Pallicao, lêu nghêu 3 cẳng cao như dáng vẻ cowboy trong các phim bắn súng, nên mới gọi "dân chơi cầu ba cẳng"? Đó cũng là lúc các tiếng lóng như "dân xà bát", "anh chị bự", "main jouer" tay chơi ra đời, chạy xe đua gọi là "anh hùng xa lộ", bị bắt gọi là "tó", vào tù gọi là "xộ khám”. Bỏ học gọi là "cúp cua", bỏ sở làm đi chơi gọi là "thợ lặn", thi hỏng gọi là "bảng gót". Cũng do scandal chàng nhạc sĩ nổi tiếng kia dẫn em dâu là ca sĩ K.Ng. qua Nhà Bè ăn chè, để ngoại tình trong túp lều cỏ bị bắt, từ đó "đi ăn chè" trở thành tiếng lóng về hành vi ngoại tình trốn ra ngoại ô.

Cũng có một số tiếng lóng do nói lái mà ra như "chà đồ nhôm" tức "chôm đồ nhà”, "chai hia" tức chia hai chai bia bên bàn nhậu, nó cùng họ với "cưa đôi”. Lóng thời sự loại này có "tô ba lây đi xô xích le" tức "Tây ba lô đi xe xích lô".
Trong tiếng lóng còn chất chứa ân tình. Họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn mài đề tài lá hoa sen xuất thân xứ Ca Trù hay than "buồn như chấu cắn", hay có người than phiền vì câu né tránh trách nhiệm với hai tiếng "lu bu" để thất hứa, nay còn có người nhấn thêm "lu xu bu" nại lý do không rõ ràng để trốn việc. Để tạm kết thúc phần dẫn này, tôi muốn nhắc một số âm sắc Bắc Hà. Những âm sắc theo chân người Hà Nội vào Nam rồi trở thành tài sản chung của người Việt. Bắt quả tang thành "quả tó", gọi chiếc xe Honda là "con rim", gọi tờ giấy 100USD là "vé", đi ăn cơm bình dân gọi là
"cơm bụi", xuống phố dạo chơi gọi là "đi bát phố", gọi người lẩm cẩm là "dở hơi"...
Nhưng lý thú nhất là nhờ cụ cố nhà văn Nguyễn Tuân mà Sài Gòn nay có một tiếng lóng hiện đại thay cho cụm từ đi ăn nhà hàng theo American style - tiền ai nấy trả. Đó là cụm lóng KAMA, ghép bốn chữ tắt của "không - ai - mời - ai". Đi KAMA phở một cái, tức cùng đi ăn phở mà không ai mời ai, món ăn cổ truyền nhưng ứng xử là thoải mái. Vào thời văn minh hiện đại, ngôn ngữ tiếng Anh trở thành phổ biến, giới trẻ đã chế ra một tiếng khá văn hoa, như chê một ai đó chảnh, các cô nói "lemon question" tức chanh hỏi - chảnh.

Lê Văn Sâm


Ngôn Ngữ thường thay đổi theo thời gian dù từ vựng hay văn phạm. Và tiếng Lóng của bất cứ ngôn ngữ nào cũng có tiếng lóng, số từ vựng của một số người trong một không gian hạn hẹp và thời gian nhất định. Mời bạn đọc chơi bài viết giá trị Hàn tình cờ ST được để biết rõ ông bà ta từng dùng từ ngữ nào trong giao tiếp hàng ngày. Đặc biệt là tìm hiểu tiếng lóng chẳng những để quán triết ý nghĩa và hiểu biết thêm nó đã ra đời từ sự kiện nào trong quá khứ. Nhưng ai từng sống vào thời đó có thể bùi ngùi nhớ lại : À khi xưa mình cũng dùng từ ngữ này, bây giờ lại xém quên
 
Kỷ niệm du hành xuyên suốt miền Tây thời tuổi trẻ, hình ảnh sông nước bao la , ẩn hiện xóm nhỏ dọc bờ kinh, mái lá, phiá trước nhà có bàn Thiên, một bình cấm nhang, chung nước, những bờ đê phân biệt những cánh đồng lúa xanh, vàng theo hai mùa mưa nắng. Chằng chịt những con rạch, đi luồn vào những vườn cây ăn trái. Những con kinh xuôi ngược với thuyền rộng đò ngang, tắc ráng, ghe chở hàng hoá từ vùng sâu ra phố chợ, thỉnh thoảng có những chiếc ghe dừng “chân” thả vịt, loáng thoáng có câu hò, câu vọng cổ văng vẳng đó đây. Miền Tây của tấm lòng hào sảng, chân thật có gì ăn đó, có gì nói đó, của những câu nói mộc mạc, tả chân. Miền Nam sau 1954, với cuộc di cư lần thứ nhất, văn hóa phía Bắc vĩ tuyến 17, loan tỏa, ảnh hưởng, tác động mạnh vào văn hóa miền Nam, Bắc 45, Bắc 54 rồi Bắc 75, mỗi thời gian không gian nào đó, trong đời sống ngôn ngữ thường ngày biến đổi thích ứng với hoàn cảnh chính trị và xã hội lúc bấy gìờ. Một số “tiếng xưa” “tiếng lóng” trước 75, ngôn từ dân giả thường dùng thời Pháp thuộc có nguồn gốc tiếng Pháp, tiếng Miên, tiếng Hán pha trộn tiếng Việt-Nam Trung Bắc (trước 75) đã một thời thịnh hành, phương tiện chuyên chở cái hay, cái đẹp, mỉa mai châm biếm, dặn dò, răn đe, của những khung trời, hoài niệm thân thương. Xin gởi đến người đọc, bài viết thuộc loại nhớ gì viết đó với một số ít tham khảo trên mạng, không mang tính cách khảo cứu tiếng Việt nhưng như là một lưu niệm, thỉnh thoảng “giở gương xưa tìm bóng“, một nụ cười nho nhỏ, "tay anh đây xin xem đường quá khứ, khúc nào buồn em bỏ bớt cho vui."
“Bàn toán” cái dụng cụ người Tàu dùng tính tiền khi xưa
“Bàn toán” cái dụng cụ người Tàu dùng tính tiền khi xưa

“bài kía” giấy chứng nhận sở hữu chủ (thường là gia cầm, heo, bò, trâu…) thời Pháp thuộc.
“ăn kết” điều tra, mả tà ăn kết vụ ăn cắp gà ở Xóm Gà .
“phú lít” cảnh sát từ chữ police mà ra.
“mã tà” cảnh sát, phát âm trại từ tiếng Pháp matraque (dùi cui, một loại vũ khí cảnh sát đeo lủng lẳng bên hông).
“sen đầm” cảnh sát đặc biệt (hiến binh) thời Pháp thuộc, phát âm trại gendarme.
“ông Cò” tiếng người dân trong Nam gọi ông cảnh sát trưởng thời Pháp thuộc. Có một bài thơ nổi tiếng nói về ông cò của Tú Xương (Trần tế Xương), không biết cái ông cò này có giống như ông Cò quận Chín trong tuồng cải lương Tuyệt Tình Ca không ? Tưởng cũng nên biết quận 9, không có thật khi Hoa Phượng và Ngọc Điệp viết tuồng cải lương này (1965). Sau đó vài năm mới có quận Chín nằm bên vùng Thủ Thiêm.
Hà Nam danh giá nhất ông cò
Trông thấy ai ai chẳng dám ho.
Hai mái trống toang đành chịu dột
Tám giờ chuông đánh phải nằm co
Người quên mất thẻ âu trời cãi
Chó chạy ra đường có chủ lo
Ngớ ngẩn đi xia may vớ được
Chuyến này ắt hẳn kiếm ăn to
“tem cò” tem thư, có lẽ là cò bay mang thư khắp nơi chăng?.
“cò mồi” người dụ dẩn người khác vào chuyện lừa đảo, bịp bợm.
“thầy cò” người sửa bản in ở toà báo, người làm đơn thuê hành chánh hay kiện cáo.
“tiền cò” tiền hoa hồng , tiền môi gìới, có lẽ có nguồn gốc tiếng Pháp commission.
“ốm như cò ma” gầy ốm nhom.
“nhảy cò cò” trò chơi trẻ em nhảy theo hình vẽ ra trên đất.


“sức mấy” không thể xảy ra, còn lâu, sức mấy mà dám làm, sức mấy mà buồn.
“xưa rồi Dìễm” cụm chữ này, có lẽ bắt nguồn từ bài hát Diễm Xưa của TCS, có nghĩa biết rồi, không cần nhắc đi nhắc lại nữa.
“thôi đi tám, bỏ đi tám” đừng dóc láo nữa, láo vừa phải thôi.
“bà tám” nhiều chuyện. Sau này 888 trên mạng
“đi bum” đi party , đi nhảy đầm.
“đi xế hộp” đi xe hơi, còn  xe đạp gọi là" xế điếc"
“chim gái” tán gái, cua gái.
“nghể gái, ghế” ngắm gái trên đường phố.
“bắt bò lạc” cũng đi cua gái, thường ban đêm nhưng có ý tưởng xấu hơn.
“hết sẩy” ngon lành, không chê được.
“chiến” bảnh bao, ngon lành, ngon cơm.
”bắt địa” tìm cách dụ dỗ làm tiền.
“chôm chỉa” ăn cắp bất chấp là cái gì.
“Xù” không giữ hẹn, từ bỏ, bị ghế (con gái) xù rồi (có nguồn gốc từ tiếng Anh chăng shoo?).
“hầu bà” Sợ vợ.
“khứa” thằng đó.
“nhật trình” báo hằng ngày.
“tin xe cán chó” chuyện không quan trọng.
“tiểu thuyết ba xu” truyện dở, rẻ tiền.
“tịch, hui nhị tì, ngủm cù đèo, đi bán muối” chết.
“Ok Salem” Salem (Hàn lồng tiếng Paris : Sao Anh Làm Em Mệt và nếu đọc ngược lại thì Mà Em Làm Anh Sướng ) là loại thuốc lá Mỹ rất thông dụng, ý nói đồng ý, được rồi.


“Anh hùng xa lộ” có lẽ bắt đầu từ lúc có xa lộ Sàigòn Biên Hòa, lái xe bạt mạng, nghĩa bóng không nể nang pháp luật.
“xộ khám, vô Chí Hoà nha con” ở tù, bị bắt giam.
“cúp cua” nghỉ học lén, không xin phép ai.
“ đi ăn chè” ngoại tình lén lút xuất xứ từ chuyện nhạc sĩ P.D dẩn tài tử K.Ng (em dâu) ra nhà Bè ăn chè, bị bắt gặp đang du dương trong túp lều tranh. Rồi sau một thời gian đó “Nửa Hồn Thương Đau” ra đời.
“cưa đôi” chia hai đồng đều.
“đàn(g) thổ “ người Miên.
“bộ đồ vía, diện kẻng” ăn mặc sang trọng, khác ngày thường.
“đầu gà đít vịt” người Tàu lai.
“bán nới” bán rẻ một chút.
“chó lửa” súng lục, một loại súng nhỏ cầm tay, như rouleau (trục lăn chứa 6 viên đạn).
“thịt bệu” thịt hư.
“bú thép” bú nhờ.
“dốt dốt” chưa được khô lắm, chưa chín lắm
“quần xà lỏn” quần đùi.
“qua” tiếng xưng hô tôi, tao.
“bậu” bạn.
“lấy le” làm dáng, khoe khoang.
“thua me, gỡ bài cào”  thua keo này gầy keo khác.
“xếp re” im lặng chịu thua
“ám đọc” bài học thuộc lòng.
“hớt cua” hớt tóc ngắn cao, âm trại court
“xăng xái” muốn bắt tay vào việc ngay.
“bác vật” khoa học gia.
“nhờ piston” nhờ quyền thế chạy chọt.
“đánh phép” gian lận thi cử.
“đì” bị trù yếm không cho thăng tiến.
“chạy mánh” tìm cách giải quyết bằng phương tiện thường là bất hợp pháp.
“cà ròn” bao đan bằng đệm, giống như bao bố.
“hỏng chừng hỏng đổi bất thường” thay đổi không đoán được.
“măng đa” giấy nhà băng (ngân hàng) báo (uỷ quyền) đi lãnh tiền , trại âm pháp ngữ mandat.
“phi dê” uốn tóc, âm trại tiếng Pháp frisé.
“ông chánh” ông tỉnh trưởng.
Có câu ca dao ‘Mười giờ ông Chánh về Tây. Cô Ba ở lại chịu đời đắng cay’.
“quất ngựa truy phong” bỏ chạy vì tình, vì nợ.
“cái quần chin núm”
Ca dao rất xưa nói về một người làm ruộng, quần rách có lỗ thì buộc chỗ rách lại thành một núm. Mẹ chồng thấy con dâu phơi quần có chin núm bèn vá lại và đem phơi trên sào, người dâu về , tìm quần không thấy bèn hát lên :

Từ bi ba lá từ bi
Cái quần chin núm nó đi đằng nào ?
Người mẹ chồng thấy thế trả lời
Cái quần mẹ giắt trên sào
Con hãy bước tới lấy vào mà thay
Người dâu thấy quần vá lành lặn, bèn cảm khái
Người hiền lại gặp người hiền
Cái quần chin núm nó liền như xưa

“u ấp” trò chơi trẻ em hai phe cùng số người cách nhau bởi một đường thẳng vẻ trên đất, từng nguời thay phiên nhau chạy sang phần đất nghịch cố gắng chạm vào hoặc đánh trúng người nào rồi trở vế phía bên đất mình mà không đứt khoảng hơi thở, mà không bị bắt lại, thì nguời đã bị chạm phải, đánh trúng phải rời cuộc chơi. Bên nào không còn người nào nữa là phe thua. Tiếng U là âm phát ra liên tục từ khi chạy sang đất địch cho đến khi hết thở kể cả khi không chạm /đụng được đối thủ và phải chạy về, nếu không bị địch bắt, địch đè xuống (ấp) hơi thở bị ngắt quãng, là bị thua cuộc phải rời cuộc chơi.
“ thẩy lỗ lạc, đánh đáo” trò chơi ném bạc cắc, xu vào lỗ khoét nhỏ trên đất, phần lọt vào lổ thì người thẩy được giữ, phần lọt bên ngòai thì người thẩy phải chọi trúng một đồng xu cắc nào đó đã đựợc chỉ định bởi những người cùng chơi đang đợi tới phiên mình. Số tiền nhiều ít tùy sự đóng góp đồng đều của những người cùng chơi.

“đánh gồng, đánh chỗng” trò chơi nơi vùng quê đất rộng, gồm 1 cây que ngắn (khoảng gan tay) và một cây que dài hơn (khoảng 3 gang tay) dùng để đánh. Trên đất đào 1 lỗ dài nhỏ, sâu đủ để một phần que ngắn  đủ một đầu cao hơn mặt đất, lúc chơi lấy cây que dài đập vào đầu nhẫn lên của cây que ngắn cho nó nhảy tung lên, người chơi phải đánh trúng cây que nhỏ thật mạnh để cây văng càng xa càng tốt và nhất là không ai chụp được (nếu bị chụp, thì phải thua). Khi rơi xuống đất, người đánh gồng dùng cây que dài để đo khoảng cách chiều dài từ nơi que ngắn rớt xuống đến miêng lỗ. Người nào sau cùng đánh xa nhất, dài nhất thắng cuộc.

đánh gồng, đánh chỗng, đánh khăng
“cái rộng” cái lu thấp đựng cá hay lươn.
“thằng cốt đột” thằng khỉ.
Trò chơi tạt lon
“chơi lật hình” người nào lật sách, có nhiều trang có hình là kẻ thắng cuộc.
" chơi dzích hình" lật làm sao mặt hình đè mặt trắng, không được vướng vào tấm hình khác là "ăn"

“công nho” tiền quỹ của làng xã.
“nhảy bao” cho hai chân vào bao bố, ai nhảy đến đích trước là kẻ thắng cuộc.


“bông dụ” hột xí ngầu, trò chơi cờ bạc, có 6 mặt từ 1 nút tròn đến 6 nút tròn.
“đề pô” đại lý hoặc kho chứa hàng.
“cây thông” cây bằng sắt hay gỗ xỏ vào hai khoen dùng gài cửa.
“xây kim tĩnh” xây mộ chuẩn bị trước cho người còn sống.
“gà mái biết gáy” người đàn bà cầm quyền.
“ly nguyên tử” ly nội hóa thủy tinh pha nhựa plastic, khó bể.
“viết nguyên tử” viết, bút viết bằng mực dầu, xài xong mua cây khác, còn được gọi dưới cái loại viết thông dụng có nhãn hiệu Bic.
“cái trả” nồi lớn để nấu bánh tét.
“cà ràng ông táo” lò nấu ăn bằng đất sét, phần đầu có ba chấu để nồi, phần đuôi dài để than , gổ chụm không bị đổ ra ngoài.
“bù ngót” loại cây nhỏ , lá xanh thường dùng nấu canh với rau dền (với tôm khô) hay với măng chung với cá, nước canh vị ngọt, rất ngon.
“có đường tương chao” ý nói có hy vọng, có tương lai khá hơn.
“mò tôm” thủ tiêu bằng cách bỏ vào bao liệng xuống nước.
“cù bơ cù bất” đơn côi, bơ vơ, không nơi nương tựa.
“xuống song lang” ca vọng cổ xuống chỗ mùi (âm chữ có dấu huyền), khán giả vỗ tay.
“vầy duyên can lệ” nên nghĩa vợ chồng.
“lộng giả thành chân” lấy giả làm thiệt.
“lát xưa” người chỉ chỗ ngồi cho khán giả trong rạp hát, tiếng Pháp placeur, tiếng Anh usher.
“tuổi quá bán” tuổi trên 40.
“đồng tịch đồng sàng” chung chiếu chung giường.
“bán tháo” bán gấp bằng mọi giá rẻ kể cả thua lỗ.
“mở hàng” mua hay bán lần đầu buổi sáng.
“dân thương hồ” nguời mua hay bán trên ghe.
“ăn dộng, dộng” ăn, tiếng thô lỗ.
“xấp xỉ “ vào khoảng.
“tuổi cập kê” tuổi bắt đầu biết chuyện trai gái yêu đương.
“tam sên” ba người hợp nhau, nghĩa đen dĩa đồ cúng gồm một miếng thịt luộc, một con tôm và một trứng luộc.
“tổng khậu” đầu bếp chuyên nghiệp.
“đúng trân” đúng một trăm phần trăm.
“liếc dao” dùng cái khu chén, tô mài dao sơ qua vài lần trước khi cắt cái gì.
“nhà dây thép “ bưu điện.
“bù trớt” không đâu vào đâu, không liên hệ gì.
“vòng do Tam quốc” ăn nói dài dòng, lăng nhăng.
“liên tu bất tận” không kịp nghỉ, nói không ngừng.
“đắt mèo” được nhiều đàn bà con gái yêu thích.
“o mèo” cua gái.
“trà nước” hối lộ, đưa tiền để “bôi trơn” việc gì.
“hầm bà lằng” Trộn lẫn đủ thứ không cần phân biệt, " hầm bà lằng xí cấu..."
“xáp lá cà” gần sát-đánh xáp là cà cận chiến.
“thỏ đế” nhút nhát sợ hãi.
“phần phật” động tác nhanh, phát ra nhanh như gió
“sít sát” rất gần nhau
“trần ai khoai củ” phải cực nhọc lắm mới đạt được
“con khỉ” thứ tiền bạc cắt thời Tây mới đến
“chầm bầm”, " chằm bằm" vẻ mặt không bằng lòng, giận dỗi
“sở trường tiền” sở công chánh
“cô hãng, bà hãng” vợ chủ nhà buôn (nhà doanh nghiệp)
“thớ lợ” hay xớ lợ không quen thuộc nhiều
“áng, ná” tiếng miền Nam xưa gọi cha,mẹ
“nóng nả” nóng ruột , không yên muốn làm việc gì
“trân trân” yên, không lay chuyển
“lân lí” chòm xóm, xưa năm nhà là một lân, năm lân là một lí
“dễ duôi” coi không ra gì, khinh khi
“con hát” ca kịch sĩ
“nước” mưu kế, tính hết nước rồi.
“dần lân” được mòi cứ quen thói làm tiếp đến chuyện khác.
“hạ bạc” nghề hạ bạc, nghề chài lưới, đánh cá, kẻ hạ bạc, kẻ thấp hèn (cung cách khiêm nhường).

“tam bành, lục tặc” nổi nóng làm chuyện không nên (ba tà thần Bành Sư, Bành Chất , Bành Khiển có sẵn trong người, đợi dịp xúi dục làm chuyện sai trái; lục tặc hay lục nhập là 6 thứ giặc làm hại người tu hành: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp).

Không có nhận xét nào: