Địa Danh Cũ Sàigòn. Hồi ký Bình Nguyên Lộc

Bình Nguyên Lộc

(Boulevard Charner (Đại lộ Nguyễn Huệ) nhìn thẳng Tòa Hôtel de ville hay Dinh xã Tây trong tiếng Việt. Đến thời Việt Nam Cộng Hòa gọi là Tòa đô chánh Sàigòn)
Phần 1…
Tên đường thời Pháp thuộc:
Song-song với những địa-danh tên Tây, các đường phố và nhiều nơi chốn ở Sàigòn đều có tên Việt, được dân-chúng quen dùng.
Đây là những tên tôi còn nhớ lỏm-bỏm:
Bót cảnh-sát quận nhì, có tên là Xi Nho. Con đường trước bót không bao giờ mang tên Tây Chaigneau hay Signor lần nào cả. Có lẽ là một ông Tây cảnh-sát đã giữ chức-vụ liên-lạc với dân-chúng chăng?
Đầu đường Hồng-Thập-Tự ngày nay, được gọi là đường Hàng Bàng vì hai bên đường trồng hai hàng cây bàng. Tây đặt tên đường là Chasseloup Laubat, nhưng ta bất kể.
Đường Mạc-Đỉnh-Chi ngày nay, có tên Tây là Massiges nhưng ta cứ tiếp-tục gọi là đường Hàng Sao, vì hai bên đường trồng hai hàng sao, có lẽ là trồng trước các đường khác chớ về sau thì đường nào cũng trồng sao cả.
Đường Bùi-Quang-Chiêu là đường Cá Hấp thuở trước vì chỗ ấy nằm cạnh chợ Bến-Thành, các vựa cá hấp đóng đô ở đó.
Đường Bùi Chu, thuở ấy tên Tây là Frère Guillerault, nhưng người ta cứ kêu là đường Huyện Sĩ, vì cái nhà thờ cất ở đó do tiền một tư-nhơn, ông Tri-huyện-hàn Lê-Phát-Sĩ tài-trợ.
Đại-lộ Kitchener (Nguyễn-Thái-Học) được gọi là đường Lò Heo vì lò heo cũ ở đó.
Dĩ-nhiên là đường Phó-Đức-Chính, tên Tây là Alsace Lorraine được gọi là đường Chú Hỏa vì con đường ấy nổi danh nhờ cái cư-xá đồ-sộ của họ Hui-Bon-Hoa.
Đường Khổng-Tử nguyên là đường Gaudot và được gọi là đường Đèn Năm Ngọn.
Đường Phát-Diệm, tên cũ cũng là tên Việt, đường Nguyễn-Tấn-Nghiệm, vậy mà thiên-hạ cứ gọi là đường Cầu Kho. Vậy thì người dân không phải tránh tiếng Tây khó đọc, mà tránh sự bị chỉ-định. Họ ưa theo thói quen hơn.
Nhưng buồn cười lắm là có hai trường-hợp ngược đời, ta ưa Việt-hóa tên Tây, nhưng trong hai trường-hợp ta lại theo Tây một cách mù-quáng. Đó là địa-danh Đakao. Địa-danh ấy nguyên trước là Đất Hộ, bị Tây Pháp-hóa thành Đako, rồi ĐaKao.
Ta lại mù-quáng theo Tây ở một trường-hợp nữa là vùng đất gần cầu Tân-Thuận trước kia là bãi đất hóng mát của dân Sàigòn, tên ta là Láng-Thọ. Tây Pháp-hóa thành Lanto rồi ta lại Việt-hóa thành Lăng-Tô. Không biết cái Lăng đó của Tô-Định hay của ai.
Những con đường tên Tây mà ta không có tên Việt, ta Việt-hóa nó một cách buồn cười.
Chẳng hạn đường Eyriaud des Verges (Trương-Minh-Giảng) được đặt là “Ai-vô rờ-quẹt?”, còn đường Léon Combes được đọc là “Lên-ăn-cơm”.
Đường Dixmude (Đề-Thám) là đường Đít-Xơ-Mít.
Đường Blansubé, tức đoạn Phạm-Ngũ-Lão ngay chợ Thái-Bình được đọc là đường Lan-Si-Bê. Chợ Thái-Bình, cho tới năm 1925, còn được dân-chúng gọi là chợ Lan-Si-Bê.
Đường Huỳnh-Thúc-Kháng (Monlaii) là đường Mộng-Lầu.
Dân-chúng ưa đọc tên đường De Lattre (Công-Lý) nhứt vì tên cũ là Mac Mahon, đọc ra là Mặt-Má-Hồng, nghe hay quá.
Nhưng ngộ-nghĩnh số một là đường Phan-Thanh-Giản (Legrand de la Liraye). Vì tên Tây quá khó đọc, nên đọc ra là “Nhăn răng Rìa ai đi đây?”
Hiệu bán thực-phẩm tươi (épicier) của Tây ở đường Tự-Do, hiệu Guyenot (ngày nay vẫn còn) cứ được gọi là “Hãng Mỡ”, tôi ngạc-nhiên, điều-tra mãi mới hay vì hiệu ấy chuyên chế-tạo xúc-xích (saucisse) nên thừa mỡ rất nhiều. Họ bèn rót mỡ nước vào thùng dầu hỏa bán cho người Quảng-Đông là dân-tộc rất thích ăn mỡ nước, mỗi tháng bán ra hằng mấy trăm thùng, nên nổi danh như vậy.


(Đường Tự Do Sàigòn)
Xóm Máy Đá trong Chợlớn ngày nay, có tên như vậy vì buổi đầu hãng Larue phát-tích ở đó, và ngày nay vẫn còn chi-cuộc Larue ở đó nữa.
Thuở tôi còn học trung-học, mỗi lần trường đưa đi viếng kỹ-nghệ trong thành-phố thì viếng hãng Larue tại đó, hãng Sàigòn chưa xây.
Cái ngã sáu ở đầu các đường Lê-văn-Duyệt, Võ-Tánh, Gia-Long, Phan-văn-Hùm ngày nay, phải gọi là Ngã Sáu Quẹt-Đoong, dân-chúng mới hiểu, vì cái ngã sáu trong Chợlớn cao-niên hơn tới 30 tuổi, họ quen với tên cũ, tên mới, phải kêu thêm chút gì để phân-biệt.
Phần 2…
Tên đường thời Đệ Nhị Công Hoà:

Đại lộ Hai Bà Trưng
Đi trên đại lộ Hai Bà Trưng tôi bỗng sực nhớ lại một điều rồi tủi thân cho bọn đàn ông của ta. Là hễ đờn ông được danh vọng thì đàn bà cũng thơm lây, nhưng khi đàn bà nổi danh thì tên tuổi đàn ông chìm sâu thêm.
Đành rằng ông Thi Sách chỉ có mỗi một cái công nhỏ đối với nước nhà là bị viên thái thú Tàu giết thôi, nhưng quên mất ông ấy cũng tội.
Vậy nên tôi đã đi khắp Sàigòn để tìm xem có con phố nào là phố Thi Sách không ? Có. Hoan hô quí vị đặt tên đường đã nhớ dai hơn nhân dân.
Nhưng mà tội quá, ông Thi Sách ở mãi bên kia nhà thương Đồn Đất, ở xóm ngoại nhân, không bao giờ có người Việt bước chân đến. Ông nầy đã chết vì tay ngoại nhân mà hương hồn ngày nay vẫn lẩn quẩn với ngoại nhân.
Ông Thi Sách và Hai Bà Trưng chạy song song với nhau cho tới mé nước, và không bao giờ gặp nhau cả, đó cũng là một điểm đáng buồn cho cặp vợ chồng ấy.
Ông Nguyễn Thái Học mà còn ngậm cười được vì đã gặp Cô Giang, Cô Bắc ở hai ngã ba chợ Cầu Muối, đằng nầy ông chồng Bà Trưng chỉ nghe văng vẳng tiếng bà đâu đó thôi.
Bà Sương Nguyệt Ánh cũng không bao giờ đi thăm cha được, vì bà ở xóm Bùi Chu còn cụ đồ lại qui điền mãi tận trên Tân Định.
Vị nữ anh hùng thứ nhì của ta, Bà Triệu cũng bị ta quên mất vì bà cũng ở xóm ngoại nhân, trong Chợ Lớn.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng đô thành đặt tên rất khéo, Công chúa Huyền Trân ở một căn phố buồn hiu, sau dinh Độc Lập, buồn như con đường thiên lý ngàn dặm băng rừng đưa công chúa từ Việt sang Chiêm.
Còn cái phố có nhiều tiệm mì, tiệm ăn và tửu lâu trong Chợ Lớn mà đặt tên là phố Tản Đà thì tuyệt diệu bởi vì Tản Đà không phải là thi sĩ mà thôi, lại còn là thực sĩ nữa.


Chợ Bình Tây
Nếu đô thành có bất công chút ít, chẳng qua là vì quên đó thôi. Chẳng hạn như ông Phan Huy Chú được nêu danh trong Chợ Lớn mà ông Phan Huy Vịnh lại không.
Đô thành lại trọng văn nghệ lắm. Không có nhà văn, nhà thơ nào ngày xưa mà không được lấy tên đặt tên phố cả, khiến lũ văn nhân thi sĩ hậu sanh là ta đây cũng nức lòng muốn cố gắng để có thể được biệt đãi như thế về sau.
Chỉ phiền văn nhân thi sĩ của thế hệ ta đông quá, mà đường phố chỉ có hạn thôi, dễ gì tìm được một chỗ “mần”.
Có một điều đáng chú ý là họ Nguyễn chiếm đa số trong các phố Sàigòn. Dân tộc ta họ Nguyễn cũng như dân tộc Pháp họ Dupont vậy mà!


Đại lộ Nguyễn Huệ
Một người Pháp quen biết kể chuyện rằng thuở Đức chiếm đóng nước Pháp, một khi kia quân đội Đức bố ráp ở một ngoại ô nhỏ tại Ba Lê để bắt ông Dupont nào đó. Cuộc bố ráp thi hành xong thì chúng bắt được tất cả tám trăm mười bảy ông Dupont, vừa già, vừa trẻ, đó là chúng đã loại trừ những cậu Dupont oắt con ra rồi đó.
Một cựu thông ngôn nhà binh Pháp ở đây cũng kể rằng một khi kia Pháp ruồng bố ở làng nọ để bắt Nguyễn Thị Hai nào đó. Chỉ một làng ấy thôi, mà họ đã bắt đến bốn mươi tám Nguyễn Thị Hai chẳn chòi.
Vậy thì họ Nguyễn chiếm đến 55 con phố ở Sàigòn – Chợ Lớn không phải là chuyện lạ. Đó là chưa kể những bà Sương Ngyệt Ánh v.v… cũng là họ Nguyễn mà không nêu họ ra. Bà Đoàn Thị Điểm cũng có người bảo thật ra là Nguyễn Thị Điểm, và biết đâu cô Giang, cô Bắc lại không là họ Nguyễn.
Họ Nguyễn được ưu đãi như thế, còn họ Tô không biết vì sao lại ra rìa. Năm kia trên Hòa – Hưng có một con phố tên là Tô Hiến Thành. Năm nay không thấy tên phố đó nữa.
Ngoại nhân có công với dân tộc cũng được nêu danh, cho công bằng. Nhưng không hiểu ông J.J Rousseau có công trực tiếp gì với dân tộc ta. Còn ba ngoại nhân khác rất có công là Tích Quang, Nhâm Diên, và Sĩ Nhiếp lại vắng bóng.


Đường Lê Thánh Tôn


Đường Phạm Ngũ Lão

Sàigòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh cũng cong cong quèo quẹo như con phố kỳ dị ấy.
Tiếc rằng Cống Quỳnh có lẽ chỉ là một nhân vật tưởng tượng thôi.
Sàigòn đặc biệt vì có phố không vỉa hè, thí dụ đoạn phố Đề Thám trước dãy nhà cũ đối diện với hông nhà thờ Tin Lành.
Thật ra thì có một vỉa hè rộng độ tám tấc, nhưng đã lì xuống bằng với mặt đường, ô tô tha hồ leo lên và người đi bộ rất lắm khi phải nhảy vào nhà người ta để thoát chết.
Lại có vỉa hè mà người đi bộ không được xử dụng, thí dụ vỉa hè Cô Giang tại chợ Cầu Muối. Người đi bộ ở đoạn nầy hễ xuống đường thì bị xe cán, còn lên lề thì bị mấy chị bạn hàng đuổi, vì mấy chị mướn vỉa hè ấy có đóng tiền chỗ đàng hoàng.
Thành ra qua đoạn đường đó y như là qua cầu đoạn trường, lên lề thì đoạn tâm, còn xuống thì đoạn cẳng.
Có lắm vỉa hè công khai dùng làm ga-ra, nói công khai vì xe để trên ấy nằm đó năm nầy qua năm khác mà không sao cả. Thế nên chỉ mướn một căn phố bé nhỏ thôi mà người ta có thể mở ga-ra to là nhờ vậy.
Nói đến vỉa hè không thể không chú ý đến những vỉa hè mức độ khác nhau, khách đang đi bỗng sụp chơn suýt ngã. Ấy, nhà bên nầy xây cao một tấc năm, nhà bên kia chỉ xây một tấc thôi mà. Vì mạnh ai nấy xây vỉa hè nên vỉa hè lại mang đủ màu sắc, có quãng xanh, quãng vàng, quãng xám, và lại kiến thiết bằng đủ cả vật liệu : gạch xi-măng, xi-măng trắng, gạch thẻ, gạch Tàu, nhựa, đá ong. Sợ nhứt là vỉa hè đá ong trên đường Thủ Khoa Huân. Đá ong lổm chổm khiến bộ hành không lọi chân cũng trặc cẳng.
Nếu đô thành tự làm lấy vỉa hè rồi bắt người ta trả tiền thì tình trạng nầy đã không có.
Bình Nguyên Lộc

Nửa thế kỷ trước, phụ nữ Sài Gòn đã ăn mặc đẹp như thế này

Sài Gòn trong những bức ảnh xưa hiện lên với những quý cô xinh đẹp, phóng khoáng và chịu chơi… luôn khiến người ta thích thú.
Sài Gòn đã bước qua những giai kỳ hoa lệ khác nhau, giai kỳ nào cũng tân thời và phồn hoa. Thế kỷ trước, Sài Gòn được những tao nhân mặc khách mà giờ chắc đã ra thiên cổ gần phân nửa ưu ái gọi bằng cái tên Hòn ngọc Viễn Đông.
Tôi luôn tự hỏi, điều gì khiến Sài Gòn được ưu ái gọi tên như thế, do vị trí địa lý phù hợp với những cuộc kinh thương ngoại quốc, do đất chật người đông, ồn ào náo nhiệt với những vũ trường, rạp hát ken đặc người...? Không, có lẽ Sài Gòn được ví như ngọc là bởi con người, nhất là phụ nữ Sài Gòn thời đó.



Phụ nữ Sài Gòn nửa thế kỷ trước đã biết ăn mặc sao cho thật có gu và tạo nên cho mình một hào quang riêng biệt. Từ một cô gái xa lạ băng ngang qua đường với kiểu tóc "bình bông" và đôi kính râm thôi cũng đủ khiến cánh đàn ông đang đọc nhật trình gần đó phải ngẩn ngơ ngước nhìn.
Hay những cô nàng mặc áo dài đáy thắt lưng ong, mắt kẻ viền đen, tay cầm dù hoa đang vội vàng nhảy lên một chiếc xích lô gần đó để đi cho kịp giờ coi hát cũng đủ khiến các ông các anh chạy theo, xin một lần hò hẹn. Và cả những người đàn bà buôn gánh bán bưng nhưng biết chăm chút từng nét chỉ, thớ vải áo dài để bước xuống đường sao cho ra dáng Sài Thành nhất…



Áo dài, nón lá và đôi guốc vài phân là những món đồ thời trang không thể thiếu của phụ nữ Sài Gòn thời trước.
Ngắm nhìn những bức ảnh phụ nữ Sài Gòn thế kỷ trước, tôi đồ rằng đó là phố thị duy nhất trên thế giới nơi một người đàn bà bình thường trên phố cũng mang phong thái của một quý bà dạ hội.



Sự giao thoa giữa tân thời và truyền thống đã được phụ nữ Sài Gòn xưa áp dụng triệt để, nhưng không vì thế mà nó kém xinh, ngược lại nó tôn lên vẻ hiện đại nền nã của phụ nữ thời đó.




Sơ mi trắng và chân váy ngang đầu gối cũng là một mốt thời mấy chục năm trước của những cô nàng trẻ trung hiện đại.



Nhìn lướt qua thôi cũng nhận ra đây đích thực là phụ nữ Sài Gòn.



Sự hòa trộn tinh tế giữa tân thời và nét cổ Á Đông.



Cách ăn mặc và ngôn ngữ cơ thể cũng đủ để chứng minh đặc tính phóng khoáng của phụ nữ Sài Gòn nửa thế kỷ trước. Áo dài nền nã là vậy, phụ nữ Sài Gòn dường như vẫn chẳng e ấp mà rất cởi mở, tự tin trong phong thái.



Appe Three - ban nhạc 3 cô gái chuyên biểu diễn ở các hộp đêm với lối ăn mặc vô cùng gợi cảm.



Nhưng suy cho cùng, dù Sài Gòn ngày ấy có tân thời cách mấy, những người phụ nữ vẫn ưu ái chọn chiếc áo dài mỗi khi xuống phố.



Sài Gòn luôn nắng nóng quanh năm nên dù cũng là phụ kiện không thể thiếu của chị em thời đó.



Một quý cô hiện đại với đồ Âu, kính mát và kiểu tóc đặc trưng Sài Gòn.



Kiểu tóc pin-up rất đặc trưng của phụ nữ Sài Thành thời trước.



Đừng nghĩ phụ nữ Sài Gòn cách đây nửa thế kỷ chỉ biết ăn diện mua sắm, mà đọc báo cũng là một thú tao nhã của chị em. Trong ảnh là một cô gái đứng mua báo tại một kiôt góc đường Tự Do - Nguyễn Văn Thinh (nay là Đồng Khởi - Mạc Thị Bưởi).



Ngoài đi bộ dạo phố, nhiều quý bà, quý cô còn chọn xích lô làm phương tiện di chuyển hàng ngày.



Những quý cô hiện đại ngày đó của Sài Gòn đang có một cuộc tán gẫu nho nhỏ trong quán cafe.



Một cô gái đang chăm chú đọc tạp chí Salut Les Copains magazine - tạp chí Pháp rất nổi tiếng vào những năm 60 tại Sài Gòn.



Áo dài và xe đạp là hình ảnh thường thấy trong những hình chụp phụ nữ Sài Gòn hơn nửa thế kỷ trước.



Phụ nữ Sài Gòn ngày trước cũng rất ưa đi mua sắm, vào những buổi cuối ngày mát mẻ, chị em hay rủ nhau đến các thương xá để chọn mua những món đồ yêu thích.



Một "Paris Phương Đông" phồn thịnh với cub, vespa và những quý cô hợp mốt.



Một người phụ nữ Sài Gòn mặc áo dài phi bóng tím, tay cầm dù đang ung dung dạo phố tại Công Xã Paris trước 1975.



Váy suông cùng họa tiết đơn giản luôn là món đồ được những chị em trẻ tuổi Sài Gòn yêu thích.



Khi phụ nữ Sài Gòn đi lễ chùa đầu năm.



Một lối nhỏ kinh kỳ hoa lệ có cô gái Sài Gòn đang vội chân đi.



Vespa, váy bút chì, tóc bob, kính râm thì còn gì hiện đại hơn?



Một người đàn bà xa lạ bình thường ngoài phố nhưng mang phong thái của một quý cô thứ thiệt, đang chuẩn bị đi dạ hội.



Những quý bà thành đô đang qua đường trong những ánh nhìn ngẩn ngơ.



Thật không ngoa khi nói Sài Gòn là phố thị đài các của phương Đông.



Áo dài thướt tha, tóc bay trong gió thì luôn có những ánh mắt dõi theo.



Một góc phố giai nhân của Sài Gòn.



Quần ống loe - mốt của những năm 70 được phụ nữ Sài Gòn nhiệt liệt chào đón.



Quý cô Sài Gòn xưa vừa hiện đại, vừa đài các.



Nghinh tân những vẫn thủ cựu, Sài Gòn vẫn luôn là một bức tranh lập thể tuyệt vời như thế.



Một cô gái mặc áo dài trắng, đeo khăn trắng và tạo điểm nhấn bởi cặp kính đen, trông không khác nào một bức ảnh bìa của tạp chí nước ngoài.



Với chiếc túi xách nhỏ xinh bên tay, phụ nữ Sài Gòn xưa trông rất mốt đấy chứ!



Ngoài những cây dù, kính râm cũng là một phụ kiện không thể thiếu của các quý cô Sài Gòn xưa, vì nó giúp họ toát lên sự thời thượng, sang trọng.



Những chiếc đầm rất mốt đã được phụ nữ Sài Gòn thế kỷ trước diện chỉ "chậm" hơn xu hướng của thế giới vài tháng.
Sexy thì sao phải đợi? Ngày xưa, quý cô Sài Gòn đã ăn chơi thế này cơ mà!

Cây gòn mùa trái rụng và nguồn gốc tên gọi của một vùng đất mang tên Sài Gòn

(Bài trên http://tphcm.tintuc.vn/)
Nhiều người vẫn thường nhớ về một Sài Gòn có lá me bay mà quên mất một mùa gòn về giữa tháng ba.
Hoa tuyết của đất trời:
Mùa này những cây gòn lại đua nhau thay lá, trổ bông rồi đơm trái. Những trái gòn nâu sẫm rũ xuống chỉ chờ ngày bung nở lớp bông trắng ngà bay muôn phương.  Đã từ lâu rồi bóng dáng của những cây gòn không còn xuất hiện nhiều như trước, thi thoảng mới bắt gặp vài tán cây xanh um tỏa ra ở một con đường ngoại ô thành phố.
Cây gòn hay còn gọi là cây bông gạo, trong thời chiến dùng để cầm máu nhưng bây giờ được sử dụng để sản xuất gấu bông, hạt ép lấy dầu, lá thay cho dầu gội. Những đứa trẻ nghèo ở ngoại ô thời ấy thường dùng lá vắt với nước như hỗn hợp xà phòng để thổi bong bóng. Có những cây gòn cao đến sáu, bảy chục mét, tùy theo loại mà thân cây có hoặc không có gai. Quả gòn dài hơn gang tay, bên trong là lớp bông trắng mềm dịu. Chính vì đặc tính này mà ngày trước nhiều người thường lấy bông gòn làm gối.
Không giống những loại cây khác, cây gòn rụng lá vào mùa khô, trụi lủi, chừa lại những trái gòn trơ trọi. Nói như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thì “cây gòn phải hy sinh để dồn sức nuôi trái lớn”. Rồi một ngày tháng ba đẹp trời lớp bông “xổ lồng bay ra trắng xóa”, từng lớp từng lớp bông như những chùm hoa tuyết mà rơi xuống, mà nương theo gió bay đến vùng đất lạ, mà nhú lên những chồi xanh mơn mởn. Để mầm sống mãi nối tiếp nhau.

Thị trấn cây Gòn:
Do có tên gọi giống nhau nên nhiều nhà học thuật đã nghiên cứu để chỉ ra mối tương quan giữa cây gòn và vùng đất Sài Gòn-Gia Định. Căn cứ vào từ “Sài” nghĩa là củi và “Gòn” tức cây bông gòn, nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký lý giải tên Sài Gòn nghĩa là “rừng gòn”, do ngày trước người Cao Miên trồng nhiều cây mà thành. Dù sau đó không tìm được vết tích của rừng gòn theo giả thuyết trên nhưng đó lại là một cách giải thích hoàn hảo và lãng mạn cho những ai đã trót dành tình yêu cho mảnh đất này.
Phải chăng vì cuộc sống thiếu tiện nghi nên ngày đó những người phụ nữ nông thôn thường nhặt trái gòn về làm gói? Và lũ trẻ có dịp quay quần dưới góc cây thi đua xem ai là người nhặt nhiều trái nhất rồi chạy thật nhanh về nhà khoe với bà, với mẹ. Thích nhất là lúc ngồi xem bà tách vỏ ra, trộm lấy lớp bông trắng muốt hất tung lên rồi nhìn những sợi bông nhẹ nhàng rơi xuống. Kí ức về những ngày ấy có bao giờ hết đẹp được đâu!
Bây giờ khó mà tìm cho ra một cây gòn giữa lòng thành phố, càng khó thấy những chùm bông trắng treo lủng lẳng hay bay đâu đó trên vòm trời. Những chiếc gối làm từ gòn cũng thưa dần. Chỉ có kí ức về những ngày lúi cúi nhặt trái gòn rồi chạy thật nhanh về đưa cho bà thì mãi mãi còn đó. Như một lời hiệp ước vĩnh viễn với tuổi thơ.
Nghĩa Coco