Hủ tiếu gõ - Hình ảnh các xe hủ tiếu, phở ở Việt Nam:

'Xực tắc' hủ tiếu gõ Sài Gòn
Tô hủ tiếu mỗi thứ một chút nhưng sao ngon lạ: hủ tiếu,
 giá đỗ, vài lát thịt thănthái “siêu mỏng”, hẹ, hành phi
và miếng tóp mỡ bùi thơm chỉ bé bằng hạt đậu...
- Ảnh: Nguyên Trương




Tên gọi của món ăn bắt nguồn từ tiếng gõ lóc cóc vào mỗi chiều tối của những người bán. Nếu mới vào Sài Gòn, bạn sẽ ngạc nhiên trước âm thanh lóc cóc vang lên từ hai thanh tre. Đó đích thị là tiếng rao mời của hủ tiếu gõ. Nếu hủ tiếu Nam Vang là món ăn mắc tiền thì hủ tiếu gõ chính là món ăn lót dạ của giới công nhân, sinh viên khi tan tầm hay đêm muộn.






Hủ tiếu gõ thường được dân Sài Gòn trước 1975 thường hay gọi kèm theo chữ “xực tắc”, là món ăn hết sức bình dân chỉ bán về đêm. Chỉ đơn giản là một chiếc xe đẩy được trang bị lò bếp, một thùng nước lèo luôn bốc khói nóng hôi hổi. Trong xe có ngăn để tô, muỗng đũa, rau hành, gia vị... Thông thường sẽ có một người đẩy xe và một cậu bé đi theo cầm hai thanh tre đã lên nước đen bóng gõ vào nhau tạo ra những âm thanh liên tục như “xực tắc! xực tắc!”.

Bẵng đi một thời gian, hủ tiếu gõ "xực tắc" lại nở rộ ở Sài Gòn. Cho đến nay, chẳng ai biết vì sao đại đa số người bán món này có gốc gác Quảng Ngãi. Thắc mắc này đã được một số đồng nghiệp về đến tận nơi để tìm lời giải, song nó vẫn chưa làm những người quan tâm đến món ăn này thỏa mãn.
Riêng tôi, trong những ngày lang thang tìm hiểu, nghe nhiều giai thoại cho rằng món ăn này chỉ mới xuất hiện trở lại vào giai đoạn "hậu bao cấp" - khi mà chính sách “ngăn sông cấm chợ” bị bãi bỏ. Sau thời kì đó, Sài Gòn bắt đầu phát triển, dân từ khắp nơi đổ về “miền đất hứa” để mưu sinh. Trong dòng người ấy, có rất nhiều người con của mảnh đất Quảng Ngãi cằn khô, nghèo khó.
Một câu hỏi nữa được đặt ra là tại sao không phải là món khác mà lại là hủ tiếu? Lý do có vẻ dễ chấp nhận nhất là trước hủ tiếu gõ, Sài Gòn đã tồn tại rất nhiều loại hủ tiếu vào hàng đặc sản như hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Tàu, hủ tiếu Nam Vang…, điều này đồng nghĩa với việc bánh hủ tiếu có nhiều ở các chợ, dễ mua.
Hơn nữa, bánh hủ tiếu được người làm ra phơi khô rất kĩ, dễ bảo quản và bảo quản được lâu… phù hợp với tinh thần tiết kiệm của người Quảng Ngãi. Điểm thú vị nữa là hủ tiếu gõ chỉ xuất hiện ở Sài Gòn và một số tỉnh thành lân cận. Khu vực miền Trung, thậm chí là Quảng Ngãi – nơi được tạm gọi là “quê hương” của nó tuyệt nhiên rất hiếm, thậm chí là không có.









Chia sẻ thêm với tôi về chuyện nghề, anh cho biết, để có được một nồi nước ngon, hấp dẫn thực khách mỗi ngày vợ chồng anh phải thức dậy từ 3 giờ sáng để mua xương heo về nấu. Đến khoảng 10 giờ sáng thì tranh thủ ngủ một giấc, 4 giờ chiều đẩy xe ra “đại bản doanh”. Công việc cứ thế, kéo dài từ ngày này qua ngày kia, tháng này qua tháng nọ…Có lẽ nhờ tận tụy và tâm huyết với nghề như vậy mà nước lèo anh nấu rất ngon, nhiều người thích ăn.
Thành phần đầy đủ của một tô hủ tiếu mỗi thứ một chút nhưng sao ngon lạ: một chút hủ tiếu (sợi trắng mịn, nhỏ như sợi mì vằn thắn nhưng mềm hơn nhiều), một ít giá đỗ, vài lát thịt thăn thái “siêu mỏng”, hẹ, hành khô và miếng tóp mỡ bùi thơm chỉ bé bằng hạt đậu, mới cảm thấy vị "bùi thơm" thì miếng tóp mỡ đã tan trong họng mất rồi. Tất cả hương vị này quyện với nhau thật hài hòa và quyến rũ.
Một nơi bán hủ tiếu khá nổi tiếng nữa là ở hẻm "hoa hậu" (tức hẻm 351 Lê Văn Sĩ, Q.3). Sở dĩ gọi là hẻm hoa hậu là bởi có hai cô gái đồng thời đoạt vương miện tại hai cuộc thi sắc đẹp khác nhau là Kiều Khanh và Lý Thu Thảo. Hủ tiếu ở đây bán từ 2 giờ chiều đến 23 giờ, giá từ 15 ngàn - 20 ngàn đồng/ tô.
Mặc dù vẫn còn một chút nuối tiếc khi mà nhịp điệu “lóc cóc” quen thuộc của hủ tiếu gõ đã không còn, song với nhiều người, hủ tiếu gõ vẫn còn là một món ăn yêu thích. Và đó chính là “quà tặng” dành cho những con người bình dân ở đất Sài thành.

Xe hủ tiếu gõ ở đường Nguyễn Thượng Hiền, phường 5, quận Tân Bình

Hủ tiếu gõ ở đường Lê Trực, phường 7, quận Tân Bình

Hủ tiếu gõ đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3

Theo Thanh Niên
Hình ảnh các xe hủ tiếu, phở  ở Việt Nam:


























Không có nhận xét nào: