Trò chơi trẻ con ngày xưa

Trò chơi 5-10-15...
( Sưu tầm và biên soạn)
Các nhà giáo dục băn khoăn, loay hoay đi tìm một phương pháp giáo dục trẻ em thật sự có hiệu quả trong thời đại mà thông tin bùng nổ và kỹ thuật điện tử xâm nhập đến từng mái trường, từng gia đình, đến từng trẻ em.

Làm sao có thể yên tâm với con em mình khi chúng hàng ngày vòi vĩnh tiền bạc của cha mẹ để xúm xít bên những trò chơi điện tử, những karaoke, hay vào những trang web không hợp với lứa tuổi? Cũng như trước đây, ta đã từng chứng kiến sự tràn ngập của khối vuông rubic lăn tròn trên tay chẳng những ở trẻ em mà cả người lớn nữa.

Bịt mắt bắt dê

Ở đây, ta không nói chuyện được - mất trong những trò chơi đó. Nhưng có lẽ hầu như chúng ta đã lãng quên một phương pháp giáo dục đầy hiệu quả mà chúng ta có sẵn: đó là kho tàng đồng dao và trò chơi trẻ em. Riêng về lĩnh vực giáo dục, kho tàng này cung cấp nội dung và phương pháp giáo dục “không thầy, không sách” tương đối rõ ràng và đầy đủ hơn cả.
Rồng rắn lên mây
Rồng rắn lên mây
Có cây lúc lắc
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?

Đồng dao bao gồm nhiều loại: Các bài hát, câu hát trẻ em, lời hát trong các trò chơi, bài hát ru em... Trò chơi cũng lắm, như trò chơi vận động (dung dăng dung dẻ, chơi khăng, đánh đáo), trò chơi học tập (đánh chuyền, đánh ô), trò chơi mô phỏng (đi chợ, làm nhà), trò chơi sáng tạo (xếp thuyền, đánh trận, chơi diều). Cả kho tàng phong phú ấy là phương tiện giáo dục trí, đức, thể, mỹ cho các em. Qua đó phát triển tâm lý, thể lực, trí tuệ trước mắt và nhân cách của các em trong tương lai.

Trò chơi trốn tìm



Chơi ô ăn quan


Thật vậy, ông bà ta nhận thức rằng để giáo dục trẻ em phải thông qua con đường tình cảm là hiệu quả nhất. Đầu tiên là tình mẹ con tràn trề thấm thía qua những bài hát ru “cục ta cục tác, con diều hâu hung ác, gà con ở đâu, về mau mẹ ủ, mẹ con đông đủ, chẳng sợ diều hâu”. Rồi đến tình cảm với những vật gần gũi: con gà, con chó, cái chổi, con dao... Trong lời hát, truyền cho các em sự cảm thông nồng ấm. Dần dần, rộng ra một chút, cho các em tiếp xúc với thiên nhiên rộng lớn bên ngoài. Rồi không ai không buồn cười, thú vị khi em bé đút hạt xôi vào miệng dế mèn hay kết những cánh hoa thành áo cho cào cào: “Cào cào giã gạo tao xem, tao may áo đỏ, áo đen cho mày”. Từ tình yêu với con sâu, cái kiến, khi các em lớn lên vài tuổi, tiếp xúc, tham gia công việc đồng áng với người lớn, các em yêu cả những con chim, con cò, con trâu, con nghé... quanh mình. Các bài đồng dao Gọi mẹ, Gọi nghé của trẻ mục đồng; đồng dao về chim, về lá, về hoa quả... đều toát lên một tình cảm yêu thiên nhiên, yêu lao động đậm đà bát ngát.

Bắn bi




Đá banh bàn
Đồng dao cung cấp cho các em kiến thức, không là kiến thức hệ thống như tư duy người lớn mà là trình bày liệt kê, dừng lại ở những nét bề ngoài dễ nhớ, dễ phân biệt, kích động trí tò mò ở trẻ em. Đó là công dụng đồ vật: “Con trâu cày xiên, cái liềm gặt lúa”, phân biệt giống vật “Chàng chàng lót ổ bụi tre, chèo bẻo lót ổ mái đình”. Hay dạy cho các em chơi chữ, tập quan sát: “No lòng phỉ dạ là con cá cơm, không ướp mà thơm là con cá ngát, liệng bay thấm thoát là con cá chim”. Phải chăng đây là cách dạy từ ngữ vui nhộn phù hợp với các em, làm các em nhớ đến tên loài vật xung quanh mình?

Chơi bông vụ, con cù


Dzích hình
Chẳng những cung cấp kiến thức tự nhiên, đồng dao còn là một kho kiến thức xã hội, về hội hè, đình đám, trong họ ngoài làng, về đồ ăn, thức uống: “Những nồi cơm nếp, những tệp bánh chưng, mứt bí, mứt gừng, mứt chanh, mứt khế”. Các em được chuẩn bị từ tuổi hoa niên những kiến thức về nghề nghiệp trong xã hội sau này: “Ông thầy có sách, thợ ngạnh có dao, thợ rèn có búa” hay: “Ai cày ruộng nuôi trâu, ai trồng dâu nuôi tằm, ai hay nằm nhịn đói”. Đồng dao cũng dạy các em phê phán thói hư tật xấu, sự lười nhác: “Cho đi học chữ- nhiều chữ ai vay, cho đi học nghề- rằng nghề ở tớ, cho đi làm thợ- nói: nghề ấy buồn”... Thậm chí, các em bé gái được đồng dao trang bị cho kiến thức nữ công gia chánh đặc biệt: “Bắt được cua bấy đem về nấu canh, băm tỏi băm hành, xương sông lá lốt”, hay “canh ốc thì ngọt, canh bứa thì chua”.
Búng thun

Đồng dao được các em hát trong lúc tổ chức trò chơi. Nhiều khi lời đồng dao được hát, tổ chức trò chơi dường như không có đề tài nào tập trung, gặp đâu nói đó, chỉ cốt cho vần vè, còn ý nghĩ chung thì rời rạc, câu nọ xọ câu kia, chuyện này sang chuyện khác. Trẻ em vẫn thích thú vì nó phù hợp với trí lực của các em, không thể đòi hỏi các em tư duy như người lớn được. Đồng dao và trò chơi trẻ em được tiếp thu bằng ấn tượng về ngoại vật chứ không phải bằng lý luận.
Chơi đáo lỗ

Có thể thấy việc học văn hóa cơ bản qua đồng dao và trò chơi không dạy chữ, thế mà các em vẫn đếm, vẫn tính nhẩm, cộng trừ từ “chuyền một” đến “chuyền chuyền mười”, từ “năm lên sáu” hay “bốn lên bảy” trong trò chơi chuyền chuyền... Trò chơi “đánh ô ăn quan” dạy trẻ em tính nhẩm về chia, trừ, quan sát chiều ngược, chiều xuôi để động não một cách tự lực chỉ có bạn mà không có thầy. Thật là một cách giáo dục có ý nghĩa.

Đá cá lia thia

Đá kiến
Trò chơi còn giáo dục thể lực ở trẻ. “Đánh chuyền” với động tác “nâng lấy một, chộp lấy đôi, sang tay qua, ra tay chống” chẳng phải có tác dụng luyện gân, các cơ ở cổ tay, cánh tay, khuỷu tay cho bé gái sao? Trò “đánh khăng” ít nhiều là môn thể thao là sự vận động toàn diện kết thúc với chạy, nhảy, đuổi bắt, cõng nhau. Còn bao trò chơi khác với cách thức luyện tập khác nữa. Quan sát kỹ ta thường thấy các trò chơi thường lặp đi lặp lại. Người lớn xem hay chơi có thể chán, nhưng với trẻ em đó là một việc thú vị. Cùng cách chơi “Đuổi bắt” nhưng được các em biến hóa xê dịch trong nhiều trò chơi... Qua trò chơi, các em được dịp rèn luyện mắt, chân tay, luyện thính giác, khướu giác...

Nu na nu nống
Cái cống nằm trong
Cái ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Bụt ngồi bụt khóc
Con cóc nhảy ra
Ông già ú ụ
Bà mụ thổi xôi
Nhà tôi nấu chè
Tè he chân rụt.

Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa đứt cương
Ba vương ngũ đế
Chấp chế đi tìm
Ù à ù ập

Chuyền banh với đũa
Cái mốt, cái mai/
Con trai, con hến/
Con nhện chăng tơ/
Quả mơ, quả mận/
Cái cận, lên bàn đôi/
Đôi chúng tôi/
Đôi chúng nó/
Đôi con chó/
Đôi con mèo/
Hai chèo ba/
Ba đi xa/
Ba về gần/
Ba luống cần/
Một lên tư/
Tư củ từ/
Tư củ tỏi/
Hai hỏi năm/
Năm em nằm/
Năm lên sáu/
Sáu lẻ tư/
Tư lên bảy/
Bảy lẻ ba/
Ba lên tám/
Tám lẻ đôi/
Đôi lên chín/
Chín lẻ một/
Mốt lên mười/
Chuyền chuyền một, một đôi... 

Chơi đá dế

Và sau cùng đồng dao và trò chơi như những chất keo nối kết những tình bạn trong sáng, ngây thơ giữa lũ trẻ với nhau mà ta khó tìm thấy trong những trò chơi hiện đại ngày nay.


Chơi cờ cá ngựa


Chơi cờ gánh

Chơi cướp cờ

Đá banh

Đá gà chọi


Đá gà hay đá ngựa
Đánh khăng


Đẩy cây

Chơi rải ranh


Chơi nhảy lò cò

Nhảy bao bố

Chơi nhảy cừu, nhảy ngựa

Chơi nhảy dây





Chơi ống thụt
Chơi bắn súng bằng cuống lá chuối


Tắm mưa


Chơi tạt lon

Thả diều





Đánh bài trét lọ nghẹ

Chơi U
Sẽ có hai người đứng giơ cao tay, những người còn lại sẽ nối đuôi nhau và vừa đi vừa đọc: "Thiên đàng địa ngục hai bên. Ai khôn thì nhờ, ai dại thì sa...". Khi đọc hết, hai người giơ tay sẽ hạ tay xuống, nếu ai bị chăn lại sẽ phải có hai lựa chọn: Thiên đàng hay Địa ngục. Nếu chọn Thiên đàng bạn sẽ được 2 người chủ trì làm thành cái võng bằng tay và khiêng bạn bạn một đoạn xa, nếu can đảm chọn Địa ngục bạn sẽ bị chặt cổ, chặt tay. Cứ thế trò chơi sẽ tiếp tục cho đến khi tất cả thành viên để phải đưa ra chọn lựa: Thiên đàng hay Địa ngục.


Thả đỉa ba ba
Chớ bắt  đàn bà
Tha tội  đàn ông
Cơm trắng gạo trắng
Gạo thuyền như nước
Ðổ mắm đổ muối
Ðổ chuối  hạt tiêu
Ðổ niêu  nước chè
Ðổ phải nhà nào
Nhà ấy.... chịu


Kho tàng đồng dao và trò chơi trẻ em Việt Nam quả thật là những hình thức giáo dục thiếu nhi, nhi đồng có hiệu quả. 
Tiếc rằng, với cuộc sống hiện tại, nó dần mai một đi trong thực tế. Chúng ta hiếm khi bắt gặp hình ảnh các em tụm năm tụm 
bảy rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê... vào những đêm trăng sáng. Có đứa trẻ nào biết đến những bài đồng dao phù hợp với 
mình? Nhà trường có giảng dạy đồng dao nhưng đó chỉ trên lý thuyết, mà cũng thật ít ỏi làm sao!

Sưu tầm nắp phén ở mấy chỗ bán nước giải khát , trên đường để chơi thảy nắp phén vô lỗ và dùng chàm ( cục đá được mài dẹp và nặng vừa tay ) để chọi nắp phén , có 2 loại nắp đã đập dẹp và chưa đập ( loại chưa đập có giá trị cao hơn ) các loại nắp phén có màu sắc sặc sỡ như fanta , stop , con nai , 33 xanh , đỏ rất được ưa chuộng .Trong một ván chơi , nếu ai thảy vô lổ cả xấp nắp phén thì coi như trúng mánh ván đó !



Mèo đuổi chuột

Trò chơi gồm từ 7 đến 10 người. Tất cả đứng thành vòng tròn, tay nắm tay, giơ cao lên qua đầu. Rồi bắt đầu hát. 

Mèo đuổi chuột
Mời bạn ra đây
Tay nắm chặt tay
Đứng thành vòng rộng
Chuột luồn lỗ hổng
Mèo chạy đằng sau
Thế rồi chú chuột lại đóng vai mèo
Co cẳng chạy theo, bác mèo hóa chuột

Một người được chọn làm mèo và một người được chọn làm chuột. Hai người này đứng vào giữa vòng tròn, quay lưng vào nhau. Khi mọi người hát đến câu cuối thì chuột bắt đầu chạy, mèo phải chạy đằng sau. Tuy nhiên mèo phải chạy đúng chỗ chuột đã chạy. Mèo thắng khi mèo bắt được chuột. Rồi hai người đổi vai trò mèo chuột cho nhau. Trò chơi lại được tiếp tục.




***
Đồng dao, đồng diêu : câu hát chơi, con nít hay hát. Đó là định nghĩa đơn giản nhất của Huình Tịnh Paulus Của, trong đại Nam Quấc Âm Tự Vị, cuốn tự điển đầu tiên của Việt Nam, xuất bản năm 1895 tại Sàigòn.

36 năm sau, Ban Văn học Hội Khai Trí Tiến đức khởi thảo Việt Nam Tự điển, Mặc Lâm xuất bản tại Hà Nội năm 1931 và Nhà In Imprimarie Trung Bắc Tân Văn phát hành, cũng định nghĩa ngắn gọn. Đồng dao: câu hát trẻ con. Hơn thế kỷ sau, tức là cả 103 năm sau, Đại Từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý, do Bộ Giáo dục và đào tạo, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin phát hành năm 1998, định nghĩađồng dao: lời hát truyền miệng của trẻ con, nhưng không đưa ra một câu nào.

Đồng dao được truyền từ đời này tiếp đời nọ, vùng này qua vùng kia, có khi thay đổi, có khi sai lạc, có khi thất truyền, và bị quên lãng. Tác giả hẩu hết vô danh, hay nói đúng hơn, chính dân gian là tác giả.

Dạy con từ thuở lên ba, nhưng từ lúc lọt lòng mẹ qua ba tháng biết lẩy bẩy tháng biết bò cho đến khi lổm ngổm tập ngồi bi bô tập nói lựng chựng bước đi, với Việt Nam ta, tiếp nối lời mẹ ru, đồng dao giữ phần quan trọng trong giáo dục gia đình, chuẩn bị cho trẻ đến trường với khoa sư phạm áp dụng phương pháp giúp trẻ con vừa vui chơi giải trí vừa học hỏi, phát triển các khả năng cơ thể và mở mang trí tuệ. Hát mà chơi. Hát mà học. Hát chơi mà học thật.

Thuở ban đầu, đồng dao chỉ được truyền miệng, nhưng nhờ ngắn gọn đơn giản ba, bốn hoặc năm chữ, có khi ngô nghê, nhưng vần điệu tiết tấu nhịp nhàng nên rất dễ hiểu dễ nhớ. Về sau, rất nhiều bài đồng dao được đặt nhạc nên được phổ biến rộng rãi. Trong hàng trăm bài đồng dao truyền miệng và hàng ngàn bản nhạc, chúng tôi chỉ nêu một số bài đồng dao truyền miệng từ Bắc qua Trung vào Nam, còn nhớ hoặc tìm tòi sưu tầm được, và đồng dao được phổ nhạc, cùng một số nhạc phụ lục. Chuyện bổ túc theo đà tiếp nối rất dễ dàng thuận tiện.


Những trò chơi đầu tiên chỉ có mẹ và con. Khi trẻ bớt ngủ ngày, tức vào khoảng một tháng sau khi ra đời, trẻ bắt đầu biết nghe và nhìn. Bài học đầu tiên có thể chỉ tập cho con theo dõi, nhận xét, ghi nhận. Mẹ chỉ cho con biết những phần trên cơ thể, cả danh từ lẫn động từ tĩnh từ: mắt mở mắt nhắm, mắt đen mắt nâu, miệng nói môi cười, răng trắng, tai nghe, tóc đen tóc trắng, tóc ngắn tóc dài, tay nắm, chân đạp ...

Trẻ chưa biết ngổi, có thể cùng mẹ chơi trò Cất Rớ Chống Rớ , đặt con nằm ấp trên hai ống chân mẹ, mông con an vị trên hai bàn chân mẹ, hai tay nắm chặt hai tay con, mẹ nằm ngửa, vừa nâng hai chân lên cao vừa đọc:

Cất rớ lên! Bỏ rớ xuống! 
Cá chi? Cá bống! Chống rớ! 
Cá chi? Cá rô! Chống rớ!! 
Cá chi? Cá hồng! Chống rớ! ...

Vẫn vị thế đó, có thể đổi cách chơi qua trò cỡi ngựa, hát mà chơi, nhún nhẩy đong đưa theo bài đồng dao:

Nhong nhong nhong nhong 
Ngựa ông đã về 
Cắt cỏ bồ đề 
Cho ngựa ông ăn 
Nhong nhong nhong nhong ...

Mẹ tập con chơi mà học, quan sát theo dõi:

Một ngón tay nhúc nhích này/ một ngón tay nhúc nhích này 
Một ngón tay nhúc nhích cũng đủ cho ta vui vầy... 
Hai ngón tay nhúc nhích này/ hai ngón tay nhúc nhích này! 
Hai ngón tay nhúc nhích cũng đủ cho ta vui vầy! ...

và cứ thế tiếp tục cho đến mười ngón. Bài này có phần nhạc ở phụ lục.

Tay mẹ tay con có nhiều trò thú vị. Hát mà chơi với bài đồng dao Kéo Cưa Lừa Xẻ, khi con biết ngồi, hai mẹ con cùng nắm tay nhau kéo qua kéo lại:

Kéo cưa lừa xẻ/ ông thợ nào khỏe/ về ăn cơm trưa 
Ông thợ nào thua/ về bú tí mẹ

hay: Cút ca cút kít/ làm ít ăn nhiều/ nằm đâu ngủ đấy 
Nó lấy mất cưa/ lấy gì mà kéo!!!

Vẫn tay mẹ tay con:

Xỉa cá mè/ đè cá chép 
Tay nào đẹp/ đi hái hoa 
Tay nào thô/ đi mót củi 
Tay dính bụi/ đừng dụi mắt ...
Chơi Diều, tranh Võ đình, UNICEF 69

Cũng bài Xỉa Cá Mè nhưng chơi với hai chân:

Xỉa cá mè/ đè cá chép 
Chân nào đẹp/ đi buôn men 
Chân nào đen/ ở nhà làm... chó (hay mèo) và sủa gâu gâu như chó hoặc kêu meo meo như mèo để mẹ con cùng vui.

Mẹ con vuốt tay vỗ đập tay nhau nhịp hai theo bài đồng dao Vuốt hột nổ nói đến những vật dụng hàng ngày. Bảo con chắp tay lai, mẹ cũng chắp tay xong mở ra vuốt hai bàn tay con, vừa vuốt vừa đọc, mỗi lần vuốt xong là vỗ tay, và có thể tiếp nối vô tận:

Vuốt hột nổ 
đổ bánh bèo 
Xao xác ... quạ kêu 
Nồi đồng vung méo/ cái kéo thợ may 
Cái guộng đắp bờ/ cái cờ làng tế 
Cái ghế để trèo/ cái khoèo mót củi 
Cái chủi tòe loe/ cái khe nước chảy 
Cái xảy xảy rơm/ cái nơm chơm cá 
Cái ná bắn chim/ cái kim may áo 
Cái gáo múc nước/ cái lược chải đầu 
Cái câu câu cá/ cái rá vo gạo ...

Mẹ con ngồi đối mặt nhau, mẹ vừa hát vừa tập con vỗ tay. Hát mà học, vì khi lớn lên bé sẽ cùng vui chơi với anh hoặc chị, và cách chơi khó hơn: vừa đọc bài đồng dao vừa tự vỗ tay mình xong vỗ tay trái chéo vào tay trái người kia; trở lại tự vỗ tay, rồi vỗ tay phải mình chéo qua tay phải người kia, và tiếp tục ban đầu chậm sau nhanh dần cho đến hết bài. Một bài đồng dao khác cho trò chơi này là:

Tập tầm vông 
Chị lấy chồng/ em ở góa/ chị ăn cá/ em mút xương 
Chị nằm giường/ em nằm đất/ chị húp mật/ em liếm ve 
Chị ăn chè/ em liếm bát/ chị coi hát/ em vỗ tay 
Chị ăn mày/ em xách bị/ chị làm đĩ/ em thâu tiền 
Chị đi thuyền/ em đi bộ/ chị kéo gỗ/ em lợp nhà 
Chị trồng cà/ em trồng bí/ chị tuổi Tý/ em tuổi Thân 
Chị tuổi Dần/ em tuổi Mẹo 
Chị kéo kẹo/ em nấu đường/ chị trồng thơm/ em trồng khóm 
Chị đi xóm/ em coi nhà/ chị thờ cha/ em nuôi mẹ 
Chị trồng hẹ/ em trồng hành/ chị để dành/ em ăn hết 
Chị đánh chết/ em la làng/ chị đào hang/ em chui tuốt ...

Vẫn trò chơi dùng hai tay nhưng đông người hơn, có thể dùng một cái gậy hay thanh trúc để các em nắm tay chồng lên nhau lần lượt và tiếp tục cho hết bài. Không có gậy thì chỉ cần chồng tay lên nhau. Trò chơi này gọi là Hát đúm/ Cùm nụm cùm nịu hay Tay tí tay tiên:

Cùm nụm cùm nịu/ tay tí tay tiên 
đồng tiền chiếc đũa/ hột lúa ba bông 
ăn trộm ăn cắp trứng gà 
Bù xa bù xít/ con rắn con rít 
Thì ra tay này!

Vẫn tay mẹ tay con, khi con biết xử dụng tay chân, mẹ con cùng chơi trò thi chân đẹp hoặc mẹ giúp con theo dõi chơi Nu na Nu nống cùng các anh chị. Ngồi trong lòng mẹ, bé chỉ tập trung theo dõi, chăm chú nghe và nhìn, lanh mắt lẹ tay nhanh chân học mà chơi theo luật chung:

Nu na nu nống/ cái cống nằm trong 
Cái ong nằm ngoài/ củ khoai chấm mật 
Phật ngồi Phật khóc/ con cóc nhảy ra/ con gà ú ụ 
Nhà mụ thổi xôi/ nhà tôi nấu chè 
Tè he cống rụt! 
Nu na nu nống/ thằng công cái cạc 
đá xỉa đá xoi/ đá đầu con voi/ đá lên đá xuống 
đá ruộng bồ câu/ đá râu ông già 
đá ra đường cái/ gặp gái đi đường 
Có phường trống quân/ có chân thì rút! 
Nu na nu nống/ đánh trống phất cờ/ mở cuộc thi đua 
Thi chân đẹp đẽ/ chân ai sạch sẽ/ gót đỏ hồng hào 
không bẩn tí nào/ được vào đánh trống!

Khi trẻ khá lớn đi đứng chạy nhảy vững vàng và đến trường, gia nhập những trò chơi tập thể dễ dàng cũng như học những bài đồng dao dần dà dài khó hơn, và mẹ chỉ để mắt theo dõi, hướng dẫn hoặc nhắc nhở giúp đỡ khi cần.

Có những bài đồng dao kết cấu liên hoàn lập đi lập lại, làm điệu bộ theo lời diễn đi diễn lại cho đến khi mệt nghỉ:

Con vỏi con voi/ cái vòi đi trước 
Hai chân trước ịch đi ịch trước 
Hai chân sau ịch đi ịch sau 
Còn cái đuôi thì đi là sau rốt 
Tôi xin kể nốt cái chuyện con voi i í ị con voi 
Cái vòi í i ị đi trước ... 
Con công hay múa/ nó múa làm sao? 
Nó rụt cổ vào/ nó xòe cánh ra 
Nó đỗ cành đa/ nó kêu ríu rít 
Nó đỗ cành mít/ nó kêu vịt chè 
Nó đỗ cành tre/ nó kêu bè muống 
Nó đỗ dưới ruộng/ nó kêu tầm vông 
Con công hay múa ... 
Lúa ngô là cô đậu nành/ đậu nành là anh dưa chuột 
Dưa chuột là ruột dưa gang/ dưa gang là nàng dưa hấu 
Dưa hấu là cậu lúa ngô/ lúa ngô là cô đậu nành ...

Ba bài liên hoàn khác về chim:

Ác- là là cha ca-cưỡng/ ca-cưỡng là dượng bồ câu 
Bồ câu là dâu ác- là/ ác-là là cha cà- cưỡng ... 
Bồ-các là bác chim gi/ chim gi là dì sáo sậu 
Sáo sậu là cậu sáo đen/ sáo đen là em tu-hú 
Tu-hú là chú bồ-các/ bồ-các là bác chim gi ... 
Cái cò mày mổ cái tôm/ cái tôm quắp lại mà ôm cái cò 
Cái cò mày mổ cái trai/ cái trai quặp lại mà nhai cái cò 
Cái cò mày mổ cái tôm ...

Một bài đồng dao liên hoàn khác được đức Quỳnh phổ nhạc và hát từ Bắc vào Nam, lời lẽ ngụ ý hài hước châm biếm:

Con chim chích chòe/ nó kêu chích chòe 
Nó đậu cành chanh/ nó kêu chích chòe 
Tôi ném hòn sành/ nó quay lông lốc 
Tôi làm một chốc/ được ba mâm đầy 
Ông thầy ăn một/ bà cốt ăn hai 
Cái đầu cái tai/ đem về biếu chúa 
Chúa hỏi chim gì? - Là con chim chích chòe! 
Nó kêu chích chòe/ nó đậu cành chanh ...

Bài đồng dao có nhạc trong Nam lời hát như sau:

Con chim manh manh/ nó đậu cây chanh 
Tôi vác miểng sành/ tôi liệng nó chết 
Tôi làm được bảy mâm/ tôi dâng cho ông một mâm 
Tôi dâng cho bà một đĩa/ bà hỏi tôi con chim gì? 
Tôi nói con chim manh manh ...

Có một trò chơi trong Nam gọi là Bắc Kim thang, dùng bài đồng dao ngô nghê ngộ nghĩnh khi các em làm thành vòng tròn, chân trái xỏ rế ngoéo vào chân trái bạn, vừa vỗ tay vừa nhảy lò cò bằng chân phải và giữ không bị té, cùng hát:

Bắc kim thang, cà lang bí rợ 
Cột qua kèo là kèo qua cột 
Chú bán dầu qua cầu mà té 
Chú bán ếch ở lại làm chi? 
Con le le đánh trống thổi kèn 
Con bìm bịp thổi tò te tí te ......

Em nào không vững thăng bằng bị té là thua, bị phạt búng tai hoặc khẻ tay nếu là con gái, hoặc phải cõng bạn cùng cặp chạy một vòng nếu là con trai. Vui tếu thì phạt bằng quẹt nhọ nồi/ lọ nghẹ lên mặt. Các em trai còn bị phạt làm ngựa cho bạn cỡi, nhẹ thì dùng bài đồng dao ngắn Nhong nhong nhong nhong, mà phạt nặng hoặc trẻ lớn thì dùng bài Lý Ngựa ô. Lý Ngựa ô cũng có ba điệu phổ nhạc, Bắc, Trung và Nam.

Trò trốn tìm/ ú tim/cút bắt được trẻ con khắp thế giới vui chơi, và đồng dao ta có rất nhiều bài cả đám cùng loạt đọc lên để chọn người phải đi tìm. Bài đặc biệt có tính cách một bài sấm dính đến lịch sử, nói về giai đoạn rối loạn của triều đình Nhà Nguyễn và phong trào Cần Vương, thời ta bị Pháp đô hộ:

Chu tri rành rành/ Cái đanh nổ lửa 
Con ngựa đứt cương/ ba vương tập đế 
Cấp kế đi tìm/ ú tim ... òa ập!

Bài đồng dao trốn tìm/ thả đỉa ba ba:

Thả đỉa ba ba/ con đỉa đeo bà 
Con gà tục tác/ mỏ-nhát cầm chầu 
Con mèo cầm lái/ con rái chạy buồm 
Con tôm tát nước/ vọc nước giỡn trăng

Bài Thả đỉa ba ba khác:

Thả đỉa ba ba 
Chớ bắt đàn bà/ phải tội đàn ông 
Cơm trắng như bông/ gạo tiền như nước 
Sang sông về đò/ đổ mắm đổ muối 
đổ nải chuối tiêu/ đổ niêu cứt gà 
đổ phải nhà nào/ nhà ấy phải chiu!

Khi đám trẻ chạy tìm chỗ nấp, em còn lại phải bịt mắt đọc bài đồng dao khác đến hết mới được mở mắt đi tìm:

Mít mật mít gai/ mười hai thứ mít 
đi vào ăn thịt/ đi ra ăn xôi 
Bởi chẳng nghe tôi/ tôi bịt mắt chú 
ăn đâu ẩn kín/ lúa chín thì về!
Chơi bịt mắt bắt dê, tranh Võ đình

Ngoài Bắc có bài đồng dao khác và Phạm Duy đã mượn ý phổ nhạc:

Ông trẳng ông trăng 
Xuống chơi với tôi/ có bầu có bạn 
Có oản cơm xôi/ có nồi cơm nếp 
Có nệp bánh chưng/ có lưng hũ rượu 
Có chiếu bám đu/ thằng cù xí xoại 
Bắt trai bỏ giỏ/ cái đỏ ẵm em 
đi xem đánh cá/ đem rá vo gạo 
Có gáo múc nước/ có lược chải đầu 
Có trâu cầy ruộng/ có muống thả ao 
Ông sao trên trời ...

Hoặc:

Ông tiễn ông tiên 
Ông có đồng tiền/ ông giắt mái tai/ ông cài lưng khố 
Ông ra hàng phố/ ông mua miếng trầu/ ông nhai tóp tép 
Ông mua con tép/ về ông ăn cơm 
Ông mua mớ rơm/ về ông đánh thổi 
Ông mua cái chổi/ về ông quét nhà 
Ông mua con gà/ về cho ăn thóc 
Ông mua con cóc/ về thả gậm giường 
Ông mua nén hương/ về cúng ông cụ!

Tranh dân gian của Henry Oger đầu thế kỷ XX, 
chú thích bằng chữ Nôm: đánh Cờ Chân Chó 
Làm Hùm Bắt Lợn, tranh dân gian Henry Oger

Khi trẻ đã lớn, đã đi học và có nhiều bạn cùng lứa, có rất nhiều trò chơi dùng những thứ kiếm được ngay chung quanh hoặc tự chế lấy, ví như bắn ná làm bằng nạng ổi, bắn súng bẹ sống lá chuối, bắn súng ống hóp đạn hạt sầu đông hoặc hạt mâm xôi, bắt chuồn chuồn, buôn bán bằng hoa lá, cái lung tung/ cái trống bỏi, chong chóng bằng lá dừa, cái tó he hay con gà đất có gắn ống cói ống sậy thổi te te, con giống, cối xay làm bằng hạt xoài cưa hai, đánh căn với hai khúc tre hay gỗ, đánh bi, đánh cờ chân chó, cờ gánh bằng vỏ nghêu vỏ sò, đánh đáo, đánh đu dựng bằng tre, đánh trận giả với cây cành hoa lá như Cờ Lau Tập Trận của đinh Bộ Lĩnh thuở còn chăn trâu, đánh thẻ, đánh vụ làm bằng gỗ, đá kiện làm bằng đồng xu buộc lông, đá cầu lông, đạp mạng, đạp lon, đi chợ về chợ, kéo co với giây dừa, làm hùm bắt lợn, lộn cầu vồng, lộn chuồn chuồn, liệng cống, năm tiền liền quan, ném còn làm bằng vải vụn, ném vòng làm bằng tre hoặc mây vào cọc tre hay gỗ, nhảy giây làm bằng giây dừa, nhảy lò cò với mảnh ngói mảnh sành mảnh sứ , rải ô quan/ rải ô làng dùng sỏi, sạn hay hạt đậu, xây khăn/ bỏ khăn/ chuyền khăn, thả diều làm bằng tre dán giấy ... vô số kể.
Cờ Lau Tập Trận, tranh Võ đình

Những trò chơi hầu hết cần vận dụng đầu óc bén nhạy tinh tế tính toán chính xác, điều động tay chân nhanh nhẹn, thích nghi với môi trường thiên nhiên và luyện tập quen dần với đời sống tập thể trong cộng đồng. Hát chơi mà học thật.

Đá cầu bằng đồng xu, tranh dân gian Henry Oger

Bài đồng dao trò chơi Xây khăn trong Nam, trẻ ngồi thành vòng tròn, một em cầm khăn chạy ngoài, cùng đọc cho đến hết thì bỏ khăn sau lưng một bạn. Em này phải chú ý theo dõi để nhặt khăn chạy vòng, nhường chỗ cho bạn, nếu không biết sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Xây khăn, khăn nổi khăn chìm 
Ba bên bốn phía đi tìm cái khăn 
Thằng chăn bận áo rách vai 
Không ai may vá, thằng chăn bận hoài

Trò chơi Chuồn chuồn miền Trung và Lộn Cầu Vồng ngoài Bắc có cách chơi giống nhau nhưng khác bài đọc:

- Chuồn chuồn đạp nước kim cang/ bên tê mở cửa bên ni sang lòn 
- Lộn cầu vồng nước trong nước chảy 
Có anh mười bảy có chị mười ba 
Hai chị em ta cùng lộn cầu vồng

Bài đồng dao trò Dung giăng dung giẻ đọc khi đi quanh nhiều vòng tròn, những vòng này luôn thiếu một để đến cuối khi ngồi xệp xuống sẽ có một em chậm chạp bị loại:

Dung giăng dung giẻ/ dắt trẻ đi chơi 
đi tới cổng trời/ gặp cậu gặp mợ 
Cho cháu về quê/ cho dê đi học 
Cho cóc ở nhà/ cho gà bới bếp 
Ngồi xệp xuống đây!

Một bài đồng dao về cuộc sống luẩn quẩn loanh quanh trong nhà ngoài vườn trong xóm ngoài làng là Ông Ninh Ông Nang được Lê Thương phổ nhạc:

Ông Nỉnh ông Ninh/ ông ra đầu đình/ ông gặp ông Nảng ông Nang 
Ông Nảng ông Nang/ ông ra đầu làng/ ông gặp ông Nỉnh ông Ninh 
Nang Ninh đầu đình/ và Ninh Nang đầu làng 
Nang Ninh làng đình/ rồi Ninh Nang đình làng 
Nang Ninh làng đình Nang Ninh/ Ninh Nang đình làngNang Ninh 
Nang Ninh làng đình Ninh ... 
Cô Chiểu cô Chiêu/ cô qua cầu Kiều/ cô gặp cô Thỏa cô Thoa 
Cô Thỏa cô Thoa/ cô qua vườn cà/ cô gặp cô Chiểu cô Chiêu 
Thoa Chiêu cầu Kiều/ và Chiêu Thoa vườn cà 
Rồi Thoa Chiêu cầu Kiều/ rồi Chiêu Thoa vườn dừa 
Cả Chiêu Thoa cầu Kiều Chiêu Thoa/ Thoa Chiêu vườn cà Chiêu Thoa 
Thoa Chiêu vườn cà Thoa ... 
Em Thở em Thơ/ em qua hàng dừa/ em gặp em hải em Hai 
Em Hải em Hai/ em qua vườn xoài/ em gặp em Thở em Thơ 
Thơ Hai vườn xoài/ và Hai Thơ vườn dừa 
Rồi Thơ Hai vườn xoài/ và Hai Thơ vườn dừa 
Cả Thơ Hai vườn xoài Thơ Hai/ Hai Thơ vườn dừa Thơ Hai 
Thơ Hai vườn xoài Thơ ...

Một bài đồng dao khác được phổ nhạc là Thằng Bờm, nói lên đầu óc thực tiễn của dân quê không cần xa hoa phù phiếm cung ngũ long lầu ngũ phụng dinh thự cao ốc hay đặc sản miếng ngon vật lạ, mà chỉ muốn no bụng:

Thằng Bờm có cái quạt mo/ phú ông xin đổi ba bò chín trâu 
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu/ phú ông xin đổi ao sâu cá mè 
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè/ phú ông xin đổi ba bè gỗ lim 
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim/ phú ông xin đổi một đôi chim mồi 
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi 
Phú ông xin đổi nắm xôi... Bờm cười!!!

Thuở nhỏ tôi nghịch ngợm hát bài đồng dao Thằng Bờm và có nhịp điệu khác: Thì ra mo cau vàng mới tinh/ phú ông lập tâm mua liền! Thằng Bờm mà biết cóc chi/ Thằng Bờm mà biết cái cóc chi! Chăng chẳng lấy trâu/ Bờm rằng thì là Bờm chăng chẳng lấy trâu đâu!!!

Trò chơi tôi thích nhất hồi còn tiểu học là đánh thẻ chuyền/ đánh banh đũa, nhưng đến nay không nhớ được trọn bài đồng dao đọc đệm. Duyên may quen một gia đình nhà quê mộc mạc, bà mệ tám mươi sáu và bà mạ sáu mươi, không biết đọc biết viết nhưng còn nhớ kỹ. Bỏ một ngày thăm hỏi cùng ôn trí nhớ, ghi trọn được trò chơi này.

Dùng tay phải nắm nguyên bó đũa 6 chiếc hoặc nhiều hơn, cùng một trái banh, có khi chỉ là quả chanh hay một bó vải vụn cuộn thành hình trái banh. Vừa thảy banh lên là trải đũa ra nhanh cho kịp bắt chụp lại trái banh, rồi lần lượt ném banh vừa bắt từng cây đũa một, rồi hai, ba, bốn ... tức là phải tính chính xác làm sao vừa ném banh lên là phải nhanh mắt nhanh tay tính toán nắm đúng số đũa cần lấy đưa ngay sang tay kia và kịp thời bắt chụp lại trái banh. Trò chơi này hình như chỉ có trẻ Việt Nam ta yêu thích và hợp với con gái. Bài đồng dao đọc theo lúc ném banh, bắt đầu ném banh và bắt một đũa, đọc tối đa đến cuối câu phải tóm lại được trái banh, nếu trật phải nhường người kia chơi:

Cái mốt (bắt một đũa) 
Cái mai/ con trai/ con hến 
Con nhện/ giăng tơ/ quả táo/ cái gáo 
Lên đôi (bắt hai đũa) 
đôi cái mõ/ đôi nồi chõ 
đôi thổi xôi/ đôi nấu chè/ đôi cành tre 
Lên ba (bắt ba đũa) 
..........

Khi nhặt hết đũa thì bỏ tất cả xuống để ném banh bốc cả nắm đổi sang các giai đoạn kế tiếp là con ba lại, con gang, sang tay cầm, kẹp nách, cầm quạt rẽ xương, sang tay giã, giã đơn hoặc giã đôi tùy giao ước ban đầu, nhập giã, rút ống, nhập ống, sang tay tao tức là chuyền. Mỗi giai đoạn này đọc tên báo sự thay đổi chuyển tiếp. Giai đoạn chuyền, một vòng hoặc hai vòng tùy giao ước trước khi chơi, vừa chuyền vừa ném banh rồi chụp banh lại và đọc:

Chuyền chuyền một/ chuyền chuyền hai/ chuyền chuyền ba 
Chuyền chuyền bốn/ chuyền chuyền năm/ chuyền chuyền sáu

Cuối cùng là nẻ hay khẻ, tức là đập cả bó đũa vào chân người thua cuộc, vừa đập vừa thảy banh vừa đọc đoạn cuối bài đồng dao:

Qua cầu, lặn cỏ/ núi đỏ như ma/ hầm sa/ mây sắc 
Bắt con cá, chặt đuôi, chặt đầu 
Têm miềng trầu, hầu chén rượu 
Ai có tiền, ngồi liền lên ghế 
Ai không tiền, liệu thế liệu thần 
Sang tay nẻ, khẻ chân
Chơi thẻ chuyền, Võđình vẽ Laihồng tuổi mười ba

Nẻ / khẻ chân xong là thắng, đoạn đồng dao cuối này lại khác nếu do các nữ sinh Đồng Khánh mà nay là những mệ có cháu nội ngoại đề huề:

Ai muốn cao, ngồi ghế / ai muốn thấp, ngồi đòn 
Ai muốn đỏ, bôi son / ai muốn vàng, bôi nghệ 
Qua cầu Chợ Kệ / về cầu Thanh Lương 
Sang tay bắt con một. - Ăn! (tức là thắng)

Đoạn cuối lúc nẻ, mấy mệ ngoài Bắc lại đọc khác:

Đầu quạ quá giang/ sang sông về đò 
Cò nhẩy gãy cây/ mây bay bèo trôi 
Ổi xanh, hành bóc/ róc vỏ, đỏ lòng 
Tôm cong đít vịt 
Sang cành nẻ/ bẻ cành xanh 
Vét bàn thiên hạ (tức là thắng)

Trong số 54 sắc dân sinh sống tại Việt Nam, người Mường là chị em của người Việt, cùng thờ Vua Hùng, cùng chung truyền thuyết một mẹ trăm con, cùng mặc yếm váy và áo tứ thân và đặc biệt cùng nói chung ngôn ngữ. Trẻ con Mường cũng có đồng dao kèm trò chơi. Ghi lại sau đây một:

Lếu lêu làng lôộc 
Tộc ngộc ngọn cơn bo (cây hoang nhỏ có trái trẻ hay hái ăn) 
Bò ăn no bò ngứa củ ráy 
Ngứa củ ráy ngứa cả cơn rư (cây nưa) 
đưa bò về Mường Tráng 
Tám mươi người kiếm cỏ/ bò đỏ bò nhà lang 
Bò vàng, bò nhà đạo Ống 
Tùng tùng tùng tùng/ ai đánh trống mường trên 
Lền khên con ca trống gáy (con gà) 
Gáy gáy trong rẫy ngoài mường/ vườn như vườn nhà ai 
Ông mo biểu mụ máy/ trấy bín biểu trấy bù (trái bí/bầu) 
Măng mu biểu măng nứa/ bố đạo biểu mệ nàng 
Quan sang biểu kẻ khó/ bó ló biểu bó nếp (bó lúa) 
Cơm nếp biểu cơm chim/ cào cào biểu châu chấu (một loại gạo ngon) 
Cắt nứa rào cho ta chào cấm/ lấy lưỡi lấm cho ta cầm tiền 
Lấy lưỡi liềm cho ta cắt bái (cỏ tranh) 
Lấy lưỡi hái cho ta hái ló (lúa) 
Náng lấy chó cho ta ăn thịt / náng con vịt cho ta ăn đùi (nướng) 
Nuôi con ca cho ta lấy mỡ (gà) 
Dệt lấy mớ lụa điều/ dệt nhiều nhiều cho ta cưới vợ ...

Trẻ con miền Bắc ngày trước rất thích chơi Phụ đồng Phụ chổi, có tính cách huyền bí như lên đồng. Bài đồng dao được đọc đi đọc lại cho đến khi đứa trẻ ngổi đồng được vía nhập:

Phụ đồng phụ chổi/ thổi lổi mà lên 
Ba bề bốn bên/ sôi lên cho chóng 
Nhược bằng cửa đóng/ phá ra mà vào 
Cách chuôm cách ao/ cách ba ngọn rào 
Cũng vào cho lọt 
Cái roi von vót/ cái vọt cho đau 
Hàng trầu hàng cau/ hàng hương hàng hoa 
Là đồ cúng Phật 
Hàng chuối hàng mật/ hàng kẹo mạch nha 
Nào cô bán quế/ vừa đi vừa tế 
Một lũ học trò/ người cầm quạt mo 
Là vợ Ông Chổi 
Thổi lổi mà lên ...

Một trò chơi được đám trẻ gái yêu thích, cách chơi giống nhau nhưng ngoài Bắc gọi là là Trồng Nụ Trồng Cà/ Trồng Nụ Trồng Hoa, và miền Trung gọi là đi Chợ Về Chợ. Phải có bốn em, chia làm hai cặp. Một cặp ngồi, lần lượt duỗi chồng từng bàn chân lên nhau rồi chồng bàn tay làm hoa, trong khi cặp kia đi qua đi lai rồi nhảy qua nhảy lại, vừa đọc:

đi chợ/ về chợ (chưa đưa chân) 
đi canh một/ về canh một (đưa một bàn chân) 
đi canh hai/ về canh hai (chồng thêm một chân, là hai bàn chân) 
đi canh ba/ về canh ba (chồng thêm, ba bàn chân) 
đi canh tư/ về canh tư (chồng thêm, bốn bàn chân) 
đi sen búp/ về sen búp (chồng thêm một bàn tay chụm lại) 
đi sen nở/ về sen nở (chồng thêm bàn tay hơi xòe nở) 
đi sen tàn/ về sen tàn (bàn tay hoa nở xòe rộng hết cỡ)

Đi Chợ Về Chợ, tranh Võ đình, XI-07

Trong trò chơi này, hai em ngồi chồng chân và xòe tay phải giữ thăng bằng, nếu bị đổ chân là thua. Hai em đi qua đi lại nhảy qua nhảy về nếu bị đụng chân hay tay hai em kia là thua. Cặp thua bị loại để hai em khác vào thay.

Nhưng trong mấy trò chơi tập thể nhân Tết Trung Thu và Ngày Nhi đồng Việt Nam, trẻ con Bắc Trung Nam đểu thích tròRồng Rắn, gồm một đoàn ôm eo ếch nhau nối dài đi vòng vòng quanh sân, vừa đi vừa reo hò theo một em dẫn dầu làm thầy thuốc đọc :

- Này, rồng kia! 
- Dạ! 
- Rồng đen hay rồng trắng? 
- Rồng trắng! 
- Rồng trắng lấy nước gạo mùa 
Rồng đen lấy nước cho vua đi cày! 
- Anh em ta cùng kéo lúa về! 
Dô ô ô ô ô ô ô ...
Tranh dân gian của Henry Oger 
Chú thích bằng chữ Nôm: Trẻ Con Làm Rồng Rắn

Bài đồng dao Rồng Rắn cản thầy thuốc cầm cái quạt mo không cho ông bắt em nào trong đoàn, vừa đi vừa hát:

Rồng rồng rắn rắn/ kéo rắn lên mây 
Thấy cây lúc lắc/ hỏi ông thầy thuốc có nhà hay không? 
- Có! 
- Mở cửa cho vào! 
- Vào làm gì? 
- Mượn cái liềm 
- Liềm làm gì? 
- Hái củi 
- Củi làm gì? 
- Nấu bánh chưng 
- Cho thầy ăn không? 
- Không!

Trò chơi Rồng Rắn không rõ có từ giai đoạn lịch sử nào, có thể liên hệ đến thảm kịch thời Trịnh Nguyễn phân tranh chiến tranh đẫm máu giữa đàng Ngoài đàng Trong, hay gần hơn, là cuộc nội chiến Quốc Cộng xốc nổi đến tận cùng đời sống ... với những nhân vật níu áo số mệnh nhau, như truyện dài Rồng Rắn của Lê Thị Huệ dẫn nhập. TròRồng Rắnđược trẻ con tham dự đông đảo nhất, cũng ôm eo ếch nối dài làm con rồng, vừa chạy vòng vòng vừa cùng đọc:

Rồng rắn lên mây có cây xúc xắc 
Xúc xắc xúc xẻ ... Có thầy thuốc ở nhà không?

Một trẻ lớn làm ông thầy thuốc cầm quạt nan phe phẩy đi ra, đủng đỉnh hỏi:

Thầy thuốc: - Rồng rắn đi đâu? 
Rồng rắn: - Rồng rắn đi lấy thuốc cho con. 
Thầy thuốc: - Con lên mấy? 
Rồng rắn: - Dạ, con lên một. 
Thầy thuốc: - Thuốc chẳng ngon! 
Rồng rắn: - Con lên hai. 
Thầy thuốc: - Thuốc chẳng ngon! 
Rồng rắn: - Con lên ba. 
Thầy thuốc: - Thuốc chẳng ngon! 
Rồng rắn: - Con lên bốn. 
Thầy thuốc: - Thuốc chẳng ngon! 
Rồng rắn: ..... 
Thầy thuốc: ..... 
Rồng rắn: - Con lên chín. 
Thầy thuốc: - Thuốc chẳng ngon! 
Rồng rắn: - Con lên mười. 
Thầy thuốc: - Thuốc ngon vậy! Xin khúc đầu! 
Rồng rắn: - Những xương cùng xẩu! 
Thầy thuốc: - Xin khúc giữa! 
Rồng rắn: - Những máu cùng me! 
Thầy thuốc: - Xin khúc đuôi! 
Rồng rắn: - Tha hồ mà đuổi!

đến đây thì đoàn rồng rắn vẫn ôm eo ếch nối nhau chạy đuổi bắt ông thầy thuốc cho kỳ được mới tan cuộc, giữa những tiếng vỗ tay reo hò cổ võ của những người đứng xem, trong số có những bà mẹ chứng kiến con mình lớn khôn trong tập thể, trong cộng đồng. Bài đồng dao này có giá trị như một bài sấm, một bài học lịch sử, và cũng là một bài luân lý giáo khoa thư nói lên tình đoàn kết nhất trí của Rồng Rắn, toàn dân quyết giữ gìn trọn khối chung, đánh đuổi quân xâm lược lăm le chiếm đất đai, đã hớt khúc đầu Nam Quan, lại xén đoạn giữa Trường Sa và gây tai hại đồng bằng Cửu Long miền Nam.

Những bài đồng dao và trò chơi trẻ con góp nhặt ở đây chưa đầy đủ và cần bổ túc, nhưng có chủ đích góp phần gìn giữ kho tàng văn học dân gian trước khi bị thất truyền hay quên lãng, chôn vùi dưới hàng hàng lớp lớp đồ nhựa lắp ráp máy móc Toys 'R' Us, CDs, DVDs, video games, PC Games, puzzles, dominos, bingo, i-pods, cell phones ... và vô số trò khác ào ạt trên mạng lưới điện tử của thời đại @ còng. Ngay tại các nước Âu Mỹ, nhiều tài liệu cũng sưu tầm ghi lại trò chơi trẻ con kèm những ballads, là thơ xưa từ thế kỷ XV/ XVI được phổ nhạc có điệp khúc lập đi lập lại, và Shakespeare từng trích dẫn vào tác phẩm.

Chúng ta đang ở đầu thế kỷ XXI. Mai sau, dù có bao giờ, phần sưu tầm biên khảo nhỏ nhoi này mong còn được đôi khilần giở trước đèn, để may ra có người mở trang sách cũ tìm hiểu về đất lề quê thói, thấy rõ ràng kho tàng văn học dân gian đặt nặng giáo dục gia đình trên vai người mẹ. Những lời ru ca dao ạ ơi ời hà hơi văn hóa mẹ vào tâm hồn trẻ từ lúc mở mắt chào đời cho đến khi chập chững lững thững những trò chơi đi kèm đồng dao, để từ đó vững bước vào xã hội.

Hát mà chơi. Hát mà học. Hát chơi mà học thật. 
Học làm NGƯỜI.













Trần thị LaiHồng 

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Thật tình cảm ơn Lamdu. Đọc xong "chuyện ngày xưa" của bạn, lòng mình thật bồi hồi, khó tả lắm, chỉ còn biết ngửa mặt lên trời mà giữ lại những giọt nước mắt từng được giữ suốt 5 thập kỹ qua ... Cảm ơn bạn lần nữa nha La-Zu.

hungxuan301 nói...

lớp tuổi chúng tôi còn trò chơi : xo-be hay trò chơi sút xanh, không biết bạn có biết không ( hai trò chơi này tên của nó là phiên âm của tiếng pháp )